Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường 2017: Samsung thống trị, di động Việt khởi sắc

Bức tranh thị trường di động năm nay không có nhiều điểm nhấn tích cực, trong khi sự thống trị của Samsung và sự u ám của thị trường xách tay mang đến nhiều gam màu trầm.

Năm 2017, người ta chứng kiến sự quay lại thị trường của thương hiệu di động đình đám một thời Nokia, sự thống trị gần như tuyệt đối của Samsung kèm theo hệ quả là hàng loạt nhà sản xuất khác điêu đứng.

Mảng sáng: Di động thương hiệu Việt vùng dậy, Nokia trở lại thị trường

Dù chưa tạo được hiệu ứng lớn trên thị trường nhưng sự vùng dậy mạnh mẽ của nhiều thương hiệu di động made in Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng.

Tháng 8, Bkav tổ chức một sự kiện hoành tráng giới thiệu mẫu Bphone 2017 với giá bán gần 10 triệu đồng. So với thế hệ trước, di động này đã cách tân về mọi mặt, từ kiểu dáng, phần mềm cho đến độ hoàn thiện trong quy trình sản xuất, phân phối.

Doanh số sản phẩm không được các bên công bố nhưng có thể thấy rõ sự bài bản, đầu tư nghiêm túc của nhà sản xuất này vào một sản phẩm made in Việt Nam.

thi truong di dong 2017 anh 1
Bphone 2017 và các sản phẩm từ Mobiistar hay Asanzo mang đến những hy vọng lớn cho ngành sản xuất smartphone trong nước.

Giai đoạn nửa cuối năm, người ta cũng chứng kiến những màn ra mắt với hàm lượng chất xám cao từ Mobiistar với dòng sản phẩm Prime hay Zumbo, hoặc smartphone của Asanzo. Đáng chú ý, Mobiistar hay Bkav đều ký thỏa thuận hợp tác bán hàng với nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, tạo ra một kênh phân phối sản phẩm vững chắc cho tương lai.

Ngoài ra, một nhà sản xuất khác là VNPT Technology cũng kỳ vọng sẽ tung những chiếc smartphone sử dụng chip Qualcomm trong năm sau, cho thấy quyết tâm bám trụ thị trường và cạnh tranh với các ông lớn của các hãng di động Việt.

Nokia trở lại

Ở một thái cực khác, HMD Global đang có những bước đi chậm mà chắc trong lần đưa thương hiệu điện thoại Nokia trở lại Việt Nam. Không dưới một lần, đại diện hãng khẳng định sẽ chiếm lấy trái tim của người dùng Việt Nam - những người dành tình yêu lớn lao cho thương hiệu di động đến từ Phần Lan.

Bắt đầu bằng chiếc di động cục gạch huyền thoại 3310, hãng liên tiếp cho ra mắt các sản phẩm như Nokia 6, 3, 5 hay mới đây là mẫu Nokia 8 cao cấp. Những sản phẩm này vẫn giữ được một số nét đặc trưng của Nokia là thiết kế nồi đồng cối đá kèm giá bán cạnh tranh hơn so với đối thủ.

thi truong di dong 2017 anh 2
Thương hiệu Nokia gắn liền với tâm trí của nhiều thế hệ người dùng Việt Nam.

Có một điểm các nhà bán lẻ chưa hài lòng ở thương hiệu này là việc họ thực hiện các bước tiến khá chậm chạp, chẳng hạn chỉ đưa hàng về với số lượng hạn chế hay ít hỗ trợ nhà bán lẻ quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, kết quả ban đầu vẫn cực kỳ khả quan khi mẫu di động giá rẻ Nokia 3 liên tiếp lọt top bán chạy nhất tháng của các nhà bán lẻ lớn.

Đầu năm sau, HMD có thể tiếp tục giới thiệu mẫu di động cao cấp Nokia 9, cạnh tranh với những iPhone X hay Galaxy S9. Các tin đồn cho thấy họ có thể giới thiệu trở lại mẫu E71 đình đám một thời. Rõ ràng, chiến lược của HMD vẫn là đánh vào cảm xúc của người dùng bằng những di động vang bóng một thời, kèm theo việc giới thiệu sản phẩm mới bắt kịp xu hướng hiện đại.

Mảng tối: Samsung đè bẹp đối thủ, thị trường xách tay ế ẩm, giá smartphone cao ngất ngưởng

Trong danh sách 10 smartphone bán chạy nhất nửa đầu năm (số liệu từ các nhà bán lẻ hàng đầu), có đến 4 sản phẩm của Samsung. Cuối năm, con số này tăng lên thành 6. Trong một thị trường có đến khoảng 20 nhà sản xuất, cả trăm mẫu di động ra mắt mà 6/10 model bán chạy nhất thuộc về một cái tên, rõ ràng sự cạnh tranh của thị trường bị giảm xuống mức cực thấp.

Thời điểm đầu 2016, Oppo đã làm rất tốt việc tạo ra thế đối trọng với Samsung khi tung ra những chiếc di động dòng F chuyên sefie giá mềm. Tuy nhiên, nhà sản xuất Hàn Quốc nhanh chóng phản ứng và liên tục cho ra mắt các mẫu di động dòng J với ngân sách gần như không giới hạn cho truyền thông.

Kết quả là ở thời điểm cuối 2017, có giai đoạn thị phần của Samsung chiếm trên 50% doanh số smartphone bán ra tại Việt Nam.

Sự thống trị tuyệt đối của Samsung ở nhiều phân khúc tạo ra hệ quả tất yếu là sự đi xuống của nhiều thương hiệu khác. Smartphone LG đã biến mất khỏi thị trường vì không thể cạnh tranh, HTC sống ngắc ngoải với một vài di động dòng U cùng doanh số khiêm tốn, Lenovo ra đi nhường chỗ cho thương hiệu Motorola.

Một số hãng di động Trung Quốc vốn đầu tư rất mạnh mẽ cho truyền thông như Coolpad, Gionee trước đây cũng đã lặng lẽ rút lui. Kẻ ở lại như Vivo đang không biết áp dụng chiến lược gì để cạnh tranh, trong khi Huawei dù có một số sản phẩm giá rẻ doanh số tốt lại không thể tiến lên phân khúc cao. Asus cũng gần như án binh bất động khi chỉ cho bán một vài mẫu nhất định trong dòng Zenfone 4 của mình.

Giá smartphone cao ngất ngưởng

Đầu năm, Samsung tung ra bộ đôi Galaxy S8 và S8+ với giá bán lần lượt 18,5 và 20,5 triệu đồng. Đến tháng 9, Note 8 về nước với giá 22,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giá đó chưa là gì so với iPhone X, được bán với giá lần lượt 30 và 34,8 triệu đồng. iPhone 8/8 Plus được xem là kém cao cấp hơn cũng có giá lên đến 21 và 24 triệu đồng.

thi truong di dong 2017 anh 3
iPhone X có giá hơn 30 triệu khi bán ra tại Việt Nam.

Từ đó mới có chuyện, chiếc HTC U11+ của HTC khi ra mắt với giá 19 triệu được mọi người cho là “rẻ”.

Thị trường di động cao cấp bão hòa dẫn đến việc các hãng di động phải tìm cách khai thác lợi nhuận tối đa từ mỗi sản phẩm bán ra. Do đó, dễ hiểu khi họ dần loại bỏ các model giá rẻ, tiến lên phân khúc ngày một cao. Với smartphone bom tấn, họ không ngần ngại chào giá cả nghìn USD. Tình trạng này được dự báo sẽ không chấm dứt trong năm 2018.

Các nhà bán lẻ tìm hướng đi khác, thị trường xách tay ế ẩm

Di động bão hòa là điều được dự báo từ lâu. Do đó, từ trước năm nay, các nhà bán lẻ lớn đã chủ động tìm cho mình những hướng đi mới. Trong năm 2017, lần đầu tiên doanh số từ mảng điện máy của Thế Giới Di Động đã cao hơn mảng di động. Họ cũng công bố thâu tóm một chuỗi cửa hàng dược phẩm, bắt đầu thử nghiệm việc bán thuốc và mở rộng chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm của mình.

thi truong di dong 2017 anh 4
Thị phần di động tại Việt Nam năm 2017. 

Về phía FPT Shop, đơn vị này nhiều khả năng cũng sẽ tham gia vào thị trường dược phẩm vào giữa hoặc cuối năm sau. Trước đó, họ từng thử nghiệm bán sữa bên trong siêu thị.

2017 là năm chứng kiến sự xuống dốc rõ rệt của di động xách tay. Điều này thể hiện qua các con số. Nếu như cuối 2016, thị phần di động của các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam vẫn chiếm mức khoảng 30% thì cuối năm nay, con số này còn khoảng 15%. Sức bán của iPhone xách tay so với chính hãng giai đoạn giữa năm ngoái ở mức 50/50 thì hiện tại còn khoảng 40/60.

Với đà phát triển như hiện nay, 2018 tiếp tục là một năm khó khăn cho toàn thị trường, đặc biệt là nhà sản xuất và đơn vị bán lẻ nhỏ.


Thành Duy

Bạn có thể quan tâm