Al Jazeera ngày 23/8 cho biết bộ phận điều tra của hãng tin đã thu thập được một lượng lớn hồ sơ của chính phủ đảo Cyprus. Những hồ sơ này cho thấy hàng chục nhân vật đã bị kết án lừa đảo, rửa tiền hoặc tham nhũng từ hơn 70 quốc gia vẫn mua được "hộ chiếu vàng".
Số hồ sơ rò rỉ được gọi là "Cyprus Papers", gồm hơn 1.400 đơn xin hộ chiếu đã được chính phủ đảo quốc phê duyệt trong giai đoạn 2017-2019. Trong danh sách những người mua quốc tịch Cyprus, theo Al Jazeera, có một số doanh nhân Việt Nam nổi tiếng.
Hộ chiếu của Cyprus có ý nghĩa quan trọng đối với một số cá nhân muốn vào châu Âu vì nước này là thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Hộ chiếu cho phép người sở hữu chúng được đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tự do ở 27 nước thành viên.
Chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch của Cyprus bị chỉ trích tạo lỗ hổng để người phạm tội ở nước khác được mua hộ chiếu và đến châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Số tài liệu rò rỉ làm dấy lên nhiều nghi vấn về Chương trình Đầu tư Cyprus. Để có hộ chiếu, người nộp đơn cần có khoản đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) vào nền kinh tế đảo quốc, thường là mua bất động sản, và không có tiền án, tiền sự. Người nộp đơn tự cung cấp bằng chứng thỏa điều kiện cấp hộ chiếu.
Chính phủ đảo Cyprus khẳng định họ có kiểm tra lý lịch người nộp đơn nhưng số hồ sơ rò rỉ cho thấy việc này không diễn ra. Kể từ khi khởi động vào năm 2013, đảo quốc đã thu về được hơn 8 tỷ USD qua Chương trình Đầu tư Cyprus.
Danh sách người được cấp hộ chiếu có một số nhân vật đang bị điều tra tham nhũng ở nước của họ, như nhà tài phiệt Mykola Zlochevsky của Ukraine (mua hộ chiếu năm 2017) và cựu lãnh đạo Gazprom Nikolay Gornovskiy đang bị Nga truy nã (mua hộ chiếu năm 2019).
Bộ Nội vụ Cyprus thông báo đang xem xét những thông tin vừa được công bố. Cơ quan này nhấn mạnh chương trình đầu tư những năm qua đã được điều chỉnh đáng kể.
Chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu Cyprus đã vấp phải phản ứng từ các nước EU trong nhiều năm qua. Đến tháng 7/2019, Nghị viện Cyprus mới thông qua đạo luật cho phép nước này tước quốc tịch sau nhiều vụ bê bối liên quan đến "hộ chiếu vàng". Dù vậy, các chính trị gia đã chặn việc công khai tên tuổi người mua quốc tịch.
Quy định mới được áp dụng cho mọi trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị điều tra bởi Interpol hoặc bị áp lệnh trừng phạt trong vòng 10 năm sau khi được cấp hộ chiếu Cyprus. Chính phủ đang đánh giá lại toàn bộ hộ chiếu được cấp trong chương trình đầu tư và đã thông báo hủy quốc tịch 30 người nhưng không tiết lộ tên tuổi.