Hình ảnh một phụ nữ Ấn Độ chênh vênh giữa thành giếng nước lớn những ngày gần đây đang trở thành tâm điểm chú ý.
Bất chấp nguy hiểm khi không có bất kỳ dụng cụ đảm bảo an toàn nào, người phụ nữ, cùng một số người dân khác tại làng Ghusiya, bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, trèo xuống một giếng nước sâu để vét những váng nước cuối cùng còn sót lại phía đáy giếng.
Báo ANI của Ấn Độ mô tả những người phụ nữ trong video là "liều mạng để lấy nước".
Nhiều người dân Ấn Độ trên mạng xã hội mô tả những hình ảnh trong video trên là "đau lòng" và kêu gọi các quan chức khẩn trương giúp đỡ ngôi làng.
"Chúng tôi phải xuống giếng để lấy nước. Có ba giếng ở đây, tất cả đã gần như khô cạn. Không có máy bơm nào có nước", một phụ nữ trong làng Ghusiya nói với hãng tin ANI.
Hình ảnh người phụ nữ bất chấp nguy hiểm để lấy nước không chỉ nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nước trầm trọng đang diễn ra tại Ấn Độ, mà còn cho thấy căng thẳng về nước đang tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ Ấn Độ, và ngày càng khiến họ dễ bị tổn thương.
Hình ảnh cắt từ video cho thấy người phụ nữ leo xuống giếng mà không có dây hay bất kỳ dụng cụ nào để đảm bảo an toàn. Phía đáy giếng, nước đã cạn. Ảnh: ANI. |
"Hình phạt tồi tệ nhất"
Munni Adhivasi, một phụ nữ dân tộc thiểu số tại Ấn Độ, đã trải qua 2 thập kỷ đi bộ hàng km mỗi ngày để lấy nước. Tuy nhiên, cái nóng thiêu đốt của mùa hè ở Ấn Độ năm nay đang khiến cô mệt mỏi hơn và đối mặt với nhiều rủi ro hơn, theo Reuters.
Munni nói cô sợ rằng mình sẽ sớm chết vì nắng nóng, và đã rơi nước mắt khi đề cập việc chính phủ không thể cung cấp nước uống cho hơn 200 gia đình trong ngôi làng Hinauti của cô ở phía bắc Uttar Pradesh.
"Không biết tôi sẽ phải đi bao nhiêu chuyến nữa để mang nước về để uống và nấu ăn cho 4 đứa trẻ và 3 con dê", Munni nói thêm, trong khi đội trên đầu 30 lít nước.
Nhưng mùa hè năm nay, thậm chí còn khắc nghiệt hơn những năm trước, với nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở nhiều khu vực vào đầu mùa, làm tăng thêm nguy cơ mất nước và đột quỵ do nắng nóng.
Munni, không biết tuổi chính xác của mình, cho biết: “Những buổi vật lộn để lấy nước này là hình phạt tồi tệ nhất đối với chúng tôi”.
Munni nằm trong nhóm phụ nữ và trẻ em từ bốn ngôi làng trong khu vực hàng ngày phải đi lấy nước ở một hồ chứa bên cạnh mỏ đá, nơi chồng của họ kiếm việc làm hàng ngày.
Lấy nước hàng ngày cho gia đình ở Ấn Độ đã được coi là công việc của phụ nữ từ bao đời nay. Ở một số vùng, phụ nữ ngay cả trong thời đại ngày nay cũng phải đi bộ vài km để lấy nước.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ (NCW), phụ nữ vẫn đi bộ tới 2,5 km, để đến nguồn nước uống được ở các vùng nông thôn. Nghiên cứu của NCW ước tính mỗi năm có khoảng 150 triệu phụ nữ ở Ấn Độ phải đi bộ để lấy nước, và phí tổn cho việc này tương đương với 10 tỷ rupee (khoảng 128,7 triệu USD) mỗi năm.
Phụ nữ Ấn Độ đi bộ "đội" nước về nhà trong một ngày nắng nóng ở làng Badama, phía bắc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 4/5. Ảnh: Reuters. |
Phụ nữ ở nông thôn trung bình dành 3-4 giờ mỗi ngày để lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Thời gian quan trọng này có thể được sử dụng cho các hoạt động kinh tế hoặc học hành. Nó cũng được cho là phụ nữ tiếp cận với nhiều cơ hội, cũng như khiến họ dễ bị tổn thương hơn vì các nguy cơ trong quá trình đi lấy nước.
Nghiên cứu của NCW cho thấy một phụ nữ nông thôn đi bộ hơn 14.000 km mỗi năm chỉ để lấy nước. Kịch bản ở một số đô thị Ấn Độ cũng không khả quan. Dù không phải đi bộ quãng đường dài, họ cũng phải đứng xếp hàng hàng giờ để lấy nước từ các vòi nước ven đường hoặc xe bồn chở nước.
Hồi tháng 4, một đoạn phim tương tự video ở làng Ghusiya cũng được lan truyền trên mạng xã hội.
Video quay cảnh nhiều phụ nữ ở làng Rohile, Nashik thuộc bang Maharashtra đã buộc phải trèo xuống giếng để lấy nước trong bối cảnh thiếu nước trong khu vực.
Trong video, một phụ nữ được nhìn thấy đang đứng bám trên thang bên trong chiếc giếng, chuyền xô nước qua một sợi dây cho một phụ nữ khác đứng phía dưới, sát với mặt nước giếng hơn.
Phía trên là rất nhiều người thả xô xuống, dường như để nhờ họ múc nước sau đó kéo xô lên.
Những người dân trong làng cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hành động nguy hiểm này vì làng của họ không có công trình cấp nước.
“Chúng tôi phải đi 2 km để lấy nước từ giếng vì làng của chúng tôi không có công trình cấp nước”, một người dân nói.
Nói về rủi ro của của việc trèo xuống giếng lấy nước, người dân thừa nhận đã có vài người rơi xuống giếng.
Người dân tập trung lấy nước tại giếng ở một mỏ đá bỏ hoang, làng Badama, phía bắc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 4/5. Ảnh: Reuters. |
Khủng hoảng nước ở Ấn Độ
Đợt nắng nóng năm nay ở Ấn Độ đã giết chết hơn một chục người trên toàn quốc kể từ cuối tháng 3.
Ấn Độ đã thúc giục các quan chức của họ lập kế hoạch hành động để cải thiện nhiệt độ và đang nỗ lực để tăng nguồn cung cấp nước sạch lên hơn 50 lít một ngày cho mỗi người dân ở vùng nông thôn vào năm 2024.
Để đạt được điều này, họ đặt mục tiêu xây dựng nhà máy khử mặn ở các khu vực ven biển, tận dụng nguồn tài nguyên hiện có và tăng cường mực nước ngầm - vốn đã giảm 61% trong một thập kỷ kể từ năm 2007, theo thống kê từ chính phủ hồi năm 2019.
Tuy nhiên, Munni thấy thử thách hàng ngày của cô sẽ không sớm kết thúc.
"Có một số vòi nước được lắp đặt, nhưng không một giọt nước nào chảy ra từ chúng", cô nói.
Người dân Madhya Pradesh cũng mô tả tình trạng tương tự. Chính quyền bang đã hứa cung cấp nước máy cho mọi ngôi làng trước năm 2024. Tuy nhiên, hàng triệu người vẫn không thể tiếp cận được nước uống.
Tại Ghusiya, dân làng tức giận cho biết họ sẽ tẩy chay các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay để phản đối chính phủ.
Đáy ao khô ở làng Mauharia, phía bắc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 4/5. Ảnh: Reuters. |
Ấn Độ chỉ có 4% lượng nước ngọt toàn cầu dù chiếm 18% dân số thế giới, khiến quốc gia này nằm trong số những nước căng thẳng về nước nhất trên Trái Đất, theo Ngân hàng Thế giới. Gần ⅔ trong số 700 quận của đất nước đang bị đe dọa do nước ngầm giảm.
Báo cáo toàn cầu năm 2019 đã nêu tên Ấn Độ trong số 17 quốc gia có "căng thẳng về nước" ở mức "cực kỳ cao", với các bang Madhya Pradesh, Punjab, Rajasthan, Uttar Pradesh, Gujarat, Uttarakhand và Haryana nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng.
Tình hình ở những vùng này được dự đoán trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới khi mực nước ngầm giảm xuống. Phần lớn các hộ gia đình nông thôn không được sử dụng nước máy và phụ thuộc vào nguồn nước không hợp vệ sinh.
Ấn Độ được dự báo đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước nghiêm trọng vào năm 2050, với 30 thành phố được cho là sẽ nằm trong các khu vực có nguy cơ cao.