Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên PTT Vũ Khoan: Nước lớn tranh hùng ảnh hưởng tới ASEAN

"Dưới tác động của sự tranh hùng giữa một số nước lớn, nước này hay nước kia trong ASEAN có thể bị lôi kéo, gây ra tình trạng ly tâm".

Cố TT Võ Văn Kiệt trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN đầu tiên của VN Tháng 12/1995, Việt Nam lần đầu dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN với tư cách thành viên chính thức sau khi được kết nạp vào tháng 7/1995. Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đoàn Việt Nam.

Nhân dịp 50 năm ngày thành lập ASEAN, Zing.vn đã có trao đổi với nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan về quyết định gia nhập ASEAN của Việt Nam năm 1995 và những bài học đã rút ra cũng như khó khăn mà VN cùng với hiệp hội khu vực này đang đối mặt sau hơn hai thập kỷ.

- Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 có ý nghĩa quan trọng đối với sự đổi mới chính sách đối ngoại của Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tình hình khu vực và thế giới nay đã khác trước rất nhiều, liệu ý nghĩa đó giờ nên được hiểu như thế nào cho phù hợp? 

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Để trả lời câu hỏi này, nên chăng ta nhớ lại những nguyên do thúc đầy nước ta gia nhập ASEAN.

Vào năm 1986, công cuộc đổi mới được phát động nhằm mục tiêu cơ bản là đưa Việt Nam thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu sau mấy chục năm chiến tranh và bị bao vây cô lập. Một trong những ưu tiên hàng đầu là tạo môi trường quốc tế thuận lợi nhất có thể.

Đông Nam Á là khu vực sát sườn, chúng ta hành động theo phương châm "láng giềng gần hơn họ hàng xa". Bản thân các nước trong khu vực cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và mở rộng hợp tác với bên ngoài.  

Viet Nam gia nhap ASEAN anh 1
Việt Nam vào năm 1995. Ảnh: AFP.

Ngoài ra, Đông Nam Á là khu vực đang phát triển mạnh. Theo chính sách mở cửa với bên ngoài, cánh cửa Việt Nam một khi mở ra thì đương nhiên bước vào sân nhà láng giềng. "Buôn có bạn, bán có phường", các thành viên ASEAN chính là những bạn làm ăn, cùng phường cùng hội.

- Ông nghĩ thế nào về vai trò của Việt Nam trong ASEAN trước đây và hiện nay?

Viet Nam gia nhap ASEAN anh 2
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ ASEAN đang đứng trước thách thức lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 và xu hướng bảo hộ . Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Do vị trí địa kinh tế và địa chính trị của mình, ASEAN luôn được cộng đồng quốc tế, trước hết là các nước lớn để mắt. Trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam cũng được "hưởng lây" (tất nhiên đó là một nhân tố bổ sung vào thế và lực của bản thân chúng ta).

Ngày nay, tình hình đã thay đổi nhiều. Dù vậy, để tiếp tục giữ vững hòa bình, ổn định, mở rộng hợp tác vì sự phát triển, nâng cao vị thế đất nước, việc thắt chặt hơn quan hệ với các nước láng giềng, cụ thể là ASEAN, lại càng quan trọng. Nói cách khác, tình hình mới đòi hỏi phải tăng cường hợp tác chứ không phải làm yếu quan hệ với nhau.

- ASEAN hiện nay đang đối mặt với những thách thức nào ? Những bài học nào có thể rút ra cho ASEAN sau 50 năm thành lập?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Đầu tiên, tuy ASEAN vẫn giữ được phong độ với tốc độ phát triển tương đối cao, các thành viên của khối, cũng như nhiều nước khác, đang đối mặt với những thách thức mới do cuộc Cách mạng Công nghiêp 4.0 đặt ra. Nếu không tận dụng được thì sẽ tụt hậu.

Thứ hai, sự phát triển không đồng đều giữa các thành viên đang gây trở ngại cho sự hợp tác.

Thứ ba, hợp tác nội khối chưa được như kỳ vọng do các nước ASEAN đều hướng ngoại và muốn tìm đến vào các thị trường lớn.

Viet Nam gia nhap ASEAN anh 3
Bộ trưởng các quốc gia thành viên ASEAN trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Manila, Philippines hôm 5/8. Ảnh: Reuters.

Thứ tư, tồn tại một số nguy cơ đe dọa ổn định, nổi lên là tình hình Biển Đông và chủ nghĩa khủng bố ở một số nước.

Thứ năm, dưới tác động của sự tranh hùng giữa một số nước lớn, nước này hay nước kia trong ASEAN có thể bị lôi kéo, gây ra tình trạng ly tâm.

50 năm tồn tại và phát triển đem lại cho ASEAN ba bài học cơ bản: một là phải tự lực, tự cường quốc gia và khu vực; thứ hai là phải đoàn kết, thống nhất trong sự đa dạng và thứ ba là kiên trì theo đuổi chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, không để bị chi phối bởi tính toán của bất kỳ ai. 

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan là nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam. Ông từng giữ chức Phó Thủ tướng Phụ trách Kinh tế đối ngoại, Bộ trưởng Thương mại và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Sự nghiệp ngoại giao của ông bắt đầu từ năm 1956 tại Nga. Sau nhiều năm làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, ông về nước và tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao. Vào đầu thập niên 1990, khi Việt Nam đàm phán để gia nhập ASEAN, ông giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao.

Ông có đóng góp lớn cho quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

ASEAN: Từ Chiến tranh Lạnh tới 50 năm xua tan ngờ vực

ASEAN ngày nay trở thành tổ chức khu vực thành công thứ hai thế giới, sau Liên minh Châu Âu (EU). Đó là điều mà ít ai nghĩ tới khi tổ chức này ra đời cách đây tròn nửa thế kỷ.

Trung Quốc và ASEAN thông qua dự thảo khung COC

Tân Hoa xã đưa tin bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cùng Trung Quốc đã đồng ý thông qua bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Vũ Mạnh - Phương Thảo (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm