Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ác mộng' cách ly 3 tháng ròng khi từ Mỹ về thăm nhà ở Trung Quốc

Người đàn ông về Trung Quốc thăm cha mẹ dịp Tết Nguyên đán đã phải trải qua các đợt cách ly liên tiếp kéo dài 3 tháng. Người này cuối cùng rời đi mà không có cơ hội về nhà.

Trước khi lên máy bay từ Los Angeles trở về Quảng Châu, Xue Liangquan biết phía trước sẽ là một hành trình không dễ dàng.

Đã 2 năm, do đại dịch Covid-19, Xue chưa được gặp cha mẹ. Để có thể về thăm phụ mẫu đang sống ở tỉnh Sơn Đông cho kịp Tết Âm lịch, Xue chi 7.600 USD mua vé máy bay.

Để đủ điều kiện cất cánh, Xue nộp giấy xét nghiệm âm tính, và theo kế hoạch sẽ trải qua 3 tuần cách ly trước khi được tự do về nhà. Nhưng mọi tính toán của người đàn ông đã hoàn toàn đổ vỡ, theo New York Times.

covid-19 trung quoc anh 1

Xue Liangquan trong thời gian ở Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Hành trình bão táp

Xue sinh ra ở Trung Quốc. 7 năm trước, người đàn ông chuyển tới Mỹ. Tại xứ cờ hoa, Xue trở thành luật sư và lập ra một văn phòng luật của riêng mình.

Chuyến hành trình bão táp của Xue bắt đầu hôm 2/1. Với giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính, Xue lên máy bay từ Los Angeles. Khi hạ cánh tại Quảng Châu, người đàn ông làm thêm một xét nghiệm nữa và được chuyển tới khách sạn cách ly.

Phòng khách sạn của Xue tiện nghi một cách bất ngờ, thậm chí có cả bể sục nước nóng. Khi đó, Xue nghĩ rằng vài tuần cách ly sẽ chỉ như một kỳ nghỉ.

Nhưng mọi sự nhanh chóng xấu đi. Xue được thông báo xét nghiệm ở sân bay của mình có kết quả dương tính. Người đàn ông bị đưa tới bệnh viện trên xe cấp cứu, trong bộ đồ bảo hộ kín toàn thân.

"Những gì tôi có thể nhìn thấy là những giọt mồ hôi túa ra không ngừng", Xue nhớ lại chuyến đi tới bệnh viện đầu tiên.

Bốn tuần tiếp theo, Xue bị cách ly trong bệnh viện, cùng phòng với vị luật sư là hai bệnh nhân khác. Mỗi ngày, Xue trò chuyện qua video với cha mẹ, trấn an họ rằng bản thân anh chỉ có triệu chứng nhẹ. Thời gian này, người đàn ông tiếp tục xử lý công việc của văn phòng luật tại Mỹ.

covid-19 trung quoc anh 2

Một bệnh viện nơi Xue bị cách ly. Ảnh: New York Times.

Tối 31/1, đêm giao thừa theo Âm lịch, thay vì quây quần bên cha mẹ như dự liệu ban đầu, Xue chỉ có thể theo dõi chương trình Gala chào xuân của CCTV trên máy tính bảng.

Xue nói anh không giao tiếp nhiều với hai bệnh nhân cùng phòng. Có lẽ, tình cảnh éo le trong phòng bệnh khiến những người này không có hứng để giao lưu, Xue kể lại.

"Lúc đầu, tôi cảm thấy rất buồn. Những gì có thể làm khi đó là chấp nhận thực tế, sắp xếp cuộc sống mỗi ngày sao cho bản thân thoải mái nhất", Xue cho biết.

Ngày 1/2, Xue được xuất viện, nhưng lập tức bị đưa tới một bệnh viện khác để theo dõi y tế trong vòng 2 tuần đối với bệnh nhân hồi phục sau Covid-19.

Cay đắng rời Trung Quốc

Sau khi hoàn thành 14 ngày theo dõi, Xue lần đầu được tự do. Bởi quy định về cách ly ở Sơn Đông quá nghiêm ngặt, Xue đành từ bỏ kế hoạch về thăm cha mẹ, thay vào đó Xue tới thăm họ hàng ở Thượng Hải. Tại sân bay, Xue phải làm thêm một xét nghiệm nữa, kết quả lần này là âm tính.

Nhưng thời gian vui vẻ ở quê nhà của Xue chỉ kéo dài 2 ngày. Đến 19/2, cơ quan ý tế Quảng Châu thông báo với Xue rằng khi rời khỏi bệnh viện theo dõi y tế, anh đã đi chung xe với một người mắc Covid-19. Xue trở thành người tiếp xúc gần và phải tiếp tục cách ly 14 ngày ở khách sạn.

Vận rủi vẫn chưa buông tha Xue. Đến 6/3, ngày cuối cùng của thời gian cách ly, Xue nhận được thông báo kết quả xét nghiệm của anh là dương tính. Xue yêu cầu nhà chức trách y tế cung cấp bằng chứng, nhưng không ai đáp lại.

"Điều khó chịu nhất là sự mơ hồ tôi phải đối diện. Mỗi khi tôi nghĩ sắp kết thúc cách ly, sắp được tự do, cơn ác mộng lại quay trở lại", Xue nói.

covid-19 trung quoc anh 3

Thượng Hải đang trong thời gian phong tỏa. Ảnh: AFP.

Sau kết quả dương tính lần hai, Xue tiếp tục trải qua 2 tuần điều trị ở bệnh viện và 2 tuần cách ly theo dõi.

Đến 31/3, Xue được tự do. Quá mệt mỏi bởi những rắc rối trong suốt 3 tháng, Xue từ bỏ hy vọng gặp lại cha mẹ. Ngày 1/4, người đàn ông lên máy bay trở về với cuộc sống tại Mỹ. Người thân duy nhất Xue gặp được trong chuyến đi bão táp là em trai ở Thượng Hải.

Trước chuyến hành trình, Xue đã ấp ủ ý tưởng một ngày sẽ quay về sống tại Trung Quốc. Nhưng 3 tháng cách ly đã khiến Xue nghĩ lại.

"Tôi muốn về nhà, đoàn tụ với gia đình, hàn gắn cuộc sống đã bị dịch bệnh chia rẽ. Tôi đã thử nhưng không thành công, giờ tôi không có gì phải hối hận. Tôi vẫn phải có trách nhiệm với bản thân, không thể lãng phí thêm 3 tháng nữa", Xue nói.

Xue viết lại chi tiết hành trình cách ly ròng rã của bản thân trên mạng xã hội. Bài viết được chia sẻ rộng rãi ở Trung Quốc và trở thành chủ đề gây tranh cãi.

"Chuyến đi như một cơn ác mộng. Giống như tôi gặp ác một trên chiếc giường của mình ở Los Angeles vào ngày 1/1 và tỉnh dậy vào ngày 1/4, vẫn trên chiếc giường đó", Xue cho biết.

Nhiều người tỏ ra thông cảm với tình cảnh của Xue, một số khác cảm thấy kinh hãi. Nhưng không ít người công kích Xue, cho rằng việc người đàn ông về nước là vô trách nhiệm, có nguy cơ mang virus trở về nhà.

"Tôi không đổ lỗi cho ai. Tôi chỉ trách bản thân vì quá đen đủi", Xue cho biết.

Xue nói anh thông cảm với biện pháp kiểm soát phòng dịch của Trung Quốc. Với dân số 1,4 tỷ người và đang trên đà già hóa, Xue cho rằng chấp nhận sống chung với virus sẽ là một rủi ro lớn, có thể mang tới thảm họa.

Dù vậy, Xue cho biết sẽ không tìm cách trở về nhà cho tới khi Trung Quốc nới lỏng cách biện pháp hạn chế.

Nhiều cư dân Thượng Hải gào thét từ ban công Một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhiều cư dân Thượng Hải gào thét từ ban công. Họ đã quá mệt mỏi với cảnh phong tỏa nghiêm ngặt, người quay video khẳng định.

Quảng Châu 'đóng cửa' để ngăn bùng dịch

Quảng Châu trở thành đô thị lớn tiếp theo của Trung Quốc bị phong tỏa nghiêm ngặt với người ngoại tỉnh nhằm kiểm soát đà lây lan của dịch Covid-19.

Ông Tập lên tiếng giữa lúc Trung Quốc trải qua đợt bùng dịch lớn nhất

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/4 ca ngợi cách tiếp cận Zero Covid-19 của nước này, trong bối cảnh số ca mắc ở Thượng Hải tăng cao và nhiều người bức xúc vì lệnh hạn chế.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm