Thông tin toàn bộ 5 cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse thoái sạch vốn tại Tập đoàn mới đây khiến thị trường đồ gia dụng dậy sóng. Thú vị ở chỗ động thái này được cho là bước đi nhằm chuẩn bị cho thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa Sunhouse và Tập đoàn Electrolux (Thụy Điển).
Tin đồn?
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, đã phủ nhận và khẳng định doanh nghiệp này chỉ thực hiện việc chuyển toàn bộ cổ phần sở hữu về công ty mẹ, là Sunhouse Invest. Cá nhân ông Phú đang sở hữu 50% cổ phần Sunhouse Invest, em trai là ông Nguyễn Xuân Cường sở hữu 10%; 40% còn lại thuộc về ông Nguyễn Đại Thắng.
Sunhouse đặt mục tiêu trở thành tập đoàn trên 5.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020. Ảnh: Đức Thanh. |
Theo ông Phú, năm 2016, Sunhouse có đợt tái cấu trúc để chuẩn bị lên sàn. Ông thành lập Sunhouse Invest là công ty mẹ chuyên đầu tư vào các công ty con. Đương nhiên, với mô hình quản trị công ty mẹ - công ty con (holdings), ông Phú và các cổ đông sáng lập sẽ bán hết vốn công ty con về công ty mẹ.
Nhưng, theo tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, khoảng 6 tháng trở lại đây, hai bên đã có những cuộc tiếp xúc, đàm phán về thương vụ triệu USD.
“Thực sự đây là một thương vụ lớn, cần sự suy nghĩ từ nhiều phía. Đến giờ chưa có quyết định chính thức theo hướng nào, liên doanh liên kết, M&A”, nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho hay.
Dĩ nhiên, với Electrolux, một tập đoàn đa quốc gia khi bước chân vào bất cứ thị trường nào cũng có nhiều cách, như tự xây dựng kinh doanh riêng, tìm công ty địa phương có nền tảng phân phối, nhà máy để phát triển nhanh hơn... Việc Electrolux lựa chọn M&A cũng là điều bình thường kinh tế thị trường, nhằm kết hợp sức mạnh, tính toán có lợi của đôi bên và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện trên toàn cầu Electrolux có đến 60 nhãn hiệu, ở quốc gia nào cũng có thương hiệu con, đánh nhiều mảng liên quan đến hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. Đó là chưa kể, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết, với hơn 94 triệu dân mà để chinh phục được người tiêu dùng cực kỳ tốn kém về tiền bạc, thời gian.
Trong khi các tập đoàn nước ngoài không muốn mất thời gian.
Ngoài Electrolux, Tập đoàn Haier (Trung Quốc), Tập đoàn Muji và Zojirushi (Nhật) cũng đang tìm hiểu Sunhouse. Đáng chú ý có đối thủ không đội trời chung của Electrolux, là Haier.
Haier là công ty đa quốc gia chuyên về các thiết bị điện máy tiêu dùng và gia dụng của Trung Quốc, đã vợt mất thương vụ Electrolux mua lại mảng kinh doanh thiết bị gia dụng của General Electric (GE - Mỹ) 3 năm trước, với giá 5,4 tỷ USD. Trong thương vụ này, Electrolux thất bại do luật chống độc quyền của Mỹ.
Quy mô giá trị thị trường đồ gia dụng Việt Nam: 15 tỷ USD
Thương hiệu trong nước: chiếm 80% thị phần (Sunhouse, KoriHome, Asanzo, Kangaroo, Elmich, Goldsun… )
Thương hiệu nước ngoài: 20% (Benny, Philips, Bluestone, Gowell, Electrolux, Haier…)
Ở Việt Nam, năm 2011, Haier mua lại mảng kinh doanh máy giặt, tủ lạnh tiêu dùng và sản phẩm điện máy tiêu dùng khác ở Việt Nam và một số thị trường khác tại Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines từ tay Tập đoàn Sanyo Electric.
Về phần mình, sau khi thất bại trong thương vụ M&A với GE, Electrolux quyết tâm đánh mạnh thị trường Mỹ, khi mua lại Công ty Thiết bị gia đình Anova Precision Cooker (Mỹ), với giá khoảng 135 triệu USD.
Vì sao là Sunhouse?
17 năm trước, Tập đoàn Sunhouse được thành lập với tên gọi Công ty TNHH Phú Thắng, vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Đến năm 2004, Sunhouse liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc, thiết lập Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam và xây dựng nhà máy liên doanh sản suất đồ gia dụng.
Hiện “ông lớn” này đã gia nhập nhóm doanh nghiệp nghìn tỷ, sở hữu 7 công ty thành viên và 6 nhà máy, với tổng diện tích hơn 40 ha. Theo thống kê chưa chính thức, doanh thu năm 2017 của Sunhouse đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trên thị trường, sau Kangaroo với doanh thu khoảng 2.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính riêng doanh thu từ các thiết bị gia dụng, Sunhouse đang nắm giữ thị phần lớn nhất, của khoảng 10% thị trường trong nước. Thị phần lớn nhất thuộc dòng sản phẩm nồi, chảo chống dính, chiếm 50%. Còn lại các dòng sản phẩm phục vụ số đông chiếm 20-30% thị phần.
Không chỉ là cánh chim đầu đàn của ngành gia dụng Việt Nam, doanh nghiệp này còn khẳng định tên tuổi tại nhiều thị trường khó tính.
Với mạng lưới 50.000 điểm bán, trên 500 nhà phân phối, sản xuất kinh doanh hơn 450 nhóm sản phẩm gia dụng thiết yếu, sản phẩm đã có mặt tại toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng truyền thống… trên 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Sunhouse bước đầu đã vươn ra các thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào, Myanmar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí ngay cả các thị trường khó tính như Hong Kong, Brazil và Canada, Mexico.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse, mang trong mình ước mơ lớn.
"5 năm tới, Sunhouse phải trở thành thương hiệu số 1 ở khu vực ASEAN, tương lai là toàn cầu. Tôi còn ước mơ Sunhouse lớn như Samsung, LG của Hàn Quốc, Sony của Nhật Bản”, ông Phú từng chia sẻ.
Ước mơ lớn là vậy, còn thực thi được lại là chuyện khác. “Nó cần hội tụ đủ yếu tố đi kèm, bao gồm sự hỗ trợ của quốc gia, cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi, khi đã trở thành thương hiệu lớn với hệ thống lớn, doanh nghiệp không còn là tài sản riêng của từng cá nhân”, ông Phú nói.
Trước mắt, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành tập đoàn trên 5.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020, mở rộng thị trường phục vụ 350 triệu dân; Khẳng định tên tuổi trên bản đồ gia dụng thế giới với doanh thu xuất khẩu đạt 10 triệu USD. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, Sunhouse sẽ phục vụ hơn 20 triệu hộ gia đình trên khắp Việt Nam.
Với mục tiêu đó, doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm đối tác chiến lược đa quốc gia để được giúp sức mở rộng thị trường quốc tế, quản trị chất lượng, quản trị hệ thống, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới nhất.
M&A là cách nhanh nhất để phình to
Việc tính toán lúc này đối với Sunhouse không đơn thuần là lợi ích cá nhân ông Phú, mà mà tổng lợi ích của các nhân viên, của người tiêu dùng và của đất nước.
“Tôi sẽ cân nhắc sự hợp tác nào có lợi nhất cho các bên. Tôi rất khó khăn để đi đến quyết định bán Sunhouse hay không”, ông Phú bày tỏ.
Sự lấn cấn của ông Phú hẳn có lý do. Trong điều kiện môi trường kinh doanh không tốt, rủi ro pháp lý, người chủ doanh nghiệp chán sẽ nhanh chóng dẫn đến quyết định bán, thậm chí bán hết. Ngược lại, nếu có tình yêu với đất nước, bản thân cơ quan quản lý coi đó là tài sản quốc gia cần giữ gìn và truyền thông đến họ tư tưởng đó, thì họ sẽ giữ.
“Ai trong mình có lòng yêu nước, bản thân tôi khi gây dựng Sunhouse cũng mong muốn làm gì đấy trên chính đất nước mình”, ông Phú khẳng định.
Song bỏ qua sự lấn cấn đó, khi Electrolux “săn” Sunhouse, ngoài việc sở hữu thương hiệu và hệ thống phân phối mạnh, thì còn do ông chủ Phú rất cởi mở với các thương vụ M&A.
“Muốn doanh nghiệp nhanh chóng phình to, cách nhanh nhất là M&A”, ông Phú từng nói.
Điều đó được ông minh chứng qua nhiều thương vụ cứu các doanh nghiệp bên bờ phá sản. Điển hình, cuối năm 2011, ông Phú đã mua lại Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn (Mã SHC) - một công ty con thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Ông Phú đã mua SHC lúc đó đang bên bờ vực với giá gấp 3 lần thị giá của SHC vì đây sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho Sunhouse trong việc hoàn thiện bộ máy lưu thông hàng hóa từ cảng biển về kho và từ kho tới các điểm phân phối.
Kế tiếp, tháng 9/2013, ông Phú chi khoảng 7,7 tỷ đồng để mua hơn 2,6 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (SHI), với giá 3.400 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ đông của SHI. Công ty này cũng sản xuất các mặt hàng gia dụng, hỗ trợ cho Sunhouse.
Mới đây, SHI cũng mua lại Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Toàn Mỹ và Công ty Trường Tuyền (chuyên bồn nước không gỉ) để tiến quân vào thị trường bồn nước Inox cao cấp miền Nam.
Trở lại với Sunhouse và Elextrolux, chưa biết thương vụ này sẽ thành công hay thất bại vì đang trong giai đoạn tìm hiểu. Nhưng một điều chắc chắn cả hai đang ráo riết tìm được đối tác chiến lược để phục vụ cho mục tiêu của mình.