"Động thái này gửi thông điệp rõ ràng tới chính quyền quân sự ở Myanmar rằng những người vi phạm nhân quyền sẽ phải chịu trách nhiệm và chính quyền phải trao lại quyền kiểm soát cho chính phủ do người dân Myanmar bầu ra", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết ngày 25/2, AFP đưa tin.
Theo lệnh trừng phạt mới, thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar, đã tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước sau cuộc binh biến ngày 1/2, cùng 5 thành viên quân đội bị cấm nhập cảnh vào Anh. Các doanh nghiệp và tổ chức của Anh bị cấm giao dịch với những nhân vật này.
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar, đã tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước sau cuộc binh biến ngày 1/2. Ảnh: Reuters. |
Cũng theo đó, viện trợ của Anh có thể được sử dụng để hỗ trợ gián tiếp cho quân đội bị đình chỉ.
Động thái này của chính quyền Anh được đưa ra giữa lúc tình hình ở Myanmar đang xuất hiện một số diễn biến mới. Trong bối cảnh người biểu tình phản đối quân đội Myanmar đang chuẩn bị diễu hành lớn ở Yangon, đã xuất hiện khoảng 1.000 người tập trung bày tỏ sự ủng hộ với lực lượng vũ trang.
Theo Reuters, nhóm người này ngày 25/2 mang theo cờ Myanmar và biểu ngữ thể hiện sự ủng hộ của họ với quân đội. Đụng độ đã xảy ra giữa những người này với nhóm phản đối quân đội cũng như cuộc chính biến hôm 1/2.
Quốc gia Đông Nam Á đã rơi vào tình trạng bất ổn kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền, cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 và tiến hành bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và cũng như các quan chức trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà.
Các cuộc biểu tình, đình công đã diễn ra hàng ngày trong khoảng 3 tuần qua. Nhiều sinh viên lên kế hoạch thách thức quân đội bằng một cuộc biểu tình lớn trong ngày 25/2.
Nhưng trước khi cuộc tuần hành này diễn ra, khoảng 1.000 người ủng hộ quân đội đã tụ tập ở trung tâm thành phố. Ẩu đả đã xảy ra giữa 2 phe và tình hình nhanh chóng leo thang thành bạo lực ở một số khu vực của thành phố.
Khoảng 1.000 người đã tập trung ở Yangon để bày tỏ sự ủng hộ với quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters. |
Một số người bị nhóm này đánh đập, trong nhóm có người mang theo dao. Ít nhất 2 người đã bị đâm, theo hình ảnh video mà Reuters xác minh.
Trong một vụ việc, nhóm nhiều nam giới trong đó có một người cầm dao lớn đã tấn công một người đàn ông khác bên ngoài khách sạn ở trung tâm thành phố. Các nhân viên cấp cứu đã giúp đỡ nạn nhân, trên người dính máu, nhưng không rõ tình trạng của người này ra sao.
Tình trạng bạo lực sẽ gây thêm lo ngại ở quốc gia gần như đã bị làm tê liệt bởi các cuộc biểu tình và chiến dịch bất tuân dân sự để phản đối quân đội.
Trước đó, cảnh sát đã chặn cổng trường đại học chính của Yangon, ngăn hàng trăm sinh viên bên trong ra ngoài biểu tình.
Quân đội Myanmar cho biết cuộc chính biến là phù hợp với hiến pháp sau khi khiếu nại của họ về gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8/11 đã không được chấp nhận. Đảng NLD của bà Suu Kyi có chiến thẳng áp đảo, đúng với dự đoán của giới chuyên gia và các nhà phân tích. Ủy ban bầu cử quốc gia cho rằng cuộc bầu cử diễn ra công bằng và hợp lệ.
Quân đội hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới, sau khi xem xét lại danh sách cử tri. Thời hạn chính xác chưa được đưa ra nhưng quân đội đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm sau cuộc chính biến.
Câu hỏi về một cuộc bầu cử mới là trung tâm trong nỗ lực ngoại giao của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia thành viên của khối.
Indonesia dẫn đầu nỗ lực này và Ngoại trưởng Retno Marsudi đã gặp người đồng cấp Myanmar, Wunna Maung Lwin trong một cuộc hội đàm hôm 24/2 ở Thái Lan.
Tuy nhiên những người Myanmar phản đối cuộc chính biến của quân đội cho rằng việc này sẽ trao tính chính danh cho chính quyền quân sự, cũng như khiến kết quả của cuộc bầu cử tháng 11/2020 không còn được công nhận.
Nhiều người đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan ở Yangon hôm 25/2 và hô vang "tôn trọng lá phiếu của chúng tôi".