Mình đọc những trang cuối cùng của Gánh gánh... gồng gồng... vào một sáng cuối tuần thảnh thơi bên hiên nhà. Pha tách trà ấm, thả bông nhài vừa độ thoang thoảng, ngọn thường xuân rủ xuống đung đưa trong gió nhẹ. Phóng tầm mắt ra xa một chút phía công viên là mấy bông điệp vàng, ngọn bằng lăng tím nhạt và chùm xoài trĩu nặng. Lâu lâu phía ngõ chợ bên phải lại quang quác tiếng gà qué, mặc cả của mấy bà mấy cô.
Đi qua mỗi trang sách với những ký ức chiến tranh của tác giả mình càng quý giá vô cùng cái khung cảnh bình yên, no đủ đang có lúc này.
Gánh gánh... gồng gồng... không chỉ là một cuốn hồi ký cá nhân mà còn là câu chuyện lịch sử của cả thế hệ qua góc nhìn nhân văn, thời đại và dân tộc của tác giả Xuân Phượng.
Sách Gánh gánh... gồng gồng... Ảnh: Trang Quỳnh. |
Cuốn sách đúng như tên gọi của nó, bà Xuân Phượng viết lại đời mình, người phụ nữ Việt Nam "gánh gồng" qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Nữ sinh trường Khải Định năm xưa từ bỏ cuộc sống đủ đầy và sung túc trong một gia đình dòng dõi tiếng tăm ở Đà Lạt và Huế, thoát ly theo kháng chiến. Kể từ đó bắt đầu chuỗi ngày truân chuyên, cơ cực với muôn vàn đắng cay.
Không hiểu bà đã rèn luyện bí thuật "đừng bao giờ nhìn mà không thấy" như thế nào mà người đàn bà 93 tuổi này lại có thể nhớ chi tiết chính xác và tỉ mỉ đến thế. Hồi ức của người phụ nữ sống qua 2 thế kỷ với 2 cuộc chiến lớn nhưng ta không hề thấy sự tang thương, tiêu điều, bi quan mà ngược lại ở mỗi câu chuyện và nhân vật bà kể đều lấp lánh tình người và tính nhân văn sâu sắc.
Nếu chúng ta đang ở thời bình với cuộc sống dư thừa nguồn cung khiến cho việc ra quyết định giữa sướng và sướng cũng trở nên khó khăn, rồi loay hoay nửa đời người vẫn chưa thoát khỏi cái bẫy của con ếch trong nồi nước đang sôi thì hãy đọc về đời bà Xuân Phượng.
Kiên định, dứt khoát bà chưa một lần hoài nghi về những lựa chọn của bản thân, chỉ có một ánh sáng xuyên suốt về tự tôn dân tộc và tự trọng bản thân giúp bà đi qua những thăng trầm, tủi nhục mà không hề nao núng.
Dám bước ra khỏi cuộc sống nhung lụa, 16 tuổi một mình lao vào chiến trường tàn khốc, lăn lộn đủ các nghề như văn công, pha chế thuốc súng, bác sĩ, phóng viên chiến trường... với bao lần cận kề cái chết khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng về sự quả cảm, mạnh mẽ của người phụ nữ này.
Nhưng với mình, sự dũng cảm đáng khâm phục nhất của người đàn bà sinh năm 1929 này chính là việc dám sống thật với cảm xúc và khát khao khám phá của bản thân - bài học vẫn còn nguyên giá trị thời đại đối với phụ nữ đặc biệt ở Á Đông.
Thừa nhận và trân trọng đến phút cuối với mối tình đầu bị chia cắt bởi chiến tranh. Hơn 70 tuổi vẫn "khởi nghiệp" phòng tranh với khát khao mang tinh hoa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Hơn 90 tuổi vẫn viết sách về đời mình, trước là để cho người thân hiểu tại sao mình đứng về phía bên này của cuộc chiến, sau là dành cho lớp trẻ biết trân quý hòa bình mà sống dấn thân hơn...
Tất cả những điều đó khiến mình bị tác động và thức tỉnh. Một cuốn sách truyền cảm hứng sống mạnh mẽ và thuyết phục bởi nó là câu chuyện có thật của một người phụ nữ 93 tuổi đang sống minh mẫn, khỏe mạnh và vẫn đang dùng trí tuệ, tri thức của mình để tiếp tục cống hiến. Điều đó có khiến một người trẻ như bạn tự vấn không?
Bài viết của độc giả Trang Quỳnh, được gửi từ hòm thư pham...na@gmail.com.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng