Một năm về trước, diễn biến của đại dịch đã thay đổi nhờ việc phát triển thành công những loại vaccine đầu tiên an toàn và hiệu quả chống lại Covid-19.
Ngày nay, sau khi sử dụng 7,3 tỷ liều và ngăn ngừa vô số trường hợp tử vong, con người có nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết để chứng minh rằng tiếp tục tăng cường tiêm chủng là điều đúng đắn, Bloomberg nhận định.
Trong khi cả châu Âu chứng kiến thách thức đến từ khả năng miễn dịch suy giảm cùng việc dỡ bỏ các hạn chế, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp lại liên tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bùng phát dịch mới.
Khi biến chủng Delta lây lan nhanh chóng, châu lục này đang phải trải qua 2 trận "đại dịch" khác nhau.
Hai thế giới
Khả năng miễn dịch suy giảm là mối đe dọa to lớn với các quốc gia.
Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Tây Ban Nha hoặc Đan Mạch - nơi gần 100% người trên 60 tuổi được tiêm vaccine đầy đủ - đang tập trung tiêm nhắc lại. Bất chấp ý kiến phản đối, các biện pháp như thẻ xanh hay nhân viên y tế bắt buộc phải tiêm phòng đã được thông qua hoặc bắt đầu áp dụng.
Hôm 9/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thẻ xanh Covid-19 của nước này sẽ yêu cầu mũi tiêm thứ 3 cho người cao tuổi.
Theo giáo sư Lone Simonsen của Đại học Roskilde, những quốc gia này có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới - một điều kiện "xa xỉ" trong hiện tại, vậy nên họ chỉ cần thực hiện những điều chỉnh nhỏ, chẳng hạn như yêu cầu đeo khẩu trang, để tránh phong tỏa trở lại với quy mô giống năm 2020.
Bulgaria là một trong những quốc gia có số người chết vì Covid-19 trên tổng số dân cao nhất trên thế giới. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, nhìn về phía đông châu Âu, có dấu hiệu cho thấy khu vực này đang trải qua "đại dịch của những người chưa được tiêm chủng". Tỷ lệ chủng ngừa ở các nước Đông Âu thấp hơn rất nhiều.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Bulgaria và Romania, với số dân khoảng 26 triệu người, mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho lần lượt 22,6% và 33,7% dân số - trong khi mức độ bao phủ vaccine ở người cao tuổi cũng thấp.
Con số trên thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 67,4%, và so cả với những bang có tỷ lệ tiêm thấp nhất nước Mỹ.
Đó là lý do mà mà hai quốc gia này có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 lên tới hơn 20/1 triệu người mỗi ngày, trong đó có Romania là một trong những nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Latvia - với 55,6% dân số chủng ngừa đầy đủ - đã phải phong tỏa trở lại để kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh.
Dữ liệu cũng cho thấy lục địa đang phân chia thành 2 nửa rõ rệt khi nhắc tới số ca bệnh nặng và nhập viện.
Bloomberg đã so sánh Đan Mạch và Bulgaria - hai quốc gia có số dân gần như tương đồng. Cả hai quốc gia đều báo cáo hàng nghìn trường hợp mắc mới mỗi ngày, nhưng số bệnh nhân nhập viện ở Bulgaria là khoảng 4.000, so với vài trăm ở Đan Mạch.
Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ tử vong của Đan Mạch chỉ bằng một phần nhỏ của Bulgaria.
Thách thức của cả châu lục
Nguồn cung vaccine chắc chắn không phải là vấn đề. Châu Âu đang "bơi" trong vaccine khi công ty dữ liệu Airfinity ước tính có khoảng 282 triệu liều chưa được sử dụng ở khu vực này vào năm 2021.
Thách thức đặt ra chính là sự do dự với vaccine của người dân, như các thuyết âm mưu, lo sợ tác dụng phụ và không tin tưởng vào chính quyền.
Một cuộc khảo sát đối với những người chưa tiêm phòng ở 8 quốc gia châu Âu trong tháng 4-7 cho thấy chỉ có 5,5% dân số trưởng thành ở Tây Ban Nha do dự khi tiêm vaccine, nhưng con số này là 50,9% ở Bulgaria.
Ở Romania, nơi các nhân vật tôn giáo và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã khuyến khích việc từ chối tiêm vaccine, chính phủ đã phải tặng hoặc bán bớt vaccine cho các quốc gia khác.
“Tin tức giả mạo có ảnh hưởng rất lớn”, một đại tá người Romania nói với New York Times. Không có phép màu nào có thể khắc phục tình trạng thiếu niềm tin và sự nghi ngờ hướng tới chính quyền, nhưng tận dụng tốt mạng xã hội và mạng lưới y tế cộng cộng có thể hiệu quả trong việc khuyến khích người dân đi tiêm chủng, Bloomberg nhận định.
Cảnh sát Pháp kiểm tra hộ chiếu vaccine của khách hàng tại một quán cà phê. Ảnh: AFP. |
Tây Âu cũng không nên đánh giá thấp thách thức từ Covid-19 khi các thành phố dần đông đúc, nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng và ít người đeo khẩu trang hơn. Các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine trung bình không thể để cho số ca bệnh tăng cao.
Theo Daniel Lopez Acuna thuộc Trường Y tế Công cộng Andalucia, việc để tỷ lệ lây nhiễm tăng cao có thể khiến các bệnh viện quá tải vì nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực. Tại Pháp, Tổng thống Macron đã cam kết đầu tư vào bệnh viện và thuê thêm nhân viên bằng cách trả lương cao hơn.
Gần hai tháng sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều tại châu lục này là "đáng lo ngại", các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào khoảng cách tiếp tục nới rộng với những quốc gia Đông Âu.
Thật không thể tưởng tượng được rằng một năm sau khi vaccine xuất hiện, một trong những yếu tố mạnh mẽ nhất khuyến khích mọi người xếp hàng đi tiêm là khi họ chứng kiến tỷ lệ tử vong trong khu vực tăng lên.
Cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc.