Nhận định nhanh sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, thạc sĩ Hoàng Việt (Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) phân tích những ý nghĩa quan trọng từ phán quyết và các ảnh hưởng có lợi đối với những nước nhỏ liên quan trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông :
- Xin ông giải thích thêm ý nghĩa và tầm quan trọng của từng nội dung trong phán quyết mà Tòa án Trọng tài Thường trực vừa đưa ra?
- Phán quyết của PCA là một tập tài liệu gần 500 trang. Hiện tại, dựa trên nội dung tóm tắt vừa được công bố, chúng ta thấy có những điểm nội dung quan trọng như sau:
Nội dung đầu tiên là về cái gọi là quyền lịch sử và đường 9 đoạn (hay đường lưỡi bò) do Trung Quốc tự vạch ra. Về quyền lịch sử, tòa án nêu rõ là công ước UNCLOS có quy định bảo vệ những quyền lịch sử đã tồn tại từ trước khi công ước được xây dựng.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở rộng quyền lịch sử đối với các tài nguyên trên những vùng nước thuộc Biển Đông, đặc biệt đối với những vùng đặc quyền kinh tế được quy định theo công ước, là việc làm không đúng và phải xem xét lại.
Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt. Ảnh: Hcmulaw |
Cơ sở quan trọng chính là Trung Quốc không có bằng chứng. Như vậy, cho dù các ngư dân, thủy thủ Trung Quốc (và kể cả ngư dân những nước khác) trong quá khứ từng đến các đảo và thực thi một số hoạt động trên Biển Đông, nhưng không có bằng chứng để chứng minh Bắc Kinh có quyền kiểm soát đối với các vùng nước và tài nguyên ở đây; thì tòa đã phán quyết là không có cơ sở pháp lý nào về tuyên bố quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường chín đoạn.
Rõ ràng, điều quan trọng là phán quyết của tòa đã bác bỏ cái gọi là yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, cho rằng nó không có cơ sở pháp lý nào. Nội dung này cũng chính là tâm điểm được chú ý trong phiên tòa.
Nội dung thứ 2 là các quy chế pháp lý về những cấu trúc trên Biển Đông. PCA đã phán quyết rằng các đảo đã được bồi đắp sẽ không còn mang tính chất tự nhiên nữa. Tòa án nhận định tất cả các đảo nhân tạo ở Trường Sa đều không thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép đã làm thay đổi hình dạng, nhưng bản chất tự nhiên vốn có của nó thì không thay đổi. Tòa án khi ra quyết định đã xem xét dựa trên những đặc điểm tự nhiên đầu tiên của các cấu trúc này, chứ không phải dựa trên những diễn biến hiện tại.
Việc tòa khẳng định 7 bãi đá trên không thể có vùng EEZ quanh nó có ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc có nhiều cách để củng cố tuyên bố đường lưỡi bò của họ, mà một trong những lý do của nước này là việc đang kiểm soát những cấu trúc này, có chủ quyền, nên vùng đặc quyền kinh tế cũng sẽ mở rộng ra. Cho nên, phán quyết của tòa đã bác bỏ cách lập luận này.
Nội dung thứ 3 là tòa án tuyên bố một số hành vi của Trung Quốc là trái pháp luật. Theo PCA, những hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough đã vi phạm quyền chủ quyền Philippines. Điều này thể hiện qua việc lực lượng hành pháp Trung Quốc cản trở những hoạt động đánh bắt hải sản và thăm dò dầu khí của Philippines trong khu vực này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn xây dựng các cấu trúc ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bắc Kinh thậm chí cũng không ngăn cản ngư dân nước này đánh bắt trong vùng biển của Philippines. Tòa án đã khẳng định đây đều là những việc làm trái luật.
Nội dung kế đến là những ảnh hưởng đến môi trường biển từ các hoạt động của Trung Quốc. Tòa án nhận định việc Trung Quốc biến đổi và xây dựng 7 cấu trúc ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển của các rạn san hô, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn hệ thống sinh thái, sinh vật biển.
Người dân Philippines hoan nghênh phán quyết của tòa PCA. Ảnh: Reuters |
- Phán quyết này tạo ra tiền đề thuận lợi nào cho các nước nhỏ, về việc sử dụng cơ quan trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp; và những cơ sở có lợi đối với Việt Nam?
- Phán quyết về vụ kiện của Philippines có nhiều ý nghĩa có lợi đối với Việt Nam, mở ra những hướng mới. Trước đây, vấn đề tranh chấp Biển Đông gặp bế tắc về giải pháp pháp lý.
Trước thềm phán quyết, nhiều ý kiến còn lo ngại rằng tòa sẽ né tránh nhiều vấn đề. Nhưng kết quả là PCA đều đã giải quyết những nội dung cơ bản và quan trọng nhất.
Điều này cho thấy các quốc gia cũng đang có tranh chấp cũng sẽ được hưởng lợi. Dù phán quyết không có ý nghĩa ràng buộc với bên thứ 3, nó rõ ràng tạo thành tiền lệ.
Nếu những quốc gia trong khu vực có tranh chấp tương tự, như Việt Nam, quyết định đưa vấn đề này ra tòa trọng tài, thì tòa án chắc chắn không thể ra một phán quyết khác với phán quyết lần này.
Nội dung quan trọng nhất là đường lưỡi bò đã bị tuyên bố là không có cơ sở pháp lý nào. Đây là điều có lợi đối với Việt Nam do chúng ta cũng bị ảnh hưởng từ đường lưỡi bò khi nó lấn sâu vào vùng biển của chúng ta.
Việc Trung Quốc xây 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa không được tòa án công nhận, nên nó không được có vùng EEZ. Điều này thu hẹp lại vùng tranh chấp, khiến Trung Quốc không thể mở rộng các tranh chấp hay quyền của họ về mặt pháp lý.
Đường lưỡi bò của Trung Quốc bị tuyên bố vô giá trị, không có cơ sở pháp lý. Ảnh: Viettimes |
- Sau khi PCA ra phán quyết, các bên liên quan sẽ hành động tiếp theo như thế nào?
- Tòa án đã khẳng định rõ, đây là phán quyết cuối cùng và sẽ không có phúc thẩm. Tuy nhiên, tòa án không có cơ chế để thực thi phán quyết.
Điều quan trọng nhất là chúng ta đã có một cơ sở pháp lý quan trọng, và cộng đồng quốc tế sẽ có những cách để thực thi nó. Không nhất thiết phải dùng đến vũ lực mới buộc bên nào phải tuân thủ; mà có thể là những biện pháp như gây sức ép kinh tế, chính trị... từ các cường quốc và tổ chức như Mỹ, Liên minh châu Âu... Điều này buộc các quốc gia phải tuân thủ luật chơi quốc tế.
- Trung Quốc sẽ leo thang phản ứng ra sao?
- Nhiều chuyên gia đã dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng trước một phán quyết bất lợi cho nước này. Theo tôi, ít nhất có 3 hướng mà Trung Quốc sẽ phản ứng. Khả năng thứ 1 là Bắc Kinh sẽ chỉ phản ứng suông chứ không có hành động nào, đây là một kịch bản lạc quan.
Khả năng thứ 2, Trung Quốc sẽ gây áp lực lên các nước khác, tăng cường sự hiện diện, thậm chí tiến hành bồi lấp và xây dựng ở bãi Scarborough. Trung Quốc cũng có thể tăng cường hiện diện ở Bãi Cỏ Mây, chiếm quyền kiểm soát nơi này và đẩy Philippines ra.
Khả năng thứ 3, Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, bao trùm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là điều mà cộng đồng quốc tế đã dự đoán, nhưng chúng ta vẫn cần phải theo dõi thêm.
Cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng "điên cuồng" trên mọi mặt trận, về mặt pháp lý và các hành động trên thực địa...
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược & phát triển quốc tế (CSSD) nhận định: "Ý nghĩa lịch sử của phán quyết là một tòa án quốc tế đã bác bỏ những cơ sở mà Trung Quốc luôn dựa vào để đưa ra các lập luận và hành động ở Biển Đông từ trước đến nay. Phán quyết không chỉ giải quyết vấn đề cho riêng Philippines là bên nguyên đơn, mà liên quan đến toàn bộ cuộc tranh chấp ở Biển Đông. PCA tập trung vào những vấn đề quan trọng và có lợi cho Philippines, nhưng thực chất cũng có lợi cho các nước nhỏ liên quan như Malaysia, Việt Nam và Brunei. Điểm có lợi nhất cho cuộc đấu tranh chung ở Biển Đông chính là tòa đã bác bỏ các quyền lịch sử và giá trị đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra".