- Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hà Lan đã khẳng định thẩm quyền vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Xin ông cho biết PCA dựa vào quy định nào để thực hiện điều trên?
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ảnh: QĐND |
- Tòa Trọng tài nhận vụ kiện của Philippines từ tháng 3. Trong tháng 7, tòa mở phiên điều trần đầu tiên, yêu cầu đôi bên cùng có mặt nhưng phía Trung Quốc không tham gia. Tuy nhiên, Philippines vẫn trình bày những quan điểm của họ trong khi Bắc Kinh đưa ra một tuyên bố với những tiêu chí của họ trong tranh chấp trên Biển Đông. Phía Trung Quốc khẳng định Tòa Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ và Bắc Kinh không cần tham gia phiên xử.
Tuy nhiên, Tòa Trọng tài có quan điểm khác về vấn đề này. Trong tuyên bố ngày 29/10, PCA khẳng định thẩm quyền để xét xử tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Trên thực tế, Philippines không đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ lên tòa. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 khẳng định các tranh chấp trên biển cần được đưa ra tòa để giải quyết nhưng Trung Quốc từ chối tham gia mọi phiên xử. Vì vậy, Philippines lựa chọn đưa vấn đề của họ ra Tòa Trọng tài, được thành lập theo phụ lục VII. Tòa có thể đưa ra phán quyết mà không nhất thiết có sự tham dự của Trung Quốc.
Bắc Kinh và Manila liên tục tranh cãi về thẩm quyền của Tòa Trọng tài nhưng phán quyết ngày 29/10 đã chấm dứt mọi sự hồ nghi. Philippines đã giành thắng lợi đầu tiên và quan trọng trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Sau đó, tòa sẽ xem xét và đáp ứng những yêu cầu của Philippines trong vụ kiện.
Người Philippines cắm quốc kỳ ở bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 2012 Ảnh: Phil Star |
- Vụ kiện của Philippines không giải quyết tranh chấp chủ quyền mà là cách diễn giải các điều khoản trong UNCLOS. Theo ông, nó có ý nghĩa như thế nào trong nỗ lực ngăn chặn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông?
Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và không liên quan tới tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, có một vấn đề cực kỳ quan trọng là phía Philippines yêu cầu tòa phán quyết về cái gọi là đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS.
Sau khi khẳng định thẩm quyền của mình, PCA sẽ xem xét yêu cầu này của Manila. Nếu tòa đưa ra phán quyết cuối cùng về sự phi pháp của đường lưỡi bò, chúng ta có thể hiểu rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không có giá trị pháp lý, vi phạm luật pháp quốc tế.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng thắng lợi của Philippines?
Trước hết, thắng lợi được dự đoán từ trước đối với Philippines chính là việc Tòa Trọng tài tuyên bố có thẩm quyền giải quyết vụ kiện của Manila. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ tòa xem xét các yêu cầu của Philippines và đưa ra phán quyết cuối cùng, trong đó có sự phi pháp của đường lưỡi bò. Theo quan điểm của tôi, nhiều khả năng lợi thế sẽ nghiêng về phía Philippines dù không phải mọi yêu cầu đều được đáp ứng.
- Theo ông, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc giống như cách thức Philippines đang thực hiện?
Bảo vệ Trường Sa và đòi lại Hoàng Sa liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền. Tòa cần có sự tham gia của tất cả các bên để xét xử nhưng Trung Quốc luôn một mực từ chối dự các vụ kiện dù lúc nào cũng khẳng định tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là vướng mắc.
Philippines kiện cách giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển của Bắc Kinh. Tòa sẽ phán quyết cách giải thích của Trung Quốc phù hợp hay không phù hợp, hợp lý hay bất hợp lý theo UNCLOS.
Nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc, chúng ta sẽ kiện đường lưỡi bò. Nếu thắng lợi nghiêng về phía Philippines trong vụ kiện này, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn cần phải chờ đợi.
Hoạt động bồ lấp của Trung Quốc ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam Ảnh: New York Times |
- Trung Quốc dường như đã hoàn tất các hoạt động bồi lấp trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông có thể chỉ rõ sự phi pháp trong các hành động của Bắc Kinh?
Trung Quốc có nhiều ý đồ khi bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Về mặt luật pháp, Trung Quốc muốn biện minh cho đường lưỡi bò thông qua các đảo đá cùng với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng. Tuy nhiên, cả 7 thực thể mà Trung Quốc bồi lấp đều đang gây tranh cãi.
Trong các yêu cầu được gửi lên Tòa Trọng tài, Philippines khẳng định 3/7 thực thể địa lý mà Trung Quốc đang kiểm soát là bãi đá nửa chìm nửa nổi. Theo UNCLOS, chúng không thể là thực thể mà Trung Quốc có thể dựa vào để đưa ra yêu sách chủ quyền.
Hiện tại, Trung Quốc lập lờ trong tuyên bố và tìm mọi cách để tôn tạo đảo nhằm thay đổi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển theo cách của mình và xây dựng lợi thế nhất định về quân sự trong khu vực.