Đoạn video cho thấy người phụ nữ trèo xuống giếng để lấy nước mà không có dây hay bất kỳ dụng cụ nào để đảm bảo an toàn, BBC đưa tin ngày 3/6.
Người dân ở làng Ghusiya đã buộc phải bất chấp nguy hiểm như vậy để có nước sinh hoạt vì các ao và giếng nước thông thường đều khô cạn.
Một số khu vực khác trên khắp Ấn Độ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tương tự.
Các video cho thấy cảnh tượng nguy hiểm tương tự đã lan truyền thường xuyên ở Ấn Độ. Hồi tháng 4, có video ghi lại cảnh một phụ nữ leo xuống giếng ở bang Maharashtra để lấy nước.
Báo cáo toàn cầu năm 2019 đã nêu tên Ấn Độ trong số 17 quốc gia "căng thẳng về nước" ở mức nghiêm trọng.
Hình ảnh cắt từ video cho thấy người phụ nữ leo xuống giếng mà không có dây hay bất kỳ dụng cụ nào để đảm bảo an toàn. Ảnh: ANI. |
Báo cáo cho biết các bang Madhya Pradesh, Punjab, Rajasthan, Uttar Pradesh, Gujarat, Uttarakhand và Haryana nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng.
Ở Madhya Pradesh, tình trạng thiếu nước là một vấn đề lặp đi lặp lại vào mỗi mùa hè. Chính quyền bang đã hứa cung cấp nước máy cho mọi ngôi làng vào năm 2024. Hiện tại, hàng triệu người vẫn không thể tiếp cận được nước uống.
Tại Ghusiya, dân làng tức giận cho biết họ sẽ tẩy chay các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay để phản đối giới chức trách.
"Chúng tôi phải xuống giếng để lấy nước. Có ba giếng (ở đây), tất cả đã gần như khô cạn. Không có máy bơm nào có nước", một phụ nữ nói với hãng tin ANI.
"Giới chức trách và các nhà lãnh đạo chính trị chỉ đến đây trong các cuộc bầu cử. Lần này chúng tôi quyết định không bỏ phiếu cho đến khi chúng tôi có nguồn cung cấp nước thích hợp", cô nói.
Nhiều người dân Ấn Độ trên mạng xã hội đã phản ứng về video mà họ mô tả là "đau lòng", kêu gọi các quan chức khẩn trương giúp đỡ ngôi làng.
Ấn Độ là nước khai thác nước ngầm lớn nhất trên thế giới, nhiều người vẫn dựa vào nguồn nước này để sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, gần ⅔ số quận của đất nước đang bị đe dọa do nước ngầm giảm, theo Ngân hàng Thế giới.
Ấn Độ được dự báo đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước nghiêm trọng vào năm 2050, với 30 thành phố được cho là sẽ nằm trong các khu vực có nguy cơ cao.