Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Omicron mang ác mộng trở lại với các nhà hàng Mỹ

Tình trạng thiếu hụt lao động và giá bán buôn tăng vọt đã cản đường phục hồi của các nhà hàng tại Mỹ. Biến thể Omicron tiếp tục giáng thêm đòn vào ngành công nghiệp này.

Theo CNN, công việc kinh doanh đã bắt đầu khởi sắc với Lido - một nhà hàng Italy ở Harlem, thành phố New York (Mỹ).

Nhà hàng 11 năm tuổi đã sống sót qua mùa xuân năm 2020, khi thành phố New York trở thành tâm chấn của cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Mỹ.

Lido phải đóng cửa rồi chuyển sang phục vụ ngoài trời. Nhà hàng thay đổi liên tục theo các quy tắc chống dịch, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc và những quy định về vaccine. Lido cũng chịu ảnh hưởng bởi tắc nghẽn chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, thiếu hụt lao động và nhiều thách thức khác.

Bien the Omicron anh 1

Các nhà hàng tại Mỹ phải liên tục thay đổi theo quy tắc chống dịch, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc và những quy định về vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: CNN.

"Ác mộng lặp lại"

Số lượng ca mắc mới của biến thể Omicron tăng vọt ở Mỹ khiến các doanh nghiệp lao đao, buộc chính quyền phải thắt chặt hạn chế vào thời điểm quan trọng của ngành giải trí và bán lẻ.

"Chúng tôi đã gần phục hồi hoàn toàn", bà Susannah Koteen - chủ sở hữu của Lido và 2 nhà hàng khác ở thành phố New York - nói với CNN.

Nhưng biến thể Omicron đã xuất hiện và hủy hoại cơ hội phục hồi hoàn toàn của Lido. "Khách hàng bắt đầu gọi điện tới để hủy đặt bàn", bà Koteen tiết lộ.

Khoảng 10 trên tổng số 70 nhân viên của nhà hàng đã dương tính với virus. Lido phải chật vật xoay xở vì thiếu nhân lực. Bà Koteen bắt đầu nghĩ đến việc đóng cửa vào tháng 1.

"Tôi phải có trách nhiệm với các nhân viên của mình. Tôi muốn trả lương cho họ, nhưng tôi cũng không muốn họ mắc bệnh", chủ sở hữu Lido chia sẻ. "Đó là một bài toàn khó với chúng tôi", bà thừa nhận.

Số ca nhiễm mới tăng mạnh đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn và những cơ sở kinh doanh khác. Tất cả đều đang chật vật tìm cách phục hồi sau đại dịch. Dịp nghỉ lễ đáng lẽ sẽ đem đến cơ hội kinh doanh tốt.

Nhiều chủ cửa hàng cảm thấy như "cơn ác mộng lặp lại". Họ phải chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 mới.

Bien the Omicron anh 2

Số ca nhiễm mới tăng vọt khiến các khách hàng e ngại hơn. Ảnh: Reuters.

Với sự xuất hiện của Omicron, người tiêu dùng có thể ngần ngại ghé các cửa hàng bách hóa, thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ cuối năm.

Tại Philadelphia, anh Phil Korshak đã buộc phải đóng cửa cửa hàng bánh mì vòng sau khi phát hiện một nhân viên dương tính với virus. Tất cả nhân viên còn lại đều từng tiếp xúc với ca nhiễm này.

Korshak Bagels - cửa hàng bánh mì vòng của anh Korshak - vẫn chưa được mở cửa trở lại. Anh hy vọng có thể hoạt động lại trong tuần này.

"Tôi phải đóng cửa cửa hàng vào đúng thời điểm có thể kiếm được nhiều nhất", anh than thở. Anh Korshak đã có tất cả kết quả xét nghiệm Covid-19 nhanh của các nhân viên. Tuy nhiên, anh lo rằng cửa hàng của mình sẽ phải đóng cửa trong suốt mùa đông.

Anh Korshak cho biết cửa hàng của anh có thể khó sống sót nếu tiếp tục phải đóng cửa.

Tâm lý e ngại

Đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, ngày lễ là khoảng thời gian quan trọng nhất trong năm. Ở ngành bán lẻ, doanh thu của các cửa hàng thường tăng vọt trong mùa mua sắm dịp lễ.

Khách hàng thường mua quà tặng cho người thân, bạn bè và đối tác. Những mặt hàng này có giá cao hơn so với bình thường. Các nhà hàng cũng đạt doanh thu tốt trong những ngày lễ.

90.000 nhà hàng - khoảng 14% nhà hàng ở Mỹ - đã đóng cửa vĩnh viễn trong đại dịch, theo Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia.

Theo ông Sean Kennedy - Phó chủ tịch của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, nhiều nhà hàng phải chật vật với tình trạng thiếu hụt lao động và giá bán buôn tăng mạnh. Giờ đây, niềm tin của người tiêu dùng cũng lao dốc vì số ca nhiễm virus mới tăng mạnh.

Thông thường, đây sẽ là thời điểm tuyệt vời để ra ngoài và mua sắm. Nhưng giờ, mọi thứ trở nên thật đáng buồn

Nicole Panettieri, chủ sở hữu của The Brass Owl

Theo dữ liệu từ OpenTable, trong tuần kết thúc vào ngày 20/12, số lượt khách tại các nhà hàng giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.

"Chắc chắn là chúng tôi đang nhận được nhiều lượt hủy hơn. Nhu cầu lao dốc vào thời điểm kinh doanh quan trọng của năm", ông Kennedy thừa nhận.

"Đó là một 'cơn bão lớn' đối với ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp như nhà hàng", ông bình luận.

Đối với cô Nicole Panettieri - chủ sở hữu của The Brass Owl, một cửa hàng quần áo, phụ kiện và quà tặng ở khu dân cư Astoria (thành phố New York), việc lấp đầy các kệ hàng từng là mối quan tâm lớn nhất trong dịp lễ. Nhưng giờ, nỗi lo ngại của cô là các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Tuần trước lễ Giáng sinh đáng lẽ sẽ là một trong những tuần bận rộn nhất năm. Tuy nhiên, cô Panettieri phải hủy một số sự kiện để tránh tụ tập đông người.

Tâm lý của người tiêu dùng cũng đã thay đổi. Cô dự đoán doanh thu sẽ sụt giảm do khách hàng ở nhà nhiều hơn. Điều này buộc cô Panettieri phải cắt giảm nhân viên và hàng bán.

"Thông thường, đây sẽ là thời điểm tuyệt vời để ra ngoài và mua sắm. Nhưng giờ, mọi thứ trở nên thật đáng buồn", cô than thở.

Omicron giáng thêm đòn vào ngành du lịch toàn cầu

Với biến thể virus mới, các hạn chế di chuyển và tâm lý lo ngại của hành khách có thể giáng thêm đòn vào ngành du lịch toàn cầu, vốn chưa phục hồi hoàn toàn vì đại dịch.

'Mây đen' bao phủ kinh tế toàn cầu

Dịch Covid-19 đang lan nhanh ở châu Âu, đe dọa các nền kinh tế trong khu vực. Nguy cơ dự luật 1.750 tỷ USD của Tổng thống Biden đổ vỡ cũng khiến triển vọng kinh tế trở nên mờ mịt.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm