Mỹ từng điều máy bay ném bom B-52 thách thức ADIZ của Trung Quốc lập trên biển Hoa Đông. Ảnh: Không quân Mỹ |
Trung Quốc ngày 13/7 phát hành Sách Trắng về các tranh chấp với Philippines ở Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố có quyền thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển này.
"Về việc Trung Quốc có lập ADIZ ở Hoa Nam (Biển Đông) hay không, đầu tiên chúng tôi cần phải nói rõ rằng Trung Quốc có quyền đó... Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thiết lập tùy thuộc vào mức độ đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt", Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân ngang nhiên nói với các phóng viên trong cuộc họp báo một ngày sau phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.
Vậy ADIZ là gì? Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động hàng không dân dụng khi bay qua vùng biển này.
Theo tạp chí Foreign Affairs, Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là vùng trời ngoài không phận đương nhiên do một quốc gia tự đặt ra. Bên thiết lập ADIZ yêu cầu mọi máy bay đi vào khu vực này đều phải nhận dạng, công khai vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó.
ADIZ của Trung Quốc (màu hồng) thiết lập ở biển Hoa Đông chồng lấn lên ADIZ của Nhật Bản (màu xanh), Hàn Quốc (xanh lá cây). Đồ họa: Wikipedia |
ADIZ không đồng nghĩa với không phận chủ quyền, nhưng được coi là khu vực song hành với an ninh quốc phòng. ADIZ hoạt động như một công cụ nhằm kiểm soát các máy bay nước ngoài hoạt động gần vùng tiếp giáp không phận.
Các máy bay đi ngang ADIZ phải tuân thủ các yêu cầu do quốc gia thiết lập đề ra, chẳng hạn như, nộp lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều với nước quản lý ADIZ, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định.
Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu khi bay vào ADIZ có thể phải chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng, buộc rời khỏi khu vực ngay lập tức hoặc những biện pháp chế tài khác.
Hoàn toàn đơn phương
Việc tuyên bố ADIZ là hoàn toàn đơn phương và không dựa trên căn cứ pháp lý quốc tế hay thương thuyết với nước láng giềng. Nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng không dân dụng đi qua vùng biển này.
Một số hãng hàng không không muốn phiền toái với Bắc Kinh có thể nộp lộ trình bay, đồng nghĩa với việc công nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển này.
Điển hình là trường hợp Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào năm 2013 bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản bác bỏ tính hợp pháp của vùng nhận dạng này, nhưng Tân Hoa Xã ngày 4/12/2013 đưa tin, 19 nước và 3 vùng lãnh thổ đã nộp thông báo bay cho Trung Quốc khi bay qua ADIZ ở biển Hoa Đông.
TQ không có chủ quyền với các đảo ở Biển Đông
Tuy nhiên, Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp đối với các đảo trên Biển Đông nên không có cơ sở để thiết lập ADIZ trên vùng biển này. Do việc thiết lập ADIZ là đơn phương, nên các quốc gia có quyền bác bỏ tính hợp pháp của ADIZ đó.
Ví dụ năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên Hoa Đông, nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bác bỏ, thậm chí Washington còn điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua nhằm thách thức tính hợp pháp của nó.
Mỹ là quốc gia đầu tiên thiết lập ADIZ vào năm 1950 nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ từ Liên Xô những năm Chiến tranh Lạnh. Mỹ có 5 ADIZ nằm dưới sự điều phối của Bộ chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ. Khoảng 20 nước trên thế giới thiết lập ADIZ.