Giáo sư Jay Batongbacal. Ảnh: Hải An |
Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đã ấn định ngày tổ chức cuộc điều trần về vụ kiện của Philippines phản đối đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Cuộc tranh tụng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc theo phụ lục số VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ diễn ra từ ngày 24 tới 30/11 tại The Hague”.
Zing.vn đã trao đổi với Giáo sư Batongbacal, Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, về những diễn biến của phiên điều trần.
- Trong phiên điều trần lần này, đoàn Philippines sẽ trình bày những luận điểm gì?
- Philippines sẽ cố gắng cung cấp những bằng chứng thực chất về cái gọi là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Kế đến, đoàn của nước chúng tôi sẽ cung cấp những bằng chứng và lập luận về quy chế lãnh hải của các bãi đá, hoặc về các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng, rằng liệu chúng có thể tạo ra vùng lãnh hải xung quanh hay không?
Kế đến, chúng tôi sẽ trình bày những lập luận để làm sáng tỏ rằng liệu những hành động này của Trung Quốc có hợp pháp hay không.
Tôi không nghĩ trong phiên điều trần lần này sẽ xuất hiện những bằng chứng mới, do Philippines đã cung cấp rất nhiều trong những dịp trước đây, bao gồm tập tài liệu 7.000 trang đệ trình lên toà án. Thay vào đó, đoàn sẽ tập trung đưa ra những lập luận, và chỉ rõ rằng những bằng chứng nào liên quan và củng cố cho các lập luận.
- Phiên điều trần sẽ diễn ra như thế nào khi Trung Quốc kiên quyết không tham gia?
- Phiên toà sẽ diễn ra như những lần trước, hoặc trong lần ra phán quyết gần nhất về thẩm quyền của toà án để phân xử vụ kiện. Philppines sẽ bắt đầu bằng cơ hội được trình bày luận điểm của chúng tôi. Trung Quốc sẽ được gửi thông báo về buổi điều trần. Sau đó, Trung Quốc sẽ được gửi biên bản hoặc băng ghi âm về nội dung trình bày của Philippines. Toà án sẽ đề nghị Bắc Kinh đưa ra lập luận phản hồi.
Dĩ nhiên, việc Trung Quốc gửi phản hồi chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Sau thời gian này, ban trọng tài sẽ tuyên bố thời gian điều trần đã kết thúc. Kế đến, nội dung điều trần sẽ được thảo luận giữa các uỷ ban liên quan và giữa những trọng tài viên tham gia phân xử. Phán quyết sẽ được đưa ra vào năm tới.
- Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối về buổi điều trần như thế nào?
- Trung Quốc đã liên tục nói rằng họ không tham gia vụ kiện. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm vào thời điểm này. Qua các kênh ngoại giao, Trung Quốc đã nói họ không công nhận tính pháp lý của toà án trong vụ kiện, bác bỏ tham gia và cũng sẽ không công nhận phán quyết. Tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục lặp lại quan điểm này.
- Toà án sẽ công bố phán quyết cuối cùng vào năm tới, ông đánh giá thế nào về cơ hội thắng kiện của Philippines?
- Chính phủ Philippines rất tự tin. Cá nhân tôi cho rằng Philippines có thể chiến thắng ở một số nội dung, chứ chưa hẳn sẽ là toàn bộ các điểm khởi kiện. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất chính là giá trị pháp lý của đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra. Tôi lạc quan rằng Philippines sẽ thắng ở điều khoản này.
- Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với phán quyết của toà án?
- Tôi nghĩ khi đó Trung Quốc buộc phải đưa ra quyết định. Họ có thể sẽ vẫn tiếp tục giữ vững quan điểm lâu nay và tuyên bố không bị ràng buộc bởi các phán quyết. Phán quyết chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín và khả năng xây dựng quan hệ với các nước khác, ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh. Trong một diễn biến khác, họ có thể bắt đầu hành động và tỏ ra thân thiện, tuân thủ phán quyết và luật pháp quốc tế.
- Một số nước trong khu vực đã có tuyên bố cân nhắc kiện Trung Quốc. Ông bình luận thế nào về việc lựa chọn giải pháp pháp lý này?
- Một bộ trưởng Indonesia đã tỏ dấu hiệu rằng có thể kiện Trung Quốc. Việc khởi kiện sẽ diễn ra nếu Trung Quốc không ngừng những hoạt động ảnh hưởng tới ngư dân Indonesia cũng như vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tôi cho rằng Việt Nam cũng nên cân nhắc khả năng kiện một cách kỹ lưỡng, xem xét thận trọng với quyết định đưa Trung Quốc ra toà quốc tế vì một sự cố cụ thể nào đó. Các yếu tố cần xem xét bao gồm điều kiện hoàn cảnh và tình hình cụ thể. Nếu mối quan hệ Việt - Trung lại rơi vào căng thẳng như năm ngoái, hoặc nếu sự cố xảy ra, khi đó khởi kiện là một khả năng sẽ được đặt ra và chính phủ buộc phải ra quyết định.
Philippines không bao giờ nghĩ đến chuyện sử dụng vũ lực. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, việc khởi kiện Trung Quốc là giải pháp đúng đắn, đặc biệt sau khi cân nhắc thấu đáo hoàn cảnh thì đây là giải pháp cuối cùng. Chính phủ Philippines hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của nhân dân và cơ quan lập pháp.
“Các nước ASEAN không hoàn toàn nói không với phương án khởi kiện hoặc sử dụng những cơ quan tài phán quốc tế. Việc sử dụng ra sao, cách thức… là những điều cần phải tính toán chặt chẽ dựa trên nhiều yếu tố. Chẳng hạn, các vấn đề mang tính kỹ thuật pháp lý như có thể kiện hay không, khả năng chiến thắng nếu khởi kiện, hoặc ngay cả khi thắng kiện thì nó mang lại tác dụng tích cực hay tiêu cực. Quyết định kiện cũng phải cân nhắc các yếu tố chính trị, bao gồm quan hệ với Trung Quốc, với các nước và trong khu vực.
Theo tôi, hiện tất cả các nước đều đang theo dõi diễn biến và kết quả vụ kiện của Philippines. Nước này vừa chiến thắng ở “vòng ngoài” của phiên toà, về thẩm quyền của toà án. Nhưng điều này không bảo đảm Philippines sẽ hoàn toàn chắc thắng ở các điểm quan trọng về nội dung, trong khi đây mới là các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông. Do vậy, phản ứng chung là theo dõi diễn biến vụ kiện của Philippines”, Tiến sĩ Trần Trường Thuỷ, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, nói với Zing.vn.