Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ai thắng thế trong 'cuộc chiến' đại siêu thị?

Mặc dù sức cầu tiêu dùng giảm mạnh, nhiều đại gia bán lẻ trong lẫn ngoài nước vẫn không ngừng bơm vốn, mở rộng quy mô để "đánh chiếm" thị phần trong phân khúc đại siêu thị.

mo dai sieu thi anh 1

15 năm trước, mô hình siêu thị quy mô lớn bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với sự ra mắt của Big C Thăng Long, Hà Nội (diện tích 10.000 m2) dưới sự đầu tư của Tập đoàn Casino đến từ Pháp (sau này được Central Retail mua lại). Đến cuối năm 2008, sự ra mắt của Lotte Mart tại quận 7, TP.HCM chính thức mở ra một hình thức mua sắm mới tại Việt Nam: Đại siêu thị.

Giờ đây, bên cạnh Central Retail hay Lotte - những nhà đầu tư ngoại đầu tiên phát triển mô hình đại siêu thị với những thành công nhất định, các "chiến binh mới" như Aeon, Thaco... cũng đang tăng tốc chiếm lĩnh phân khúc này với số vốn khủng và nhiều tham vọng lớn.

Lợi thế thuộc về ai?

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt 180 tỷ USD trong năm nay, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 và đóng góp 59% GDP. Sự gia tăng không ngừng của tầng lớp trung lưu cùng thu nhập khả dụng ngày càng cao cũng tạo nên "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư.

Riêng với phân khúc đại siêu thị, trước đây "miếng bánh" này gần như là sân chơi của doanh nghiệp ngoại bởi lợi thế về nguồn vốn và kinh nghiệm vận hành bất động sản thương mại ở các thị trường phát triển. Tính tới tháng 5, tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản - Aeon đã đầu tư vào Việt Nam gần 1,2 tỷ USD.

Với gần 40 năm kinh nghiệm ở Đông Nam Á, nhà bán lẻ này cũng tận dụng kiến ​​thức tích lũy được ở Malaysia, nơi tập đoàn thâm nhập đầu tiên trong khu vực và các thị trường khác để tăng cường kế hoạch mở đại siêu thị.

Trong khi đó, ông lớn Thái Lan Central Retail cũng đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ và bất động sản. Không chỉ chi hơn 1 tỷ USD thâu tóm chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam, tập đoàn này cũng đã rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng thị phần đại siêu thị tại đây.

Đầu năm nay, Central Retail tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, với khoản vốn 1,45 tỷ USD vào Việt Nam. Đây là số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà đại gia bán lẻ Thái Lan công bố vào thị trường Việt Nam.

Hay Tập đoàn Lotte cũng đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào Việt Nam và coi đây là thị trường lớn thứ 3 sau Hàn Quốc, Nhật Bản.

SO GĂNG SỐ LƯỢNG ĐẠI SIÊU THỊ CỦA CÁC ÔNG LỚN TẠI VIỆT NAM
Số liệu: Tổng hợp
Nhãn Central Retail Lotte Aeon Saigon Co.op Thaco

đại siêu thị 38 16 6 5 3

Tuy nhiên, ở cuộc đua này, không phải có tiền là sẽ thắng. Lotte - một trong những ông lớn đi đầu trong mô hình đại siêu thị và trung tâm thương mại ở Việt Nam - đã chứng kiến chuỗi thua lỗ hơn một thập kỷ ở Việt Nam. Đến năm 2018, lỗ lũy kế của Lotte Mart tới gần 800 tỷ đồng.

Theo doanh nghiệp, nguyên nhân đến từ việc đưa nhiều trung tâm thương mại vào hoạt động. Chẳng hạn, giai đoạn 2009-2016, doanh nghiệp mở thêm 12 trung tâm thương mại và đại siêu thị. Theo thực tế, mỗi trung tâm mới khi đi vào hoạt động cần trung bình 5-8 năm để đạt được điểm hòa vốn.

Một yếu tố khác dẫn đến thua lỗ là hiệu quả kinh doanh chưa được như kế hoạch đề ra tại thời điểm lập dự án đầu tư. Đó là do vị trí địa lý, yếu tố thị trường, thói quen tiêu dùng của khách hàng ở nhiều vùng, miền khác nhau.

Không chỉ vậy với một nhà đầu tư ngoại, việc tự tìm kiếm, trực tiếp đi thuê mặt bằng và phát triển hạ tầng thương mại để kinh doanh là rất khó khăn. Ngay cả với đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản là Aeon - vốn chủ yếu phát triển điểm kinh doanh ở xa khu vực trung tâm các đô thị - cũng thừa nhận các thủ tục phát triển dự án gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian chờ đợi.

Còn với doanh nghiệp nội, quỹ đất rộng lớn, hiểu biết về thủ tục pháp lý và tâm lý tiêu dùng vẫn đang tạo nên lợi thế trên sân nhà - điều mà đa số ông lớn ngoại đang thiếu.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Emart "bắt tay" với Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Suốt 7 năm kể từ khi khai trương vào cuối năm 2015, Emart vẫn loay hoay với bài toán đất đai, mặt bằng có diện tích lớn để mở rộng kinh doanh. Còn Thaco, ông lớn này sở hữu quỹ bất động sản lớn và hệ sinh thái đa ngành. Đây là mảnh ghép mà Emart còn thiếu để mở rộng chuỗi đại siêu thị tại Việt Nam.

Và thực tế, ngay sau khi Thaco trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam, lần lượt 2 đại siêu thị mới đã khai trương tại TP.HCM, trong đó có cả vị trí mà Emart đã nhắm đến từ lâu. Hiện tại, Thaco cũng đang rục rịch đưa Emart ra Hà Nội tại khu "đất vàng" Tây Hồ Tây.

Bán lẻ nội tham vọng "lật ngược thế cờ"

Nhắm đến phân khúc đại siêu thị, mỗi đại gia bán lẻ đều có một mục đích riêng. Với Aeon, Centrail Retail hay Lotte, đây là một trong các mảng kinh doanh chính của tập đoàn trên toàn cầu. Còn với Thaco, đại siêu thị chỉ là một mảnh ghép để hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành.

Đến hết năm 2022, Central Retail vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần mảng đại siêu thị ở Việt Nam với 38 đại siêu thị GO! trên nhiều tỉnh thành. Đại gia người Thái thậm chí còn tham vọng nâng lên con số 70 trong 3 năm tới.

Còn với Lotte, thông qua trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam Lotte Mall West Lake Hanoi, tập đoàn lớn thứ năm Hàn Quốc cũng cho thấy những kế hoạch không nhỏ tại Việt Nam. Hiện, ông lớn này đang sở hữu 16 đại siêu thị Lotte Mart ở nhiều tỉnh thành.

Trong khi đó, Aeon đang có 6 đại siêu thị ở TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, nhưng đặt mục tiêu có 100 siêu thị tại Hà Nội và tăng gần gấp ba lần số lượng trung tâm thương mại lên 16 trên toàn quốc.

mo dai sieu thi anh 2

Thaco tham vọng đạt 20 đại siêu thị trong 5 năm tới, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam. Ảnh: Phương Lâm.

Còn với doanh nghiệp nội, liên tiếp khai trương đại siêu thị quy mô khủng, các ông lớn trong nước cũng đang thể hiện sự chịu chi của mình trong tham vọng "lật ngược thế cờ" trước sự áp đảo của khối ngoại.

Tháng 5/2013, Saigon Co.op liên kết với FairPrice (Singapore) mở đại siêu thị Co.opExtraPlus với số vốn khoảng 9 triệu USD. Đến nay, Co.opXtra đã phát triển hệ thống 5 điểm bán tại TP Thủ Đức, quận 7 và quận 10. Diện tích mỗi đại siêu thị trung bình từ 10.000 m2 trở lên.

Hay với Thaco, tỷ phú Trần Bá Dương cũng không giấu tham vọng đưa Emart trở thành đại siêu thị hàng đầu. Tập đoàn nội địa này đặt mục tiêu đạt 20 đại siêu thị trong 5 năm tới, đến năm 2026 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn với Znews hồi tháng 9 năm ngoái, ông Laurent Piazza - Tổng giám đốc hệ thống đại siêu thị GO! của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho rằng để chiến thắng trong cuộc đua bán lẻ những năm tiếp theo, việc thích nghi với tình huống mới là điều quan trọng nhất.

"Trong bối cảnh hiện nay, để thành công chiến lược cần thay đổi. Đa kênh và đa hình thức là điều cốt lõi. Chiến lược của Central Retail phân bổ đều trong 3 mảng: Đại siêu thị, Siêu thị và Bán hàng đa kênh (Omnichannel)", ông nói.

Ông cho rằng ba phân khúc này sẽ tạo thành thế kiềng ba chân vững chắc nhằm bao phủ mọi đối tượng khách hàng, từ người trẻ năng động đến các phụ huynh chuộng mua sắm theo cách truyền thống.

Đây cũng là quan điểm của Saigon Co.op khi tham vọng mỗi năm mở thêm 1-2 đại siêu thị Co.opXtra từ nay đến năm 2030, bên cạnh các loại hình trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tính chung toàn thị trường bán lẻ năm 2022, đây vẫn là đơn vị đứng đầu với tổng doanh số gần 31.000 tỷ đồng.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Znews tại Tủ sách kinh tế.

Những ông lớn đánh chiếm thị trường đại siêu thị

Thị trường bán lẻ đang "nóng" trở lại khi các tập đoàn tăng tốc mở rộng cả về số lượng lẫn quy mô. Cuộc chơi thu hút khách hàng và chiếm thị phần ngày càng khốc liệt.

Ai đang hiện diện trong thị trường đại siêu thị Việt?

Cuộc chiến tranh giành thị phần "miếng bánh" bán lẻ đang "nóng" hơn khi ngày càng nhiều đại siêu thị được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mở rộng.

Thaco sắp xây đại siêu thị Emart thứ 4 ở Tây Hồ Tây

Khu đô thị Tây Hồ Tây đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư để xây đại siêu thị như Takashimaya, Lotte, Thaco.

Gia vang kho tang tuan toi hinh anh

Giá vàng khó tăng tuần tới

0

Biến động của giá vàng thế giới sẽ tác động trực tiếp tới giá vàng trong nước. Trong cuộc khảo sát mới nhất, các chuyên gia Phố Wall dự báo giá kim quý sẽ đi ngang tuần tới.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm