Kshama Bindu, 24 tuổi, sinh viên xã hội học và là một blogger người Ấn Độ, sẽ tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống của người Hindu vào tối 11/6, tại ngôi đền ở thành phố Vadodara, phía tây bang Gujarat.
Kshama Bindu, 24 tuổi, người đầu tiên kết hôn với chính mình ở Ấn Độ. Ảnh: BBC. |
Trong bộ trang phục cô dâu màu đỏ với những nét vẽ henna trên tay, Bindu sẽ đi 7 vòng xung quanh ngọn lửa thiêng - một phong tục không thể thiếu trong các đám cưới ở Ấn Độ, cô chia sẻ với phóng viên BBC qua điện thoại.
Các nghi lễ trước đám cưới như Haldi (trộn nghệ với dầu để bôi lên người cô dâu) và Sangeet (âm nhạc và khiêu vũ) cũng sẽ được tổ chức cùng ngày.
Mọi nghi lễ và kế hoạch cho đám cưới đều được chuẩn bị đầy đủ, nhưng thứ duy nhất còn thiếu là chú rể. Bindu dự định "kết hôn" với chính mình, trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Ấn Độ đưa ra quyết định này.
"Nhiều người nói với tôi rằng tôi là một người giỏi tán tỉnh", cô nói. "Tôi đáp lại rằng tôi tự ‘cưa đổ’ chính mình".
Cách yêu bản thân
"Tôi chưa bao giờ muốn kết hôn nhưng tôi muốn trở thành một cô dâu. Vì vậy, tôi quyết định kết hôn với chính mình", Bindu nói với Times Of India.
Cô đã tìm hiểu rất nhiều về Sologamy trên các trang thông tin nhưng chưa từng thấy những cuộc hôn nhân tương tự ở Ấn Độ. "Có lẽ tôi sẽ là người đầu tiên nêu gương về tình yêu bản thân ở quê hương mình", cô nói.
Với quyết định này, Bindu chia sẻ sẽ dành cả cuộc đời để “yêu bản thân".
Kshama Bindu chia sẻ Sologamy là cách thể hiện tình yêu với bản thân. Ảnh: India Today. |
"Tự kết hôn là một cam kết tồn tại vì chính bạn, giúp bạn lựa chọn con đường để phát triển thành con người giàu sức sống và hạnh phúc nhất có thể”, cô nói.
"Đó là cách tôi thể hiện rằng tôi đang chấp nhận những phần khác nhau trong con người tôi, đặc biệt là những phần tôi đã cố gắng phủ nhận hoặc chối bỏ, chẳng hạn những điểm yếu của bản thân, dù là về thể chất, tinh thần hay cảm xúc”, cô chia sẻ.
Đối với Bindu, cuộc hôn nhân này “thực sự là một hành động chấp nhận bản thân”. “Điều tôi muốn nói là tôi chấp nhận bản thân mình, kể cả những phần không tốt đẹp".
Bindu cũng chia sẻ gia đình và bạn bè đã chúc phúc cho cô và sẽ tham dự lễ cưới sắp tới.
"Mẹ tôi nói 'con luôn nghĩ ra điều gì đó thật mới mẻ'", Bindu kể lại và cho biết thêm cha mẹ của cô đều ủng hộ quyết định này. Họ nói: "Chỉ cần điều đó làm cho con hạnh phúc, chúng ta sẽ ổn thôi".
Sau đám cưới, cô cũng sẽ đến Goa để hưởng tuần trăng mật kéo dài 2 tuần.
Trào lưu gây tranh cãi
Ý tưởng "kết hôn" với chính mình xuất hiện lần đầu tiên cách đây gần 20 năm trong loạt phim Sex and the City nổi tiếng của Mỹ.
Kể từ đó, hàng trăm cuộc “hôn nhân" theo trào lưu này đã xuất hiện, hầu hết là ở những phụ nữ độc thân đến từ các nước phương Tây. Các cô dâu bước xuống lối đi trong bộ váy cưới tinh khôi, tay cầm theo một bó hoa mà không cần bạn đời ở bên cạnh, đôi khi có cả gia đình và bạn bè đến chúc phúc.
Tuy nhiên, những câu chuyện như vậy chưa từng xuất hiện ở Ấn Độ trước đây. Do đó, tin tức về đám cưới sắp tới của Bindu đã trở thành một chủ đề bàn tán sôi nổi.
Phóng viên BBC đã liên hệ với Tiến sĩ Savita Malhotra, nguyên trưởng khoa và giáo sư tâm thần học tại bệnh viện PGIMER ở thành phố Chandigarh, để hỏi về vấn đề này. Bà tỏ ra "ngạc nhiên" trước ý nghĩa của Sologamy.
“Đối với tôi, nó có vẻ là một khái niệm rất lạ lùng”, bà nói.
"Mọi người đều yêu bản thân. Đó là bản chất của tất cả chúng ta. Bạn không cần phải phá vỡ nó hoặc tạo ra một bản sao (kết hôn với chính mình) để thể hiện tình yêu đó. Và hôn nhân là việc hai người đến với nhau", bà nhận định.
Sologamy trở thành trào lưu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: I married me. |
Tin tức về đám cưới của Bindu cũng khơi dậy một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Một số người hoan nghênh quyết định của cô, cho rằng Bindu sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác. Tuy nhiên, phần lớn vẫn đang cố gắng làm quen với khái niệm sologamy.
Một phụ nữ trên Twitter tự hỏi vì sao cần có hôn nhân nếu không kết nối cảm xúc với bất kỳ ai khác. Một người khác nói rằng có vẻ như cô Bindu chỉ đang cố gắng trốn chạy trách nhiệm lập gia đình.
Một số người thậm chí còn chỉ trích Sologamy là "một hành động kỳ lạ và đáng buồn", đồng thời cho rằng nó xuất phát từ "hội chứng ái kỷ mạn tính".
Trước những lời chỉ trích đó, Bindu chỉ muốn nói một điều duy nhất: "Việc kết hôn với ai là quyết định của tôi, cho dù đó là đàn ông, phụ nữ hay chính tôi. Và bằng cách kết hôn với chính mình, tôi muốn bình thường hóa Sologamy”.
“Tôi muốn nói với mọi người rằng chúng ta đến thế giới này và rời đi một mình. Vậy ai có thể yêu chúng ta hơn chính bản thân?", cô chia sẻ.