"Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những vấn đề khu vực và toàn cầu mà các nước cùng chia sẻ lợi ích, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm hướng đến duy trì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và bao trùm", Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9/3 thông báo về lịch trình sắp tới của Thủ tướng Narendra Modi.
Cuộc họp trực tuyến giữa 4 nhà lãnh đạo sẽ đề cập đến việc thúc đẩy an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và "đảm bảo vaccine an toàn, bình đẳng và giá cả phải chăng" cho cuộc chiến chống Covid-19 ở châu Á, AFP dẫn lại thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Tàu khu trục USS Dewey của Mỹ hộ tống tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật Bản di chuyển qua Biển Đông vào tháng 5/2017. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trước đó, CNN dẫn nguồn tin giấu tên khẳng định cuộc họp trực tuyến giữa các lãnh đạo "Bộ Tứ" dự kiến diễn ra vào ngày 12/3. Thông tin này cũng được xác nhận trong thông cáo của chính phủ Ấn Độ.
Đây sẽ là một trong những cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức.
Chính phủ Australia, Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa chính thức xác nhận kế hoạch họp trực tuyến. Nhóm "Bộ Tứ" - Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản - từng có một số cuộc họp cấp ngoại trưởng, nhưng chưa từng tổ chức họp mặt giữa lãnh đạo cao nhất của các chính phủ.
Cuộc họp diễn ra gần một tháng sau khi nhóm ngoại trưởng "Bộ Tứ" ra tuyên bố chung về chính biến Myanmar, kêu gọi quân đội Myanmar khôi phục chính quyền dân sự và trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Giới chức Mỹ xem cuộc họp "Bộ Tứ" là cơ hội tăng sức ép lên Ấn Độ và Nhật Bản tác động vào Myanmar.
Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày 18/2, các ngoại trưởng "Bộ Tứ" vẫn không đề cập cụ thể đến Trung Quốc. Nhóm đã nhiều lần khẳng định mô hình hợp tác không nhằm mục tiêu liên minh chống lại lợi ích của Trung Quốc ở châu Á.