Theo AFP, sau vụ đụng độ của binh sĩ 2 nước ở khu vực biên giới khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, làn sóng tẩy chay Trung Quốc đã lan rộng ở nước này.
Mới đây nhất, Hiệp hội Chủ nhà hàng và Khách sạn Delhi, tổ chức gồm các ông chủ và người kinh doanh nhà hàng khách sạn tại thủ đô Ấn Độ, đã quyết định sẽ không cung cấp dịch vụ cho du khách Trung Quốc.
Ông Sandeep Khandelwal, chủ tịch hiệp hội, cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực với 75.000 phòng khách sạn tại thủ đô Delhi, và cho biết đây là động thái thể hiện "sự ủng hộ tới chính phủ trong tình huống hiện tại với Trung Quốc".
"Tại sao chúng ta cho phép họ kiếm tiền từ Ấn Độ chứ?", ông Khandelwal chia sẻ với AFP.
Người dân Ấn Độ đeo khẩu trang xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Hiệp hội đại diện cho rất nhiều khách sạn 3 sao và 4 sao ở thủ đô New Delhi, và họ cũng khuyến cáo các thành viên ngừng sử dụng sản phẩm và hàng hoá Trung Quốc.
Theo số liệu, chỉ có 300.000 du khách Trung Quốc đến Ấn Độ trong năm 2018, và động thái của hiệp hội được cho là chủ yếu mang tính tượng trưng, vì tình hình đại dịch Covid-19 hiện tại khiến cho hoạt động du lịch gần như không còn diễn ra.
Tại thủ đô Delhi, nhiều khách sạn tiếp tục đóng cửa bất chấp chính quyền đã nới lỏng lệnh phong toả vì Covid-19.
Tuy nhiên động thái của hiệp hội khách sạn Delhi cho thấy không khí bài Trung Quốc tại Ấn Độ - vốn chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, đã bắt đầu chuyển hoá thành các hành động cụ thể, trong đó có việc tẩy chay hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc.
Các trang web thương mại điện tử tại Ấn Độ, trong đó có cả người khổng lồ Amazon, đã đồng ý ghi xuất xứ các sản phẩm trên nền tảng của họ.
Hồi đầu tuần này, chính phủ Thủ tướng Narenda Modi cũng yêu cầu tất cả người bán phải ghi rõ xuất xứ sản phẩm trên cổng trực tuyến GeM - vốn được các cơ quan nhà nước sử dụng để mua sắm hàng tỷ USD hàng hoá.
Xiaomi - thương hiệu điện thoại Trung Quốc rất phổ biến ở Ấn Độ - đã quyết định che đi thương hiệu của họ tại các cửa hàng trên khắp đất nước, thay vào đó treo lên băng-rôn "Made in India" vì hãng có nhà máy lắp ráp ở đây.
"Công ty nói với chúng tôi rằng phải làm thế để bảo vệ mình trước người biểu tình hoặc chính trị gia, những người có thể phá huỷ tài sản trong bối cảnh cảm xúc bài Trung Quốc gia tăng", ông Jignesh, chủ một cửa hàng Xiaomi ở Mumbai, cho biết.
"Nhưng nhu cầu với điện thoại thông minh vẫn không giảm, và mọi người vẫn tới mua những thiết bị này", ông Jignesh nói thêm
Các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có những nguyên liệu thô mang tính sống còn đối với ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm của Ấn Độ, cũng đang bị ùn ứ tại các cảng và sân bay do hải quan nước này siết chặt kiểm tra.
Cuộc đụng độ hôm 15/6 là vụ việc tồi tệ nhất trên khu vực biên giới 2 nước tại dãy Himalaya trong vòng 45 năm qua. Bất chấp căng thẳng kéo dài ở khu vực này, Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục xây dựng quan hệ thương mại chặt chẽ hơn.
Kim ngạch thương mại hàng năm giữa 2 nước vào khoảng 90 tỷ USD, với cán cân nghiêng hẳn về phía Trung Quốc (50 tỷ USD).