Người tiêu dùng Việt Nam thường mua đồ ăn tại các khu chợ dân sinh đông đúc. Nhưng theo Nikkei Asian Review, trong thời kỳ dịch Covid-19, nhiều người e ngại đến những khu chợ này hơn. Điều này giúp Aeon - một trong những nhà vận hành siêu thị hàng đầu Nhật Bản - có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.
Aeon có kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025, tăng so với chỉ 4 siêu thị ở Hà Nội hiện nay. Theo đánh giá, tại Hà Nội, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản không phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh lớn.
Đối với nhiều người tiêu dùng, việc mua đồ ở siêu thị trở nên an toàn hơn trong thời kỳ dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh. |
100 siêu thị và 16 trung tâm thương mại
Aeon sẽ mở thêm các cửa hàng lớn với diện tích sàn từ 500 m2 trở lên. Theo ông Soichi Okazaki, Giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh khu vực Đông Nam Á của tập đoàn, Việt Nam là “thị trường quan trọng nhất đối với chiến lược mở rộng ra nước ngoài” của Aeon.
Siêu thị chỉ là một phần trong kế hoạch phát triển của tập đoàn. Công ty con Aeon Mall (được niêm yết tại Tokyo) có kế hoạch tăng số trung tâm thương mại tại Việt Nam từ 6 lên 16 trung tâm vào năm 2025.
Aeon sẽ phải bắt kịp Masan Group của Việt Nam và Central Group của Thái Lan với quy mô 230 cửa hàng.
Việt Nam là thị trường quan trọng nhất đối với chiến lược mở rộng ra nước ngoài của chúng tôi
Ông Soichi Okazaki, Giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Aeon
Theo giới quan sát, Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng tăng trưởng kinh tế lớn. Theo Euromonitor, thị trường thực phẩm chế biến tại 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN dự kiến tăng trưởng khoảng 60% từ năm 2016 đến năm 2026 lên 112,7 tỷ USD.
Việt Nam có thể chứng kiến mức tăng trưởng lớn nhất trong số 6 quốc gia, với tốc độ khoảng 90% trong vòng 10 năm. Một nghiên cứu chỉ ra thực phẩm tốt cho sức khỏe là một trong những lĩnh vực đáng chú ý nhất.
Là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam dự kiến dỡ bỏ rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ và kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) sớm nhất vào năm 2024.
ENT là việc các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét liệu có cấp phép mở từng cơ sở bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không. ENT yêu cầu những nhà bán lẻ nước ngoài phải nhận được sự chấp thuận của địa phương đối với mỗi cửa hàng mới từ 500 m2 trở lên.
Nếu dỡ bỏ ENT, các tập đoàn đa quốc gia như Aeon có thể giảm bớt lo ngại về những rào cản đối với kế hoạch mở rộng của mình.
"Thị trường quan trọng nhất"
Đến năm tài chính 2025, Aeon đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đầu tư hàng năm ra nước ngoài lên 25%, gần gấp đôi mức trước đó. Mức đầu tư này cũng sẽ tăng hơn gấp đôi lợi nhuận hoạt động hàng năm ở châu Á bên ngoài Nhật Bản lên hơn 100 tỷ yen (875 triệu USD).
Tập đoàn cũng có kế hoạch mở thêm siêu thị ở Indonesia, Campuchia và các nước khác trong khu vực.
Sumitomo Corp. có kế hoạch hợp tác với tập đoàn BRG Group để mở thêm các siêu thị nằm trong chuỗi FujiMart mang phong cách Nhật Bản tại Việt Nam.
FujiMart hiện có 3 cơ sở tại Hà Nội. “Trong thời kỳ đại dịch, các siêu thị đã thu hút một lượng lớn khách hàng. Họ tin rằng mua đồ ở siêu thị đảm bảo vệ sinh hơn”, ông Keisuke Hitotsumats - người đứng đầu liên doanh - chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng Don Don Donki - Pan Pacific International Holdings - đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng ở các thị trường nước ngoài lên 1.000 tỷ yen vào tháng 6/2030, tang gấp khoảng 6 lần so với năm tài chính trước.
Don Don Donki bán nhiều loại thực phẩm mang phong cách Nhật, chẳng hạn cơm hộp, sushi tươi và rượu sake, được chế biến từ các sản phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Công ty có kế hoạch mở khoảng 10 cửa hàng tại Đông Nam Á trong năm tài chính này, nâng tổng số lên 20 cửa hàng.
Nhà điều hành cửa hàng tiện lợi FamilyMart đã mở rộng sang 5 quốc gia Đông Nam Á và điều chỉnh dòng sản phẩm của mình cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu địa phương. Cơm nắm kiểu Nhật và bánh cá hầm đang được người tiêu dùng Malaysia ưa chuộng.