Tiktok đang trở thành "thiên đường" cho hàng giả, hàng nhái vì chính sách kiểm duyệt lỏng lẻo của nền tảng này. Ảnh: Phương Lâm. |
Lời mời chào cuồng nhiệt, vũ đạo bắt mắt, tiếng nhạc nền dồn dập, đó là những cảm nhận mà người dùng thường thấy trong các buổi livestream bán hàng trên TikTok. Với nhịp độ nhanh và phong cách trẻ trung, không ít cửa hàng nhờ TikTok mà chốt được cả trăm đơn chỉ trong vài phút.
“Những video trực tiếp trên TikTok rất cuốn hút. Đôi khi mình không có ý định mua hàng nhưng nghe người ta nói cứ như rót mật vào tai, thế là lại quyết định chốt đơn”, Trí Phi (21 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) chia sẻ.
Mua bực vào người
“Cứ ngỡ là mua hàng giá rẻ, hóa ra là mua bực vào người”, Trí Phi cho biết, niềm vui mua được hàng giá rẻ nhanh chóng biến mất và thay thế bởi sự thất vọng. Trước đó, anh đã mua hộp sáp vuốt tóc trên TikTok Shop sau khi xem một reviewer sở hữu gần 100.000 follow đánh giá khá tích cực về mặt hàng.
“Hộp sáp có giá thành tương đối rẻ, chỉ 50.000 đồng. Tuy nhiên từ khi sử dụng sản phẩm này, tóc thường xuyên bị rụng và khô xơ. Mình chỉ dám dùng đúng 1 tuần rồi bỏ đi luôn”, anh Phi chia sẻ.
Chị Uyên Nhi (36 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết thông thường trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khác, chị sẽ xem các lượt đánh giá sản phẩm của những người mua hàng trước đó để đưa quyết định có nên chốt đơn hay không.
Hàng giả, hàng nhái với giá siêu rẻ đang được bày bán tràn lan trên TikTok Shop. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, trên TikTok Shop có khá ít bài đánh giá từ phía người dùng. Chính vì thế hầu hết lần mua hàng của chị trên nền tảng này đều xuất phát từ cảm tính do không có điều kiện tham khảo từ nhiều chiều.
“Mua hàng trên livestream ít ai quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ. Đa phần, khách hàng thấy ai bán hàng nói năng dễ nghe, sản phẩm thú vị và nhiều mã giảm giá là mua thôi”, chị bày tỏ.
Trước đó, chị Nhi cũng thử đặt mua tai nghe AirPods nhái trên TikTok Shop với giá 200.000 đồng. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ sử dụng được hơn 1 tháng thì xuất hiện tình trạng chai pin, loa rè, tín hiệu chập chờn. Bản thân xác định là mua hàng trôi nổi nên chị cũng chỉ đành ngậm ngùi “tặc lưỡi” cho qua.
Đối với mặt hàng thời trang, nhiều cửa hàng còn tự tin công khai kinh doanh quần áo, giày dép fake (đồ giả). Thậm chí, hàng giả, hàng nhái còn được các chủ cửa hàng chia ra thành nhiều loại khác nhau tùy theo chất lượng như fake loại 1, fake loại 2, replica (bản sao)...
“Kể cả giày replica thì chất lượng cũng không tốt. Giày đi khoảng 4 tháng là bị bung đế, phai màu, gãy mũi. Giá cũng không hề rẻ, tầm 700.000 đồng cho một đôi replica”, anh Hưng Thịnh (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội), đánh giá về đôi giày mình đặt mua trên TikTok Shop.
Anh Thịnh cho biết hàng giả, hàng nhái tồn tại rất nhiều trên các sàn TMĐT, đặc biệt là TikTok Shop. Người dùng vẫn biết là đây là sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng vì mức giá hấp dẫn nên nhiều khách hàng vẫn quyết định chọn mua bất chấp hậu quả.
Không có biên giới cho hàng giả, hàng nhái
Không riêng Việt Nam, TikTok Shop cũng bị người dùng trên khắp thế giới phản ánh tình trạng tràn lan hàng giả, hàng nhái.
Chia sẻ với BuzzFeed, Iman Hamid - một luật sư ở London - cho biết mình đã mua một thỏi son nhãn hiệu NYX với giá khoảng 5 USD trên TikTok. Nếu so với giá bán lẻ ngoài thị trường, thỏi son mà chị mua được đang rẻ hơn gần một nửa so với giá mà hãng niêm yết.
Tuy nhiên, Hamid nhanh chóng nhận thấy sự bất ổn trong chất lượng sản phẩm. Trong một video đăng tải trên TikTok vào tháng 6, nữ luật sư này đã so sánh màu của thỏi son mua trên TikTok và một thỏi son chính hãng cùng loại. Kết quả màu sắc cho ra là hoàn toàn khác nhau.
Chị Hamid chia sẻ video so sánh màu son trên trang TikTok cá nhân. Ảnh: imanhamid. |
“Tôi chỉ cần sử dụng sản phẩm đó một lần và có thể nhận ra ngay sự khác biệt”, chị bức xúc.
Video của Hamid nhận được nhiều sự đồng tình từ người xem và khẳng định họ cũng từng là nạn nhân của hàng giả, hàng nhái trên TikTok. “Tôi thật sự sốc khi thấy có rất nhiều người cũng gặp phải vấn đề tương tự”, Hamid cho biết.
Một số người dùng khác báo cáo về việc bản thân mua phải kem chống nắng giả trên TikTok. Chỉ cần lướt nhìn bên ngoài, người dùng sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong bao bì và hình ảnh sản phẩm in trên vỏ hộp.
Theo người phát ngôn của TikTok, cửa hàng kem chống nắng này đã nhanh chóng bị xóa khỏi nền tảng "do vi phạm chính sách liên quan đến sản phẩm giả mạo”.
Trước đó, tài khoản TikTok có tên @lasoandmo đã đăng tải một video so sánh bộ cọ trang điểm thương hiệu Real Technologies mà cô mua trên TikTok với bộ chính hãng mà cô đang sở hữu.
Người phụ nữ này cho biết giá của những cây cọ trang điểm trên TikTok thấp đến mức cô biết chắc chắn chúng là hàng giả. Khi hàng được giao đến nơi, ngay từ những cảm quan đầu tiên, cô thấy rằng trọng lượng của những cây cọ này nhẹ hơn nhiều so với những cây cọ mà cô đã sở hữu.
Ngoài ra, phần màu sắc bên ngoài của những cây cọ cũng có sự khác biệt. Đặc biệt, phần lông cọ của sản phẩm nhái có chất lượng không tốt và không thân thiện cho da. Tuy nhiên, nếu không đặt hai sản phẩm cạnh nhau, người dùng sẽ rất khó để phân biệt giữa hàng giả và hàng thật.
TikTok im lặng
Hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng vốn là câu chuyện muôn thuở. Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua TMĐT.
Trong vòng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT được dự đoán có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.
Các gian thương luôn tìm ra cách để lách luật trên TikTok Shop. Ảnh: F.T. |
Thực tế, TikTok Shop có các chính sách rất mạnh tay để nghiêm cấm hàng giả. Nền tảng này yêu cầu tất cả sản phẩm được rao bán phải là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu. Theo chính sách của TikTok, việc hiển thị tên thương hiệu, logo hoặc nhãn hiệu trong hình ảnh/mô tả sản phẩm mà không có sự cho phép của chủ sở hữu thương hiệu đều bị cấm.
Dù có chính sách quản lý tương đối khắt khe, các gian thương vẫn luôn tìm ra cách để những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vượt mặt những quy chuẩn nghiêm ngặt của TikTok.
Theo chia sẻ của những người trong ngành, để có thể bán những mặt hàng nhái thương hiệu, logo in trên sản phẩm, vỏ hộp hay bao bì đều phải bị che phủ hoặc làm mờ. Bên cạnh đó, khi thiết lập mô tả sản phẩm, người bán không được viết tên thương hiệu mà chỉ dùng những từ chung như quần áo, túi xách, tai nghe…
“Các chủ shop hay lấy giấy dán đè lên tên logo trong những lần phát livestream. Làm như vậy thì mới tránh được AI của TikTok kiểm duyệt. Những từ khóa viết về sản phẩm cũng phải được thay bằng icon hoặc dùng những từ nói lái”, Tiến Quân, chuyên viên về digital marketing tại Hà Nội cho biết.
Theo chủ một gian hàng trên TikTok Shop, những mặt hàng liên quan đến bà bầu, mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng… bị TikTok quản lý rất chặt chẽ. Gian hàng muốn kinh doanh những mặt hàng này phải cung cấp rất nhiều giấy xác nhận, chứng từ cấp phép khác nhau.
Tuy nhiên, nếu phía chủ shop tìm thuê các đơn vị hỗ trợ xây kênh, người bán sẽ được hướng dẫn để được thông qua hoặc mở ngành hàng nhanh chóng hơn.
Thậm chí, kể cả khi cửa hàng không được TikTok cấp phép kinh doanh mặt hàng, người bán vẫn có thể tiếp tục sử dụng nền tảng này như một phương thức quảng cáo sản phẩm và gắn đường link liên kết tới các kênh bán hàng khác như mạng xã hội, sàn TMĐT…
Zing đã liên hệ với TikTok Việt Nam về vấn đề tràn lan hàng giả, hàng nhái trên nền tảng. Tuy nhiên, sau hơn một tháng đơn vị này vẫn không đưa ra bất cứ phản hồi nào.