Khi Ấn Độ và Trung Quốc vừa trải qua cuộc đụng độ biên giới ở dãy Himalaya, máy bay không người lái (UAV) đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Truyền thông Ấn Độ đưa tin chính phủ nước này đã lên kế hoạch mua thêm UAV Heron từ Israel để cải thiện năng lực giám sát khu vực tranh chấp. Máy bay trinh sát tấn công không người lái Predator của Mỹ cũng được xem xét, South China Morning Post cho biết.
Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng các UAV trong thời gian dài dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), biên giới tạm thời giữa hai nước. Đầu tháng này, Bắc Kinh đã công bố hình ảnh về hoạt động của quân đội Ấn Độ ở thung lũng Galwan, một trong những điểm nóng trong tranh chấp biên giới giữa hai nước. Hình ảnh này nhiều khả năng do UAV ghi lại.
“UAV có thể dễ dàng tiếp cận những khu vực mà con người không thể đến được và giám sát những địa điểm quan trọng. Ấn Độ đã cho thấy sự bất lợi cả về chất và số lượng UAV so với Trung Quốc”, Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự nói.
IAI Heron là UAV duy nhất của Ấn Độ có thể hoạt động ở khu vực tranh chấp. Ảnh: AP. |
Israel Aerospace Industries (IAI) của Israel là nhà cung cấp UAV chính cho quân đội Ấn Độ. New Delhi đã mua UAV Heron và Seacher từ IAI để làm nhiệm vụ trinh sát và tấn công. UAV cảm tử Harpy và Harop được sử dụng cho nhiệm vụ chống bức xạ.
Trong các UAV của Ấn Độ, chỉ có IAI Heron có thể hoạt động ở các dãy núi cao trên khu vực tranh chấp. Ấn Độ sở hữu khoảng 70 UAV Heron. New Delhi cũng phát triển UAV bản địa là Rustom I và Rustom II, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Ngược lại, Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất UAV lớn nhất thế giới. Quân đội Trung Quốc (PLA) sử dụng nhiều UAV GJ-2, phiên bản xuất khẩu được gọi là Wing Long. GJ-2 được đánh giá là vũ trang tốt và nhanh hơn so với IAI Heron.