Tên lửa được phóng từ bệ phóng di động ở đảo Wheeler ngoài khơi bang Odisha của Ấn Độ hôm 5/10, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố, theo CNN.
“Vụ phóng và trình diễn công nghệ này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thiết lập khả năng tác chiến chống ngầm. Các mục tiêu thử nghiệm, gồm phóng tên lửa, tách ngư lôi, hạ độ cao để tiếp cận mặt nước và tấn công mục tiêu đều thành công”, trích thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Bộ này cho biết thêm ngư lôi được phóng đi bằng tên lửa siêu thanh giúp mở rộng tầm bắn vượt xa thông số vốn có của nó. Trong một thông báo trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh viết: “Đây là bước đột phá lớn công nghệ đối với khả năng ứng phó trong tác chiến chống ngầm”.
Tên lửa chống ngầm SMART của Ấn Độ rời bệ phóng. Ảnh: DRDO. |
Tên lửa mới được gọi là Hệ thống phóng ngư lôi hỗ trợ bằng tên lửa siêu thanh (SMART) với phần mũi tên lửa chứa một ngư lôi. Khi được phóng đến vị trí nhất định, ngư lôi sẽ tách khỏi thân tên lửa và rơi xuống biển với sự trợ giúp của một dù hãm tốc độ.
Sau khi ngư lôi chìm xuống nước, động cơ và hệ thống điện tử của nó sẽ được kích hoạt để tự dẫn đến mục tiêu được chỉ định. Tên lửa mang theo ngư lôi chạy bằng pin với đầu đạn nặng 50 kg. Ngư lôi có phạm vi hoạt động khoảng 20 km kể từ điểm được thả xuống nước.
Tên lửa chống ngầm SMART của Ấn Độ có tầm bắn tới 643 km. Các quốc gia khác như Nga, Mỹ và Nhật Bản cũng có tên lửa chống ngầm, nhưng không có loại nào tầm bắn xa như của Ấn Độ.
Thời gian gần đây, Ấn Độ đã đầu tư mạnh cho năng lực tác chiến chống ngầm. New Delhi đã mua máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8 Poseidon, trực thăng chống ngầm MH-60R Seahawk của Mỹ.
Những phương tiện này có thể phát hiện tàu ngầm đối phương ở cự ly rất xa, sau đó truyền thông tin mục tiêu về cho các tàu chiến mang tên lửa SMART, cho phép tấn công mục tiêu trước khi chúng có thể đe dọa hạm đội tàu chiến Ấn Độ.
Vụ thử thành công tên lửa chống ngầm tầm xa rất có ý nghĩa đối với Ấn Độ, đặc biệt khi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương. Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc có hơn 60 tàu có thể hoạt động xa bờ.