Cơ quan Quản lý Truyền thông Anh (Ofcom) hủy bỏ giấy phép phát sóng tại Anh của kênh truyền hình CGTN hôm 4/2.
Không lâu sau thông báo của Ofcom hôm 4/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắm vào Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Anh (BBC), cáo buộc hãng này phát tán “tin giả” trong bản tin về Covid-19 ngày 29/1.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu BBC phải xin lỗi vì bản tin này, khắc phục ảnh hưởng phát sinh, đồng thời yêu cầu BBC ngừng bôi nhọ Trung Quốc.
Đến ngày 5/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng cơ quan quản lý truyền thông Anh đã “chính trị hóa một vấn đề kỹ thuật”.
Trụ sở của CCTV tại Bắc Kinh, cơ quan sở hữu CGTN. Ảnh: AP. |
Ông Uông nói động thái này có tác động nghiêm trọng đến truyền thông Trung Quốc, và đã “làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động trao đổi song phương bình thường giữa hai nước”.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối quyết định này", ông Uông nói, theo South China Morning Post.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định CGTN là cơ quan truyền thông quốc tế tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp của Anh, và đưa tin “khách quan, công bằng, đúng sự thật và chính xác”.
"Phía Anh một mặt nói về tự do báo chí, nhưng mặt khác lại can thiệp vào việc phát sóng của CGTN. Đó là tiêu chuẩn kép và đàn áp chính trị một cách trắng trợn", ông Uông nói.
Về lý do rút giấy phép của CGTN, Ofcom cho rằng Star China Media Limited, công ty tư nhân nắm trong tay giấy phép hoạt động của CGTN ở Anh, không hoàn toàn nắm trách nhiệm với những nội dung được phát trên kênh này.
Ofcom nhận định CGTN bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát.
Theo quy định về phát thanh truyền hình ở Anh, cơ quan được cấp giấy phép phát sóng phải có quyền kiểm soát nội dung do họ sản xuất ra.