"Về việc Trung Quốc có lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Hoa Nam (Biển Đông) hay không, đầu tiên chúng tôi cần phải nói rõ rằng Trung Quốc có quyền đó... Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thiết lập tùy thuộc vào mức độ đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt", Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân nói với các phóng viên trong cuộc họp báo một ngày sau phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.
Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc cũng công bố Sách Trắng với tiêu đề "Trung Quốc kiên quyết giải quyết tranh chấp với Philippines ở Nam Hải (Biển Đông) thông qua đàm phán". Trong Sách Trắng, Trung Quốc vẫn ngang nhiên nói rằng nước này có chủ quyền với các đảo ở Biển Đông để đáp lại phán quyết của tòa rằng Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của nước khác tại Vùng Đặc quyền kinh tế thông qua các biện pháp như ngăn chặn tàu đánh cá và tàu thăm dò, xây dựng đảo nhân tạo...
Sách Trắng của Trung Quốc cũng nói rằng việc Philippines đơn phương khởi xướng vụ kiện là một "hành động ác ý" và nói thêm rằng Trung Quốc sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tham gia cuộc họp báo sáng nay. Ảnh: China.com.cn |
Trước khi tòa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện, giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giống cách họ đã thực hiện trên biển Hoa Đông trong tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể trở thành bàn đạp để nước này thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Đồ họa: WSJ |
Trước đó, theo Tạp chí Quốc phòng Kanwa của Canada, Trung Quốc đã xác định khu vực lập ADIZ ở Biển Đông và thời điểm công bố sẽ là một quyết định chính trị. Cụ thể, ADIZ của Trung Quốc sẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 7 đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi lấp trên các thực thể chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tờ Kanwa nhận định: “ADIZ của Trung Quốc sẽ bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia”. Trong khi đó, Ni Lexiong, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc, cũng cho rằng 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là cơ sở để Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Báo Quân đội Trung Quốc: Sẽ bảo vệ quyền lợi hàng hải
Cũng trong ngày 13/7, đáp lại phán quyết của PCA, Báo Quân Giải phóng Trung Quốc công bố bài báo của một nhà bình luận với tiêu đề: “Đừng bao giờ mong đợi dùng một phán quyết phi pháp để tước bỏ chủ quyền của Trung Quốc”.
Bài báo khẳng định không chấp nhận phán quyết của trọng tài, quân đội Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình. Nước này không lo sợ trước bất cứ sự hoan hỷ đắc thắng nào của ai. Tất cả mọi ý đồ xâm hại đến chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc đều chỉ là mơ tưởng.
Bài báo này còn chỉ trích rằng phán quyết này của PCA tạo ra một màn hài kịch làm cho tình hình cả thế giới và khu vực bị xáo trộn, loạn lạc.
Trong khi đó, Hoàn cầu Thời báo - phụ san báo đảng của Trung Quốc, cũng đăng bài xã luận ngang ngược viết rằng đây là phán quyết không bình đẳng, làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Tờ này cho rằng đây là sự phủ nhận đối với chủ quyền biển đảo cũng như lịch sử hình thành lãnh thổ của Trung Quốc này trên biển Đông.
Tờ này còn ngang ngược nói thêm rằng: Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tuân theo "quy tắc", nhưng trên thế giới này, "quy tắc" ấy đã xuất hiện từ khi nào vậy?” (hàm ý rằng quy tắc xuất hiện sau này).
Hoàn Cầu Thời báo cũng chỉ trích rằng UNCLOS không phù hợp để điều chỉnh chủ quyền lãnh thổ. Tờ báo thậm chí gọi phán quyết là “trang giấy rác.”
Truyền thông Trung Quốc ngoan cố
Trong khi đó, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc, công khai cho rằng, "thế lực ngầm" phía sau vụ kiện của Philippines lần này chính là nước Mỹ. "Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết bằng biện pháp đàm phán song phương. Tuy nhiên, Mỹ lại từ ngoài can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia giữa hai nước, lấy luật pháp quốc tế làm cái cớ để gây tổn hại đến uy tín của Trung Quốc", Tân Hoa Xã viết.
Tờ báo này cho rằng vụ việc lần này nằm trong tính toán và kế hoạch của Mỹ vì nước này luôn "âm mưu nắm quyền bá chủ và kiểm soát khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông.
Trong cuộc gặp gỡ với chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu ngày 12/7, ông Tập trắng trợn nhấn mạnh rằng từ cổ chí kim, các đảo tại biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Cũng trong khuôn khổ của cuộc trao đổi này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn quan tâm và nỗ lực duy trì sự hòa bình và ổn định của biển Đông.” Tuy nhiên, từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ ngoại giao nước này thì vẫn ngoan cố khẳng định: “Bản chất phán quyết trọng tài chỉ là một lớp vỏ pháp lý che đậy một trò hề chính trị”.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.
Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".