Sau nửa thế kỷ tồn tại, ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức, cả mới lẫn cũ, cả bên trong lẫn bên ngoài. Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, sự đoàn kết, tăng trưởng kinh tế và khủng bố là những thách thức lớn với ASEAN hiện nay.
Khủng bố xuất thân từ khu vực
Làn sóng khủng bố ở Marawi hiện nay đang gióng lên hồi chuông báo động mới về an ninh tại Đông Nam Á.
Chiến sự nổ ra tại Marawi sau khi phiến quân Maute tấn công thành phố. Ảnh: Getty. |
Tại Đối thoại Shangri-La mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói hiện có "ít nhất 31 nhóm khủng bố ở Đông Nam Á trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)". Ông khẳng định khủng bố hiện là mối quan ngại lớn nhất về an ninh tại khu vực và "có thể trở nên tồi tệ hơn với khả năng nhiều chiến binh trở về từ Trung Đông" sau khi IS mất các địa bàn trọng điểm.
Hai năm qua, nhiều vụ tấn công đã xảy ra tại các nước ASEAN, như ở Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines), Pattani (Thái Lan), Jakarta (Indonesia). Trong khi đó, đảo Mindanao (Philippines) vẫn đang được đặt trong tình trạng thiết quân luật sau khi một nhóm phiến quân "chân rết" của IS đột kích và chiếm đóng thành phố Marawi từ hôm 23/5.
Theo ông Ng Eng Hen, chính điều kiện địa hình với biên giới nhiều lỗ hổng và rừng rậm dày đặc ở khu vực đã tạo điều kiện để các nhóm khủng bố lập căn cứ. Chúng đang hoạt động theo cách tối ưu hóa những mạng lưới tội phạm sẵn có vốn chuyên thực hiện các vụ buôn người, mua bán vũ khí.
Biển Đông: 'Phong vũ biểu' của sự đoàn kết
Vấn đề Biển Đông lâu nay đã đặt ra thách thức lớn cho ASEAN khi 4 trong 10 nước thành viên là các bên tranh chấp và họ muốn dựa vào ASEAN để gây sức ép với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thành viên của khối cho đến nay vẫn chưa thể hiện tinh thần sẵn sàng hy sinh “lợi ích quốc gia” để đổi lấy “lợi ích chung".
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chiếc "phong vũ biểu 'đo' tinh thần đoàn kết và sự đáng tin cậy của ASEAN". Cuộc tranh chấp đã thách thức nguyên tắc đồng thuận mà khối theo đuổi khi một số thành viên còn có lợi ích kinh tế và chiến lược phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.
"Các tiến triển nhìn chung vẫn chưa thật sự mạnh mẽ bởi sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc cũng như toan tính chiến lược của các nước lớn và khả năng cân bằng quyền lực mềm của các nước vừa và nhỏ trong ASEAN vẫn chưa thật sự hiệu quả", PGS.TS Trần Nam Tiến, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, trả lời Zing.vn.
Cộng đồng Kinh tế và tương lai của hội nhập
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trụ cột được coi trọng nhất của Cộng đồng ASEAN ra đời cuối năm 2015, đang cho thấy những dấu hiệu ngưng trệ trong tiến trình hội nhập. Thách thức lớn nhất là sự miễn cưỡng của chính phủ các nước trong việc mở cửa nền kinh tế vì lo sợ cạnh tranh xảy ra với các ngành công nghiệp nội địa.
Theo thạc sĩ Hoàng Thị Hà, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Yusof Ishak) ở Singapore, nhiều cam kết và hiệp định khu vực vẫn còn nằm trên giấy và chưa được đưa vào luật và tại các quốc gia. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, chỉ 30% các cam kết trong ASEAN được thực thi.
Vị chuyên gia cho rằng ASEAN đang thiếu những cơ chế cưỡng chế thực thi hiệu quả, không có cơ chế giải quyết tranh chấp cũng như chưa xây dựng được văn hóa tuân thủ luật lệ, những yếu tố "tạo ra trở ngại lớn cho hội nhập kinh tế sâu hơn tại ASEAN".
Một người đàn ông chở hàng hóa trên đường phố Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Getty. |
Những khác biệt cố hữu
Sau 50 năm, người ta đã bắt đầu nói về sự tồn tại của ASEAN như một điều thần kỳ khi xem xét sự khác biệt lớn giữa các thành viên trong khối.
Chuyên gia Hoàng Thị Hà cho rằng thách thức lớn nhất với ASEAN không phải là yếu tố bên ngoài mà chính là vấn đề thuộc về nội tại và cấu trúc. "Đặc biệt phải kể đến là thách thức vốn có trong việc xử lý và hài hòa sự khác biệt lớn giữa các thành viên trong khi vẫn làm việc dựa trên nguyên tắc đồng thuận", bà cho biết.
Các quốc gia ASEAN đã và đang cố gắng thu ngắn cách biệt và tìm kiếm các giá trị chung.
Nhận thức về chính mình
Theo cựu ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai, người dân ASEAN hiện chưa thực sự cảm nhận được "sự sở hữu" của họ đối với tổ chức. Người dân ASEAN chưa tự xác định họ là công dân ASEAN, không giống như người dân các nước EU xưng là công dân EU trước khi nói họ đến từ nước thành viên nào.
Theo phó giáo sư Tiến, đây là vấn đề mà những nhà lãnh đạo ASEAN vẫn đang nỗ lực khá nhiều song thành tựu còn chưa mang tính bước ngoặt. Nhận thức của người dân về ASEAN vẫn còn rất mơ hồ khi nhiều người thậm chí không rõ ASEAN có bao nhiêu nước.
Binh sĩ Philippines tham gia bảo vệ an ninh tại địa điểm gần nơi diễn ra hội nghị ASEAN ở Manila hồi tháng 4/2017. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, thạc sĩ Hà chia thành 2 cấp độ nhận thức. Ở cấp độ nhà nước, những cam kết chính trị từ lâu không nên được xem là "điều hiển nhiên" mà trái lại phải luôn luôn "bồi đắp". Ở cấp độ nhân dân, bà cho rằng "chúng ta có thể nghe nói về ASEAN nhưng rất ít người cảm thấy ASEAN chạm vào cuộc sống của họ".
"Để ASEAN tiếp tục thành công, tổ chức phải gần gũi với trái tim người dân cũng như phải được các lãnh đạo đặt lên hàng đầu", bà Hà nói với Zing.vn.