Trong một bài phỏng vấn với Zing.vn vào tháng 9/2017, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo - cho biết mình không đặt tiền ở vị trí ưu tiên trong cuộc sống. Trong công việc, ông chủ của thương hiệu Việt hướng đến xây dựng tương lai cho doanh nghiệp còn non trẻ.
Tuy "không ưu tiên tiền bạc", ông Tam đã thu về nhiều hơn mong đợi. 2017 là năm khá thành công của Asanzo khi đạt doanh thu 4.629 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với 2016. Trong số này, TV chiếm nhiều nhất với 4.200 tỷ, kế đến là điện lạnh với 270 tỷ và điện gia dụng mang về 150 tỷ doanh thu. Tất cả những gì Asanzo có được trong năm 2017 đều bằng 3 năm trước đó cộng lại.
Asanzo đã có chỗ đứng vững chãi trong mảng TV ở Việt Nam và lấn sân sang kinh doanh di động. |
TV là mảng mạnh nhất của Asanzo, chiếm 16% thị trường toàn quốc. Đây là con số rất đáng kể, bởi trước khi Asanzo xuất hiện, những ông lớn như Samsung, LG, Sony chia nhau chiếm trọn thị trường.
Với lợi thế giá tốt và linh kiện nhập từ Samsung và LG, những chiếc TV của Asanzo có sức mua mạnh mẽ ở thị trường tỉnh, nơi người dân mới tiếp cận với khái niệm smart TV và dần đòi hỏi cao hơn về độ phân giải màn hình. Việc hợp tác để có thêm thương hiệu Kooda, tiến lên nhóm cận cao cấp của Asanzo cũng là một bước đi thông minh. Với cùng mức cấu hình và phần cứng, TV của Kooda rẻ hơn 15% so với đối thủ, bán được 12.000 chiếc chỉ trong 2 tháng "chào sân". Liên minh Kooda và Asanzo cũng nhắm đến mục tiêu chia sẻ thị phần theo tỷ lệ 70-30 ở khu vực nông thôn.
Dù còn mới mẻ ở sân chơi di động, Asanzo cũng đã kịp bán ra 8.000 chiếc Z5 và S5, hai mẫu smartphone tầm trung thân kim loại, hướng đến nhu cầu chụp ảnh và thời lượng pin dài.
Asanzo đã kiếm được tổng cộng 9.642 tỷ đồng sau ba năm khởi nghiệp. |
Nói với Zing.vn, đại diện Asanzo cho biết mục tiêu của hãng trong năm 2018 là "phủ" sản phẩm khắp các tỉnh phía Bắc trong 6 tháng đầu năm và chiếm 22% thị phần trong ngành điện tử, doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng. Asanzo sẽ tiếp cận thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phổ cập smartTV đến các hộ gia đình ở Việt Nam và đẩy mạnh hơn mảng smartphone.
Mục tiêu "làm chủ miền Bắc" vốn đã được ông Phạm Văn Tam hé lộ trước đó với báo chí cuối 2017. Khi đó, chủ tịch 8X của Asanzo cho rằng start-up nên chọn địa bàn hoạt động nhỏ lại, không nên “xây mộng” toàn quốc, toàn cầu khi lực chưa đủ.
“Khi đã làm tốt ở quy mô nhỏ, thành công chắc chắn rồi mới nên tính chuyện nhân rộng mô hình. Cần định hướng sản phẩm để nhắm tới người tiêu dùng cụ thể, trên cơ sở tận dụng nguồn lực ‘sân nhà’. Khởi nghiệp không nên chung chung, mơ mộng, tô hồng viễn cảnh”, ông Tam chia sẻ.
Đầu năm nay, Asanzo cũng sẽ trình làng thế hệ kế tiếp của smartphone S5 và Z5, tập trung quanh tầm giá 5 triệu đồng. Hãng cũng cho biết sẽ mở thêm một nhà máy để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nhằm nâng cao thêm tỷ lệ nội địa hóa đang ở mức 30%.
Việc Asanzo tiếp tục "dấn thân" vào mảng điện thoại sẽ khiến thị trường ở Việt Nam hứa hẹn sôi động hơn trong năm 2018, trong bối cảnh các tên tuổi ngoại như Samsung, Oppo... đang lấn lướt những thương hiệu Việt non trẻ. Asanzo đang có sẵn lợi thế ở mảng TV cùng hệ thống phân phối riêng mà không phụ thuộc vào các nhà bán lẻ, hứa hẹn sẽ tạo nhiều đột phá trong năm 2018.