Theo đăng tải ngày 17/8 của Forbes, ảnh chụp từ một vệ tinh thương mại cho thấy đã có 2 chiếc máy bay tàng hình J-20 đã xuất hiện tại căn cứ không quân Hòa Điền của Trung Quốc, nằm trong khu tự trị Tân Cương giáp biên giới Ấn Độ.
Căn cứ này chỉ cách vùng tranh chấp Aksai Chin khoảng 320 km. Đây cũng là căn cứ không quân Trung Quốc gần vùng tranh chấp nhất.
J-20 xuất hiện ở Hòa Điền giữa giai đoạn tranh chấp biên giới Trung - Ấn leo thang căng thẳng, với đỉnh điểm là vụ đụng độ ở thung lũng Galwan vào tháng 6 khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Quân đội Ấn Độ và một số nguồn thạo tin cho biết phía Trung Quốc cũng có thương vong, nhưng giới chức Bắc Kinh đến nay chưa công bố thông tin chính thức hay xác nhận.
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc được phát hiện đã đến căn cứ không quân Hòa Điền, Tân Cương. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, theo Hindustan Times vào tuần trước, Ấn Độ cũng triển khai 5 chiến đấu cơ Dassault Rafale đến căn cứ tại Ladakh. Tờ báo cho biết các chiến đấu cơ đa nhiệm thời gian qua đã luyện tập bay trong đêm ở địa hình đồi núi Himachal Pradesh.
Ấn Độ mới tiếp nhận chiến đấu cơ đa nhiệm hai người lái Dassault Rafale vào ngày 29/7. Máy bay cũng sở hữu công nghệ AESA cho phép xác định nhiều mục tiêu cùng lúc trong mọi điều kiện thời tiết. Mẫu máy bay này nhỏ hơn và nhẹ hơn nhiều so với J-20.
Chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2001, có phạm vi tác chiến khoảng 1.850 km và đạt vận tốc Mach 1.8. Trong khi đó, J-20 mới được đưa vào sử dụng khoảng 3 năm, có vận tốc tối đa Mach 2 và phạm vi tác chiến khoảng 2.000 km.
Độ cao "trần" cũng là vấn đề đáng lưu ý đối với địa hình tác chiến trên dãy Himalaya. Đối với những chiếc Rafale, chỉ số này chỉ dừng ở 16.000 m, trong khi J-20 vẫn có thể hoạt động ở độ cao hơn 20.000 m.
Không quân Ấn Độ đã đặt mua 36 chiếc Rafale từ Pháp vào năm 2016 với tổng chi phí 9,4 tỷ USD. Việc chuyển giao dự kiến hoàn thành trước năm 2021. Không quân Trung Quốc không tiết lộ số lượng J-20 nhưng một số chuyên gia ước tính họ có ít nhất 50 chiếc.