Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành viên Tòa Trọng tài: Trung Quốc buộc phải suy tính lại

GS Erik Franckx, trọng tài viên Tòa Trọng tài Thường trực, nói với Zing.vn rằng Trung Quốc sẽ suy tính lại quan điểm sau thất bại đầu tiên trong trận chiến pháp lý với Philippines.

GS.TS. Erik Franckx là giám đốc Khoa Luật quốc tế và Luật Châu Âu tại Đại học VrijeUniversiteit Brussel (VUB). Từ năm 2006 đến nay, ông được bổ nhiệm trở thành trọng tài viên của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan. PCA cũng là nơi đang thụ lý vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Ảnh; Nghiencuu biendong
GS.TS. Erik Franckx là giám đốc Khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu tại Đại học VrijeUniversiteit Brussel (VUB). Từ năm 2006 đến nay, ông được bổ nhiệm làm trọng tài viên của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan. PCA cũng là nơi đang thụ lý vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Ảnh: Nghiencuubiendong

- Năm 2014, Việt Nam đã bày tỏ lập trường về vụ kiện của Philippines. Theo ông, Việt Nam có thể thể hiện vai trò như thế nào trong sự việc này?

- GS Erik Franckx: Bức thư mà Việt Nam gửi đến PCA vào tháng 4/2014 chỉ được lưu hành giữa những bộ phận liên quan chứ không công bố công khai. Những chỉ dấu duy nhất về nội dung văn bản chỉ được nhắc đến trong quyết định của Tòa án Trọng tài về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ kiện. 

Đoạn 179 đến 188 đã tiết lộ phần nội dung quan trọng nhất của văn bản. Theo đó, sau khi xem xét kỹ thư do Việt Nam gửi đến, tòa án quyết định Việt Nam không phải bên liên quan thứ 3 không thể thiếu đối với quá trình xét xử.

Chiều 31/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện, bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hoà bình phù hợp, cần thiết, để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý ở Biển Đông.

Tuy nhiên, tòa án cũng thông báo với Việt Nam rằng họ sẽ giải quyết việc đề nghị can dự vào quá trình tố tụng của Việt Nam nếu nước này gửi đơn chính thức. Đến nay, Việt Nam chưa có động thái như vậy. 

- Một số ý kiến lo ngại về những hình thức trừng phạt thương mại khi một nước nhỏ khởi kiện nước lớn như Trung Quốc. Một sự việc điển hình là trận chiến chuối năm 2012 khi Philippines và Trung Quốc đang căng thẳng ở bãi cạn Scarborough. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- GS Erik Franckx: Quyết định về thẩm quyền của tòa án đã nhấn mạnh rằng, việc tổ chức thủ tục tố tụng của Philippines không phải là biểu hiện của lạm dụng quyền lực. Các quốc gia hoàn toàn có thể đơn phương khởi kiện dựa trên Phần 15 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Nếu các nước gặp vấn đề trong quá trình thực hiện thủ tục tố tụng, họ phải trình báo với tòa án. Tôi cho rằng, việc áp đặt trừng phạt kinh tế với một nước vì việc sử dụng Phần 15 của UNCLOS hoàn toàn không phù hợp với quyết định của Tòa án Trọng tài.

Người Philippines cắm quốc kỳ ở bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 2012 Ảnh: Phil Star
Người Philippines cắm quốc kỳ ở bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 2012. Ảnh: Phil Star

- Trung Quốc đã gặp thất bại đầu tiên trên mặt trận pháp lý sau khi PCA tuyên bố có thẩm quyền phân xử vụ kiện của Philippines. Theo ông, Trung Quốc sẽ phản ứng tiếp theo như thế nào?

- GS Erik Franckx: Chúng ta đều biết rõ phản ứng (về mặt pháp lý) của Trung Quốc, vốn vẫn phù hợp với quan điểm của họ từ trước tới nay. 

Tuy nhiên, với việc PCA khẳng định thẩm quyền trong vụ kiện của Philippines, những rào cản pháp lý đã không còn nữa. Hãy nhớ rằng, đây chính là giai đoạn khó khăn nhất trong thủ tục tố tụng. 

Do vậy, tôi nghĩ Trung Quốc buộc phải suy tính lại quan điểm của họ. Tòa án Trọng tài có thể ra quyết định về nhiều điểm, bao gồm "đường 9 đoạn", điều này mở ra cơ hội cho Trung Quốc bào chữa đầy đủ về quan điểm của họ.

- Trung Quốc liên tục phủ nhận tham gia phiên tòa, điều này ảnh hưởng thế nào đến quá trình phân xử? Phán quyết của tòa án sẽ tác động đến Trung Quốc ra sao?

- GS Erik Franckx: Việc Trung Quốc kiên quyết không tham gia gây khó khăn cho Tòa án Trọng tài trong việc đánh giá chính xác những luận cứ pháp lý của một bên trong tranh chấp. Tuy nhiên, nó không thể khiến phiên tòa kết thúc. Tòa án sẽ nỗ lực hết sức để xem xét các lập luận pháp lý khả thi của Trung Quốc, dù không thể hoàn toàn nắm bắt đầy đủ.

Hôm 30/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh bác bỏ tuyên bố của PCA và tiếp tục khẳng định chủ quyền phi lý của nước này trên khu vực Biển Đông.

Tôi lấy ví dụ về quan điểm pháp lý của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền về "đường 9 đoạn". Trừ phi Bắc Kinh thông báo rõ ràng lập trường pháp lý của họ (vốn là điều mà nước này chưa thực hiện đến nay), tòa án sẽ phải tự ra quyết định mà không cần biết chính xác rằng tuyên bố này đại diện cho điều gì đối với quốc gia luôn muốn tìm cách củng cố nó.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng, phán quyết của tòa án mang tính ràng buộc với cả Trung Quốc, dù nước này tham gia hay không tham gia tố tụng; cũng như họ có tuyên bố thế nào chăng nữa trước công chúng.

Việc thực thi phán quyết là vấn đề hoàn toàn khác. Trước đây, một số cường quốc từng từ chối tham gia tố tụng trước khi tòa án ra phán quyết chống lại họ. Tôi lấy ví dụ trường hợp Tòa án Công lý Quốc tế năm 1986 phán quyết bất lợi cho Mỹ trong vụ kiện do Nicaragua khởi xướng. Sau một thời gian dài, Mỹ cuối cùng đã chịu chấp hành phán quyết.

'Nếu Philippines thắng kiện, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế'

"Trong vụ kiện Trung Quốc, lợi thế có thể nghiêng về Philippines. Khi đó, Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu muốn kiện Bắc Kinh", chuyên gia luật Hoàng Việt trả lời Zing.vn.

Tòa Trọng tài xét đơn kiện của Philippines trên cơ sở nào?

TS Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia Luật Biển của Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn về cơ sở pháp lý phán quyết của Tòa Trọng tài khi tiếp tục xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Minh Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm