Tên lửa do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển. Nó đã được thử nghiệm hôm 9/10, trang tin quân sự Drive cho biết.
Tên lửa được phóng từ tiêm kích đa năng Su-30MKI do Nga chế tạo. Địa điểm thử nghiệm là khu tích hợp Balasore ở vịnh Bengal, ngoài khơi bờ biển phía đông bang Odisha.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định tên lửa Rudram-1 đã tấn công mục tiêu radar trên đảo Abdul Kalam Island với độ chính xác tuyệt đối. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã chúc mừng DRDO, ông gọi đó là “một thành tích đáng nể”.
Tên lửa Rudram-1 được phóng từ tiêm kích đa năng Su-30MKI. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ. |
Rudram-1 trước đây còn được gọi là tên lửa chống bức xạ thế hệ mới (NGARM). Đây là tên lửa chống radar đầu tiên do Ấn Độ sản xuất.
Quá trình phát triển vũ khí này được khởi xướng vào năm 2012. Trước đây, Không quân Ấn Độ (IAF) sử dụng các loại tên lửa chống bức xạ do nước ngoài sản xuất, chủ yếu là Nga.
Tên lửa Rudram-1 được thiết kế để tiêu diệt hệ thống radar trinh sát, điều khiển hỏa lực và mạng lưới thông tin liên lạc vô tuyến của đối phương. Nó là vũ khí áp chế trong gian đoạn đầu của các chiến dịch trên không.
Rudram-1 được trang bị cảm biến dẫn đường thụ động, tức là tên lửa sẽ bám theo luồng phát sóng của radar để tìm đến nguồn phát và tiêu diệt nó.
“Cảm biến dẫn đường thụ động có thể phát hiện, phân loại và tấn công mục tiêu trên dãi tần số rộng. Tên lửa này là một vũ khí mạnh mẽ của IAF trong việc áp chế phòng không đối phương từ khoảng cách an toàn”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Tên lửa Rudram-1 là sự bổ sung đáng kể cho kho vũ khí của IAF. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ. |
Truyền thông Ấn Độ cho biết tên lửa Rudram-1 có tầm bắn đến 249 km. Nó có thể được phóng từ máy bay chiến đấu ở độ cao 500-15.000 m.
Nếu con số về tầm bắn là chính xác, Rudram-1 sẽ có tầm bắn xa hơn đáng kể so với tên lửa chống bức xạ AGM-88E AARGM tiên tiến của Mỹ có tầm bắn khoảng 150 km. Trong khi đó, tên lửa chống bức xạ chủ lực của Nga là Kh-31P có tầm bắn khoảng 100 km, nhưng có tốc độ nhanh hơn.
Một số nhà bình luận quân sự ở Ấn Độ nhận định tầm bắn của tên Rudram-1 khoảng 99-149 km.
Theo báo Hindustan Times, tên lửa Rudram-1 có thể khóa mục tiêu sau khi phóng, cho phép tấn công các mục tiêu vượt ngoài tầm trinh sát của radar trên máy bay.
Tên lửa mới sẽ là sự bổ sung đáng kể cho kho vũ khí của IAF. Pakistan, đối thủ của Ấn Độ, đã nhận được tên lửa chống bức xạ MAR-1 do Brazil chế tạo.
Việc Ấn Độ thử tên lửa mới cũng là tín hiệu gửi đến Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai các vũ khí phòng không tới khu vực tranh chấp Ladakh. Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Trung Quốc đã điều 60.000 binh sĩ đến gần khu vực biên giới có tranh chấp với Ấn Độ, dù thông tin này chưa được cả Bắc Kinh và New Delhi xác nhận.