Đó là một đoạn trong cuốn tự truyện “Carlo Ancelotti: Quiet Leadership” của Carlo Ancelotti, người vừa giúp Real Madrid giành quyền vào tứ kết Champions League. Ancelotti là một trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Có thể gọi ông là “Mr. Champions League” khi đã 2 lần giành cúp với tư cách cầu thủ AC Milan, và 4 lần giành chức vô địch với tư cách là HLV của Milan và Real Madrid.
Vì sao một người ôn hòa, hiếm khi to tiếng với ai như Don Carlo lại thành công như vậy, dù bản thân phải làm việc với các ông chủ giàu tham vọng, các cầu thủ ngôi sao hàng đầu luôn được nuông chiều? Ancelotti luôn mềm mỏng và có cách cư xử phù hợp, tinh tế với từng loại đối tượng. Ông không muốn kiểm soát hết mọi việc, mà chia sẻ công việc và trách nhiệm cho những người khác. Ta sẽ phần nào thấy sự khôn ngoan đó qua trích dẫn cuốn tự truyện.
“Giành nhân tài luôn là những cuộc chiến”
Các cầu thủ tài năng rõ ràng là thành phần quan trọng nhất của bất kỳ CLB nào. Không có cầu thủ thì không có bóng đá, người hâm mộ, không có gì cả. Điều đó đúng trong ngành giải trí, không có người biểu diễn, không có chương trình, không có kinh doanh.
Do đó, quản lý nhân tài là thử thách thức của bất kỳ công ty nào. Chu trình cơ bản trong quản lý nhân tài là tuyển dụng, hội nhập, phát triển và duy trì. Về phần mình, bản thân ý thức mình là một phần trong chu trình, phía dưới giám đốc điều hành và chủ tịch.
Mua cầu thủ không phải là việc của Ancelotti, nhưng ông luôn biết cách làm họ gắn bó với mình. |
Tôi luôn cho rằng cầu thủ trên hết là con người, họ không được định nghĩa bởi vai trò, chức danh hay công việc. Khi gặp một cầu thủ lần đầu tại CLB, tôi hỏi anh ta: “Anh là ai?” Và họ có thể trả lời: “Tôi là một tiền vệ tấn công”. Tôi sẽ nói với anh ta: “Không. Bạn không chỉ là như vậy. Bạn là một cầu thủ, bạn giỏi với trái bóng, nhưng thế chưa đủ để định nghĩa bạn”. Tôi cố gắng nhìn người một cách tổng thể và giúp anh ta nhìn nhận bản thân một cách rộng hơn.
Bóng đá, cũng như kinh doanh, có rất nhiều áp lực khác nhau như thương mại, văn hóa, xã hội cần được dung hòa khi tuyển dụng, trong một thị trường rất cạnh tranh. Giành nhân tài luôn là những cuộc chiến. Bạn phải chọn trận chiến nào đáng để chiến đấu, phù hợp với tham vọng của bạn, với tài nguyên của bạn, và quan trọng nhất là thông minh hơn đối thủ của bạn.
Đàm phán thường là trách nhiệm của GĐĐH, mặc dù nhiều lần cầu thủ muốn nói chuyện với HLV trước khi quyết định có gia nhập đội hay không. Đôi khi chính những chi tiết cá nhân nhỏ nhặt đó lại tạo nên sự khác biệt trong việc thuyết phục một cầu thủ còn do dự.
Tôi nói chuyện với hầu hết cầu thủ trước khi họ đưa ra quyết định gia nhập đội của tôi. Đôi khi tôi làm việc đó theo yêu cầu của CLB, của người đại diện cầu thủ hoặc chính bản thân cầu thủ.
David Beckham là một ví dụ. Anh đủ thông minh để biết rằng, danh tiếng bản thân khiến anh có thể đến một CLB với những lý do ngoài bóng đá. Vì thế, Beckham liên lạc trực tiếp và hỏi liệu tôi có muốn anh đến AC Milan không. Tôi đồng ý, và chỉ sau đó chúng tôi mới thảo luận về cách thức và thời điểm anh sẽ thi đấu.
Trong quá trình tuyển dụng, công việc chính của tôi là đề xuất: “Chúng tôi cần loại cầu thủ này cho vị trí này và loại kia cho vị trí kia”. Tôi có thể gợi ý một hai cái tên, nhưng tùy CLB phối hợp với bộ phận phân tích thống kê để đưa ra danh sách cầu thủ đáp ứng nhu cầu này. Ngày trước, chỉ có HLV và chủ tịch đưa ra danh sách này. Bóng đá ngày nay là một ngành kinh doanh lớn và nhiều yếu tố được tính đến ngoài việc cầu thủ có thể thi đấu tốt trên sân: tuổi tác, giá chuyển nhượng sau này, khả năng khai thác thương mại…
Song, đó không phải công việc của tôi. Mối quan tâm của tôi là cầu thủ sẽ thể hiện thế nào trong đội. Đôi khi, khi chúng tôi có các lựa chọn cho cùng một vị trí, tôi đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn người. Tại Real Madrid, khi chúng tôi đứng giữa Toni Kroos và một cầu thủ khác, tôi đã nói với GĐĐH: “Tôi biết cầu thủ kia. Cậu ta uống quá nhiều và không chuyên nghiệp lắm. Ông phải thuê Kroos.”
“Chống lại điều đã xảy ra là một sự lãng phí thời gian”
Cố gắng tuyển dụng những người có cùng giá trị với công ty. Nên chủ tịch và nhóm chuyên gia của ông ta phải có trách nhiệm cao hơn. Các HLV mới nắm quyền 1-2 năm nên việc bảo vệ các giá trị của CLB không thể là trách nhiệm của họ. Tôi chưa bao giờ làm việc trong một nhóm mà tôi có toàn bộ trách nhiệm tuyển dụng. Vai trò này đặt lên các HLV ở Anh là quá sức với họ.
Ancelotti đã hai lần làm việc dưới quyền chủ tịch Perez ở Real, mang về hai chiếc cúp Champions League. |
Theo thống kê, một HLV ở lại CLB trung bình dưới 2 năm. Điều gì sẽ xảy ra với các cầu thủ mà ông ta ký hợp đồng, sau khi ông ta rời đi? Không, CLB phải có một chính sách tuyển dụng và HLV chỉ là một phần trong quá trình thực hiện chính sách. Khi Real quyết định ký hợp đồng với cầu thủ trẻ người Na Uy, Martin Odegaard, 16 tuổi, tôi đã nghĩ: “Tôi không quan tâm liệu anh ấy có đến hay không, bởi vì anh ấy không phải là cầu thủ của tôi bây giờ”.
Tất nhiên, khi Odegaard đến, tôi đối xử với anh ấy với sự tôn trọng như bất kỳ cầu thủ trẻ nào. Anh ấy có thể trở thành cầu thủ hay nhất thế giới sau khi tôi rời đi, nhưng bản hợp đồng đó không khiến tôi quan tâm vì nó không liên quan đến công việc của tôi. Anh ấy được mua cho tương lai, cho những HLV khác sẽ đến sau tôi. Không có lý do gì khiến tôi cần phải tham gia vào giao dịch mua bán anh ấy. Bạn phải tôn trọng tầm nhìn của chủ sở hữu CLB.
Ông Florentino Perez nổi tiếng với việc ký hợp đồng đem về những ngôi sao bóng đá lớn nhất và đắt giá nhất. Các cầu thủ được đưa vào và bị loại bỏ không nhất thiết phải là sự lựa chọn của tôi. Nhưng nhiệm vụ của tôi là giúp đội chơi tốt, với bất kể cầu thủ nào được trao cho tôi.
Chống lại một điều gì đó xảy ra là một sự lãng phí thời gian và sức lực. Nếu chủ tịch quyết định, trong một chiến dịch tiếp thị, cầu thủ trẻ người Na Uy cần chơi 3 trận, tôi sẽ tìm cách thực hiện điều đó. Nếu chủ tịch quyết định bán tiền vệ Xabi Alonso, tôi cũng phải chấp nhận. Tôi có muốn mất Xabi Alonso không? Không, tất nhiên là không, nhưng công việc của tôi là làm cho mọi thứ hoạt động.
“Tôi sẽ nói chuyện với bà trong tư cách là người mẹ”
Người đại diện cầu thủ đóng vai trò lớn trong việc tuyển dụng ngày nay. May mắn thay, việc giao dịch với họ là của GĐĐH. Tôi cố gắng không liên quan đến họ. Trong bóng đá, người đại diện có thể đại diện cho cả hai bên, CLB và cầu thủ. Không giống như trong thể thao ở Mỹ, nơi họ chỉ có thể đại diện cho một bên. Nếu anh ta làm việc cho cả hai bên, làm sao bạn biết anh ta thực sự trung thành với ai?
Ancelotti có thể hòa hợp với mọi thế hệ cầu thủ. |
Tôi không có người đại diện, ngoại trừ vợ tôi, Mariann, và tôi có một người bạn tốt luôn cho tôi lời khuyên khi tôi cần. Có lẽ lời khuyên của tôi là hãy kết hôn với người đại diện của bạn. Hoặc nếu bạn đã kết hôn, hãy yêu cầu vợ của bạn đảm nhận vai trò này.
Vợ của Daniel Alves là người đại diện của anh. Thực ra đó là vợ cũ của anh ấy. Họ chia tay và cô ấy được giao nhiệm vụ đàm phán các hợp đồng. Cô ấy sẽ nói với CLB: “Làm sao các ông trả lương thấp thế? Anh ấy cần phải nuôi vợ mới, nuôi con và tôi chứ.”
Ở PSG lúc trước có Adrien Rabiot. Cậu ta 17 tuổi khi được tôi đưa lên đội một. Hàng ngày, mẹ anh ấy, Véronique, đến xem con tập. Bà ta rất thúc đẩy con trai. Một lần, Rabiot muốn nói chuyện với tôi. Chúng tôi ngồi lại với nhau và Véronique nói: “Tôi ở đây với tư cách là một người mẹ và người đại diện cho con trai tôi”. “Chờ một chút”, tôi đáp. “Tôi sẽ nói chuyện với bà trong tư cách là mẹ của cậu ta, không phải với tư cách là người đại diện. Người đại diện phải nói chuyện với chủ tịch".
Đó là quy tắc của tôi.
"La Roja" đã thay đổi thế nào? Động lực nào đã biến một đội bóng từng mang danh "Vua vòng loại" trở thành độc cô cầu bại suốt giai đoạn 2008-2012 là điều La Roja: How soccer conquered Spain and how spanish soccer conquered the world của Jimmy Burns chia sẻ.