Năm 2018, các kỹ sư Trung Quốc trở thành người đầu tiên nối các đảo của Maldives bằng đường bộ, khánh thành cầu Sinamalé dài 2 km bắc qua vùng biển giữa thủ đô Malé với sân bay của nước này.
Cây cầu liên đảo là biểu tượng của chương trình cho vay cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương. Dẫu vậy, hiện có một cường quốc khác trong khu vực đang chuẩn bị cho chương trình của riêng mình tại khu vực này.
Bằng các khoản vay và viện trợ không hoàn lại, Ấn Độ hiện tài trợ cho “Dự án kết nối Greater Malé” trị giá 500 triệu USD - cây cầu dài 7 km nối Malé với một số hòn đảo xung quanh khác.
Theo Financial Times, dự án này là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về việc Bắc Kinh và New Delhi đang cạnh tranh ảnh hưởng địa kinh tế. Khi các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nở rộ ở Nam Á và Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng tăng cường chương trình cho vay liên quan tới cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Tuy Ấn Độ thua xa Trung Quốc trong các khoản cho vay nước ngoài, New Delhi đã thể hiện nỗ lực trong những năm gần đây, cung cấp khoản tín dụng hàng chục tỷ USD cho các nước láng giềng, gồm cả những nước đang gặp khó khăn tài chính như Sri Lanka. Các công ty Ấn Độ cũng nhanh chóng mở rộng hoạt động trong khu vực, tạo thành đối trọng với hoạt động thương mại của Trung Quốc.
"Gã khổng lồ" tại Nam Á
Vai trò “chủ nợ” của Ấn Độ ngày càng lớn. Ấn Độ cho vay thông qua cơ quan quản lý quan hệ đối tác phát triển của nước này. Theo đó, cơ quan này sẽ cung cấp hạn mức tín dụng cho các chính phủ khác.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hạn mức tín dụng của New Delhi với các nước khác đã đạt 32,5 tỷ USD. Trong khi đó, tổng viện trợ phát triển của Ấn Độ kể từ năm 1947 tăng gần gấp đôi, từ 55 tỷ USD lên 107 tỷ USD kể từ năm 2014, theo viện chính sách RIS.
Ấn Độ đã mở rộng hơn 300 hạn mức tín dụng cho khoảng 600 dự án. Nước này cũng tài trợ mọi lĩnh vực, từ các khóa đào tạo đến khôi phục địa điểm văn hóa nước ngoài như nhà thờ Hồi giáo và đền thờ.
Dù Ấn Độ sắp vượt Trung Quốc trở thành quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, nền kinh tế của nước này vẫn chỉ có quy mô bằng 1/5. Tuy nhiên, tại Nam Á, New Delhi là "gã khổng lồ" lấn át các nước láng giềng về quy mô và hoạt động kinh tế.
Một phân tích chỉ ra Ấn Độ kết hợp chính sách và ngoại giao để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân theo đuổi thỏa thuận mang lại cơ hội thương mại tại các thị trường phát triển nhanh, từ đó thúc đẩy lợi ích của New Delhi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih hồi năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Trong những năm gần đây, các tập đoàn như Tập đoàn Adani của tỷ phú Gautam Adani đã mở rộng sang các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng khắp mọi nơi, từ Myanmar đến Sri Lanka.
Kanti Bajpai, chuyên gia khoa học chính trị tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho biết chính phủ ông Modi “muốn làm những việc lớn và không nghĩ khu vực công của Ấn Độ có thể làm được điều đó”. “Hầu hết doanh nghiệp Ấn Độ đều quá bảo thủ. Nước này cần một Adani”, ông nói thêm.
Tạo thế đối lập với Trung Quốc
Dưới thời ông Modi, Ấn Độ thường mô tả các khoản vay tài chính của nước này theo hướng tương phản với các hoạt động cho vay của Trung Quốc.
Khi khánh thành các dự án nhà ở và năng lượng mặt trời ở Mauritius đầu năm nay, ông Modi cho biết Mauritius là ví dụ điển hình "về cách tiếp cận của Ấn Độ trong quan hệ đối tác phát triển, dựa trên nhu cầu và ưu tiên của các đối tác, cũng như tôn trọng chủ quyền", Hindustan Times đưa tin. Thủ tướng chỉ trích những nỗ lực tạo “mối quan hệ đối tác phụ thuộc”.
Vai trò “chủ nợ” tại Ấn Độ trong khu vực được chú trọng trong năm qua khi lạm phát toàn cầu tăng và đồng USD mạnh khiến một số nước láng giềng gặp rắc rối tài chính.
Không nơi nào nghiêm trọng bằng Sri Lanka, quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên phá sản trong 2 thập niên qua sau khi cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Theo AFP, thời điểm đó, 22 triệu dân trên quốc đảo Nam Á này bị thiếu hụt thức ăn, nhiên liệu và gặp phải tình trạng cắt điện thường xuyên.
Ấn Độ cung cấp cho Sri Lanka gần 4 tỷ USD cho các khoản vay và trợ cấp nhiên liệu, thuốc men và thực phẩm. Trung Quốc cũng viện trợ lương thực và hỗ trợ tài chính ít nhất 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên trước đó, nước này từ chối yêu cầu cơ cấu lại khoản vay 7 tỷ USD từ Sri Lanka.
Một số chuyên gia nhận định khủng hoảng nợ của Sri Lanka trầm trọng hơn do các dự án từ khoản vay Sáng kiến Vành đai và Con đường không mang lại lợi nhuận.
Ngoài ra, những lo lắng từ chính Ấn Độ về Sáng kiến Vành đai và Con đường tăng lên trong năm nay, sau khi Sri Lanka cho phép tàu giám sát quân sự của Trung Quốc cập cảng Hambantota. Ấn Độ cho rằng con tàu này có thể do thám các cơ sở quân sự của New Delhi.
Dẫu vậy, trong khi Ấn Độ nỗ lực thể hiện khoản cho vay của nước này là giải pháp thay thế tốt hơn Trung Quốc, không phải các nước láng giềng lúc nào cũng nghĩ vậy.
Ví dụ, ở Maldives, lãnh đạo phe đối lập thúc đẩy chiến dịch “India Out” (Loại bỏ Ấn Độ) với cáo buộc các dự án do Ấn Độ tài trợ là vỏ bọc nhằm tạo chỗ đứng quân sự.
Tỷ phú Gautam Adani là người ủng hộ ông Modi. Ảnh: Financial Times. |
Không thể hoàn thành "một sớm một chiều"
Ấn Độ có 2 lý do để tận dụng nguồn lực ở nước ngoài: Tăng cường sức mạnh mềm thông qua hỗ trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng quan trọng với thương mại khu vực, chẳng hạn như cảng.
Ấn Độ cũng đưa ra chương trình hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, những sáng kiến này tương đối khiêm tốn. Trong lịch sử, Ấn Độ là nước nhận được nhiều viện trợ từ nước ngoài.
Giới phân tích cho rằng việc cải thiện kết nối khu vực là điều cần thiết để Ấn Độ thúc đẩy tăng trưởng của chính mình. Tuy nhiên, nhu cầu này càng trở nên cấp bách hơn sau khi Bắc Kinh rót hàng tỷ USD vào các nước láng giềng của Ấn Độ thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Để thu hút các công ty đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài, năm 2015, chính phủ ông Modi đưa ra kế hoạch cung cấp khoản vay ưu đãi cho “các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng chiến lược ở nước ngoài”.
Chưa từng có thủ tướng nào nỗ lực thúc đẩy khu vực tư nhân như ông Modi, kích thích các ông lớn Ấn Độ thực hiện những chương trình phát triển trong và ngoài nước. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ vẫn sẽ mất nhiều năm để chứng minh họ có thể mở rộng tham vọng sang các nước láng giềng.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.