Ngày 12/7, Tòa Trọng tài ở La Haye, Hà Lan, sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một trong các nội dung Manila kiện Bắc Kinh là yêu sách đường lưỡi bò, bao trọn hơn 80% diện tích Biển Đông, tương đương 3,6 triệu km2. Bloomberg đưa ra các dự đoán về phản ứng mà Trung Quốc có thể tiến hành.
Hoạt động bồi lấp quy mô của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Cho đến nay, Bắc Kinh luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa. Hạn chế của toà Tòa Trọng tài cũng là không có cơ chế cưỡng chế như Tòa hình sự Quốc tế.
Nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ gây nhiều tác động tới tranh chấp ở biển Đông cũng như đối với cách hành xử của Trung Quốc. Đáp trả lại phán quyết, Bắc Kinh có thể có những phản ứng khác nhau tùy vào mức độ phán quyết của tòa.
Phản ứng nhẹ
Đối mặt với chủ nghĩa dân tộc trong nội bộ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ dùng những từ ngữ mạnh mẽ để bác bỏ thẩm quyền của tòa cũng như tuyên bố không tuân thủ phán quyết.
Tăng cường chiến dịch truyền thông và công bố tên 60 quốc gia ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông mà nước này rêu rao từ trước.
Tuy nhiên, trên thực địa, Trung Quốc có thể giảm căng thẳng thông qua giảm quấy rối ngư dân các nước đánh cá ngoài biển. Bắc Kinh cũng có thể giảm xây dựng thêm căn cứ quân sự mới hoặc bồi đắp các thực thể chìm dưới nước ở Biển Đông.
Quân đội Trung Quốc có thể sẽ dừng các phát sóng điện đàm yêu cầu máy bay quân sự nước ngoài rời khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua con đường ngoại giao như kêu gọi tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đàm phán song phương.
Tác động: Việc có những bước đi làm giảm căng thẳng giúp các quốc gia tuyên bố chủ quyền gác lại tranh chấp để bắt đầu đàm phán tìm giải pháp cùng khai thác chung các nguồn tài nguyên.
Phản ứng trung bình
Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, buộc máy bay thương mại và máy bay quân sự thông báo kế hoạch bay cho Trung Quốc. Bắc Kinh từng tuyên bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông trong năm 2013, thời điểm căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản leo thang mạnh mẽ. Tuy nhiên, Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn trong triển khai và áp đặt ADIZ trên biển Hoa Đông. Trong khi đó, Mỹ có thể phớt lờ ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chiến hạm Trung Quốc bắn tên lửa trên biển. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Ngoài ra, Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động tuần tra của lực lượng Hải cảnh và Hải quân, đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn, quấy phá tàu cá nước ngoài hoạt động ở Biển Đông và phong tỏa tàu BRP Sierra Madre, chiến hạm cũ của Hải quân Philippines mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây, nơi một nhóm binh sĩ Philippines đang đồn trú.
Một khả năng nữa là Trung Quốc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và không thừa nhận sự ràng buộc của luật pháp quốc tế khi nó xung đột với lợi ích của Bắc Kinh.
Những hành động của Trung Quốc chưa quá nghiêm trọng để dẫn tới phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, quốc gia tình nguyện đảm trách vai trò giám sát thực thi pháp luật giữa các nước. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ sẽ đẩy mạnh các cuộc tuần tra quân sự, có thể kết hợp với hải quân nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tháng 6 kêu gọi các cuộc tuần tra chung của các nước châu Âu ở các vùng biển châu Á.
Hành động căng thẳng
Trung Quốc có thể bắt đầu các hoạt động bồi lấp bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm đóng của Philippines năm 2012. Với căn cứ quân sự trên thực thể địa lý này, radar, tên lửa hoặc chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể theo dõi, tấn công thủ đô Manila của Philippines cũng như các căn cứ quân sự khác mà Mỹ đang sử dụng.
Biện pháp nữa là kéo tàu Sierra Madre ra khỏi vị trí nó đang mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây như đề xuất trên tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc trong bài xã luận hồi tháng 6.
Công bố tọa độ chính xác của đường lưỡi bò, chính thức biến nó thành đường biên giới lãnh thổ, đồng thời củng cố chủ quyền với toàn bộ vùng nước, tài nguyên và các thực thể địa lý nằm trong đường 9 đoạn.
Tác động: Mỹ sẽ bị đẩy vào tình thế khó khăn. Trong tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tái khẳng định mối quan hệ đồng minh thân thiết với Philippines đồng thời tuyên bố hành động nếu Trung Quốc bồi lấp bãi Cạn Scarborough. Tuy nhiên, Mỹ đang sa lầy ở nhiều nơi trên thế giới, như chiến trường Syria, nên Washington có thể không quá mặn mà với những xung đột nằm cách họ nửa vòng trái đất.
Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nhấn mạnh: “Mỹ có thể phải đưa ra ‘lựa chọn tai hại’ là xuống nước và thừa nhận thế lực ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc kèm theo sự suy giảm ảnh hưởng cường quốc số 1 của Mỹ hoặc châm ngòi cuộc đụng độ vũ trang có thể biến thành chiến tranh toàn diện”.