Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn Độ thử nghiệm tiêm kích Rafale ở khu vực tranh chấp với Trung Quốc

Tiêm kích Rafale mới nhập khẩu từ Pháp đã được Không quân Ấn Độ sử dụng tuần tra làm quen trên khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Các tiêm kích Rafale, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Ấn Độ (IAF) đã có chuyến bay làm quen trên vùng núi cao ở khu vực tranh chấp với Trung Quốc, một quan chức Ấn Độ nói với AFP hôm 21/9.

5 chiếc Rafale đầu tiên trong hợp đồng mua 36 chiếc, trị giá 9,4 tỷ USD đã được đưa vào trực chiến trong IAF từ ngày 10/9. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh gọi những chiếc Rafale là “thông điệp mạnh mẽ” gửi đến các đối thủ của New Delhi.

“Các tiêm kích Rafale đã quen thuộc với địa hình trong khu vực hoạt động của chúng tôi, bao gồm Ladakh”, quan chức quân đội Ấn Độ, nói trong điều kiện giấu tên.

Tranh chap bien gioi Trung - An anh 1

Một tiêm kích Rafale bay qua thị trấn Leh, Ladakh hôm 21/9. Ảnh: AFP.

Thông báo về các chuyến bay tuần tra của tiêm kích Rafale được đưa ra khi các chỉ huy cấp quân đoàn của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang tổ chức đàm phán, nhằm giảm bớt căng thẳng sau gần 2 tháng bế tắc.

Nguồn tin không tiết lộ thời điểm chuyến bay tuần tra của Rafale bắt đầu, nhưng một nhiếp ảnh gia của AFP đã nhìn thấy nó bay qua Leh, thị trấn lớn nhất của Ladakh vào ngày 21/9.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông báo về các chuyến bay tuần tra làm quen địa hình của tiêm kích Rafale, nhưng không đề cập đến địa điểm cụ thể.

“Tiêm kích Rafale đã trải qua quá trình huấn luyện chiến đấu tích hợp cường độ cao cùng các chiến đấu cơ khác của IAF, bao gồm bắn thử vũ khí tiên tiến”, trích thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Việc mua tiêm kích Rafale của Pháp là một trong nhiều chiến lược nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội 1,4 triệu binh sĩ của Ấn Độ.

Rafale là tiêm kích thế hệ 4,5 do tập đoàn Dassault Aviation của Pháp chế tạo. Tiêm kích này được giới phân tích quân sự đánh giá rất cao nhờ khả năng đa nhiệm, hỏa lực mạnh và tính hiệu quả cao trên chiến trường.

Một số nhà phân tích quân sự đánh giá hiệu suất tổng thể của Rafale vượt trội so với tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Sự có mặt của Rafale, kết hợp với tiêm kích đa nhiệm Su-30MKI nhập khẩu từ Nga sẽ giúp IAF chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu trên không với Trung Quốc ở khu vực tranh chấp.

Tiêm kích Rafale của Ấn Độ vượt trội J-20 của Trung Quốc

Các chuyên gia quân sự nói rằng tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo cho Ấn Độ được trang bị những công nghệ tiên tiến cho phép đối phó hiệu quả với tiêm kích J-20 của Trung Quốc.

Trung Quốc, Ấn Độ đưa chiến đấu cơ tối tân đến sát vùng tranh chấp

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đưa 2 máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đến căn cứ ở Tân Cương. Trong khi đó, Ấn Độ đã đưa 5 chiếc Rafale đến căn cứ sát biên giới ở Ladakh.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm