Tàu tuần tiễu BRP Gregorio del Pilar (PF-15) của Philippines. Ảnh: Military Today |
Ngày 28/11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino quyết định ký hợp đồng dài hạn mua hai tàu khu trục, 8 phương tiện tấn công đổ bộ, 3 máy bay trực thăng chống ngầm, 2 máy bay tuần tra tầm xa, 3 radar phòng không cùng đạn dược và máy bay hỗ trợ tầm ngắn.
Thông tin trên do Thứ trưởng Quốc phòng Fernando Manalo công bố. Theo Reuters, Manila dành 83 tỷ peso trong 5 năm để cải thiện khả năng bảo vệ biên giới hàng hải, chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Năng lực quốc phòng yếu kém của Philippines được thể hiện rất rõ trong cuộc tranh chấp chủ quyền hàng hải với Trung Quốc trên Biển Đông do thiếu trang thiết bị cần thiết. Vào tháng 8, Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ Philippines hiện đại hóa quân đội, đồng thời ủng hộ Manila trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và theo đuổi vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế về Luật biển.
Tậu thêm 2 chiến đấu cơ
Ngoài ra, chính phủ Philippines cũng vừa nhận hai trong số 12 máy bay chiến đấu siêu âm đặt mua từ chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng phòng không.
Đây là hai chiến đấu cơ FA-50 đầu tiên mà Philippines nhận từ Hàn Quốc theo một thỏa thuận liên chính phủ trị giá hơn 400 triệu USD. 10 chiếc còn lại sẽ được chuyển giao cho không quân Philippines vào năm 2017.
Chiến đấu cơ FA-50 mà Philippines đặt mua từ Hàn Quốc. Ảnh: KAI |
“Với loại máy bay này, chúng tôi có thể tăng cường khả năng bảo vệ biên giới hàng hải. Thời gian phản ứng của lực lượng không quân sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần thêm radar và các phương tiện liên lạc để tích hợp đầy đủ cho hệ thống phòng không”, quan chức không quân giấu tên của Philippines nói.
Căng thẳng ở Biển Đông nóng lên do những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ cũng như việc Bắc Kinh bồi lấp các bãi đá với tốc độ lớn, tạo ra 7 đảo nhỏ trong khu vực. Với nhiều đảo nhỏ, bãi đá và bãi cát, Biển Đông là điểm nóng về tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều quốc gia.
Bắc Kinh vạch ra yêu sách “đường 9 đoạn” đòi chiếm hơn 80% diện tích trên Biển Đông, bao gồm những vùng biển mà các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền. Nước này cũng từ chối tham gia vụ kiện mà Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague đang thụ lý đơn kiện của Philippines.