Tối 12/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố áp đặt trở lại một số biện pháp phong tỏa để phòng dịch Covid-19 bắt đầu từ 13/11. Đây là quốc gia Tây Âu đầu tiên phải sử dụng lệnh phong tỏa kể từ mùa hè vừa qua.
Theo đó, các quán bar, nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trước 20h. Các sự kiện thể thao phải diễn ra mà không có khán giả, trong khi người dân được khuyến khích làm việc tại nhà.
Trước khi lệnh tái phong tỏa được áp đặt, thành phố Utrecht cũng đã hủy bỏ lễ hội đón ông già Noel thường niên với sự tham gia của hàng chục nghìn người.
Quyết định của Hà Lan bộc lộ thế lưỡng nan của nhiều nước châu Âu trước làn sóng dịch mới. Lệnh phong tỏa là điều không ai mong muốn, nhưng đôi khi đây là biện pháp bắt buộc để kiềm chế dịch bệnh.
Nguy cơ mới
Các nước Tây Âu vẫn đang phân vân về việc có áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế hay không. Bên cạnh Hà Lan, các nghị sĩ Đức cũng đang soạn thảo một dự luật với các biện pháp chống dịch mới. Tuy vậy, nước này vẫn chưa có ý định phong tỏa trở lại. Theo Viện Robert Koch (RKI), Đức ghi nhận kỷ lục hơn 50.000 trường hợp vào ngày 11/11.
Tại Áo, Thủ tướng Alexander Schallenberg cho biết việc áp dụng biện pháp phong tỏa với người chưa tiêm vaccine “có khả năng trở nên không thể tránh được”. Bang Oberösterreich, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, đã lên kế hoạch thực hiện các biện pháp này kể từ ngày 15/11.
Nhiều nước châu Âu đã bãi bỏ quy định buộc đeo khẩu trang ngoài trời khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt mức cao. Ảnh: AP. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu tăng 10% trong tuần qua. Một quan chức của WHO tuyên bố châu Âu một lần nữa trở thành “tâm dịch của thế giới”.
10 nước trong Liên minh châu Âu (EU) - gồm tổng cộng 27 nước thành viên - đang đối mặt với tình trạng dịch Covid-19 “lo ngại cao”, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật châu Âu (ECDC) cho biết hôm 12/11, đồng thời cảnh báo tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu hơn trên toàn lục địa, theo AFP.
Bỉ, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan và Slovenia đang ở mức lo ngại cao nhất, theo đánh giá rủi ro mới nhất của ECDC.
Phần lớn nguyên nhân đến từ đợt dịch ở Nga và Đông Âu - nơi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Tuy vậy, một số nước Tây Âu như Đức và Anh cũng đang nằm trong danh sách quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới.
Tất cả quốc gia Tây Âu đều đạt tỷ lệ tiêm vaccine trên 60%. Con số này còn cao hơn nhiều ở một số nước như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. Tuy vậy, số người chưa được bảo vệ vẫn không hề nhỏ.
Tiến sĩ Bharat Pankhania tại Đại học Exeter, Anh nhận định làn sóng dịch hiện nay đến từ việc nhiều người chưa tiêm vaccine và nới lỏng các biện pháp hạn chế, cũng như sự suy giảm miễn dịch ở những người được tiêm từ nhiều tháng trước.
Nhờ vaccine, các bệnh viện không phải chịu áp lực lớn như trước. Theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins, tỷ lệ tử vong ở châu Âu còn thua xa Mỹ. Tuy vậy, nhiều cơ sở vẫn gặp khó khăn khi số ca bệnh gia tăng.
“Chúng ta đang trong tình huống khẩn cấp”, tiến sĩ Christian Drosten, trưởng khoa virus của Bệnh viện Charite, Berlin, nói.
Bệnh viện của tiến sĩ Drosten phải hủy bỏ một số cuộc phẫu thuật. Cách đó gần 600 km, Bệnh viện Đại học Dusseldorf cũng đã hết giường chăm sóc đặc biệt (ICU). Một số cơ sở y tế khác không thiếu giường bệnh, nhưng thiếu nhân viên y tế trầm trọng.
Các biện pháp khác
Theo tiến sĩ Drosten, Đức cần nhanh chóng nâng tỷ lệ tiêm chủng, hiện mới đạt 67%. Tuy vậy, giới chức Đức không muốn buộc người dân tiêm vaccine hay phong tỏa diện rộng. Thay vào đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn muốn siết chặt việc kiểm soát hộ chiếu vaccine.
“Trong một ngày ở Rome (Italy), tôi bị kiểm tra hộ chiếu vaccine nhiều hơn 4 tuần ở Đức. Do đó, tôi nghĩ chúng ta còn nhiều điều có thể làm”, ông Spahn nói.
Một số bệnh viện tại Đức đã bắt đầu chịu áp lực từ việc thiếu giường bệnh hay nhân viên y tế. Ảnh: New York Times. |
Nhiều quốc gia vẫn đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa. Họ lo ngại các biện pháp này có thể gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, sức khỏe tinh thần của người dân cũng như việc học hành của trẻ em.
Một số chuyên gia nhận định điều này có thể đạt được. Tuy vậy, không thể loại bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế. Tỷ lệ tiêm chủng cũng cần được nâng cao.
“Tôi nghĩ thời kỳ mà mọi người phải ở trong nhà đã qua. Chúng ta có các công cụ để kiểm soát Covid-19 – từ xét nghiệm, vaccine đến điều trị”, giáo sư Devi Sridhar, lãnh đạo bộ phận y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, Anh, dự báo. “Do đó, tôi hy vọng mọi người sẽ làm những điều cần làm như đeo khẩu trang”.
Tại Anh, nơi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ tháng 7, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nước này “có thể sống chung với virus”. Ông cho biết chính phủ Anh sẽ chỉ áp đặt các biện pháp hạn chế nếu hệ thống y tế chịu áp lực tới mức “không chịu đựng nổi”.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, nơi có tỷ lệ tiêm chủng trên 80%, lại là ví dụ về cách đại dịch được kiểm soát. Dù lệnh buộc đeo khẩu trang ngoài trời đã được dỡ bỏ, nhiều người vẫn tự giác thực hiện. “Virus không thể vượt qua chúng ta một lần nữa nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao”, giáo sư Rafael Bengoa, một trong những chuyên gia y tế hàng đầu Tây Ban Nha, nhận xét.
Trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng, nhiều nước đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ miễn dịch. Đức dự định mở lại các trung tâm tiêm chủng trên khắp đất nước. Pháp và Italy triển khai tiêm vaccine mũi ba, cũng như kêu gọi người dân đi tiêm.
“Để thực sự kiểm soát được virus, chiến lược đặt ra cần có nhiều lớp: Tránh tập trung đông người, tránh những nơi thông gió kém, được miễn dịch và đeo khẩu trang”, tiến sĩ Pankhania nói.