Trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đội hình vệ binh danh dự ba binh chủng kết hợp của Ấn Độ bước đều trên nền đá của Quảng trường Đỏ. Chỉ vài phút sau, đội hình danh dự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến vào khu vực duyệt binh.
Ấn Độ và Trung Quốc cùng gửi quân đến tham dự duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít. Chỉ hơn một tuần trước, quân đội hai nước còn đụng độ quyết liệt ở khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya. Vụ việc khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng, còn phía Trung Quốc không tiết lộ số liệu thương vong.
Đội hình vệ binh danh dự của Trung Quốc và Ấn Độ đều tham dự buổi duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít của Nga ngày 24/6. Ảnh: Reuters. |
Gác lại căng thẳng cùng đến Nga
Cả Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Ngụy Phượng Hòa của Trung Quốc đều đến dự lễ duyệt binh ở Moscow. Trong khi truyền thông Trung Quốc dự đoán cuộc họp giữa hai bộ trưởng "rất có khả năng" diễn ra, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 24/6 đã bác bỏ thông tin này.
"Cuộc duyệt binh chứng minh Nga là một nhân tố quốc tế quan trọng đến mức nào. Với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ, thể hiện đoàn kết với Moscow là điều rất quan trọng", Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, nói.
"Dù Moscow không có những phương án tác động cụ thể đến tình hình hiện nay (giữa Ấn Độ và Trung Quốc), sự hiện diện của Nga tại Á - Âu khiến các nước không thể làm ngơ với họ. Hành động mang tính biểu tượng từ Bắc Kinh và New Delhi đã chứng minh điều này", ông bình luận.
Đụng độ của lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc ở thung lũng Galwan, phía đông Ladakh, vào đêm 15/6 cũng là cuộc đụng độ đầu tiên gây thương vong liên quan đến tranh chấp biên giới giữa hai nước kể từ năm 1975. Vụ việc đặt Nga vào thế khó vì nước này đang gia tăng hợp tác với cả Ấn Độ và Trung Quốc những năm gần đây.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều vượt 110 tỷ USD trong năm 2019. Trong khi đó, Ấn Độ là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Vừa qua, cường quốc Nam Á còn cam kết đầu tư 1 tỷ USD cho vùng Viễn Đông của Nga.
"Bất kỳ xung đột này xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ đều rất khó xử cho Nga. Moscow đã đánh cược với niềm tin rằng đối tác chiến lược thân thiết của họ sẽ tin tưởng lẫn nhau, càng nhiều càng tốt", Alexey Kupriyanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Tế giới và Quan hệ Quốc tế, thuộc Học viện Khoa học Nga, nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tại buổi duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow. Ảnh: Reuters. |
Thế khó cho Moscow
Tổng thống Putin trong những năm qua đã nỗ lực đưa nước Nga đến vị thế cường quốc có khả năng phá thế bế tắc cho các thỏa thuận toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Kupriyanov, ông chủ điện Kremlin vẫn đủ cẩn trọng để không vội đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này khác với những lần chính trị gia kỳ cựu này tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho xung đột Syria, Libya hay Venezuela.
"Vai trò trung gian của Nga được cần đến tại những nước đang chìm trong cảnh tan hoang vì hai phía (xung đột) không thể đạt được thỏa thuận hoặc một phía cho rằng họ yếu hơn đối thủ rất nhiều", Kupriyanov nhận định.
"Còn trong trường hợp này, chúng ta đang chứng kiến hai cường quốc hạt nhân với kinh nghiệm tự xử lý xung đột biên giới suốt nhiều thập kỷ. Dù chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, chúng tôi nhận thấy cả hai nước không ai mong muốn có bên thứ ba xuất hiện", ông đánh giá.
Trong vài tuần qua, khi căng thẳng Trung - Ấn leo thang, giới chức cấp cao của Nga đã nhiều lần nhấn mạnh Moscow không có kế hoạch trở thành trung gian hay chọn phe ủng hộ. Trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp hai nước Ấn Độ và Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 24/6 nhấn mạnh Moscow "không có ý định can thiệp vào vấn đề của Ấn Độ và Trung Quốc". Ông tự tin rằng hai nước "có đủ khả năng tự giải quyết với nhau và không cần bên thứ ba".
Tuần trước, người phát ngôn điện Krelin Dmitry Peskov cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Nga nhận thấy vụ đụng độ giữa hai nước "rất đáng báo động", nhưng lạc quan rằng hai nước "đủ khả năng có những bước giúp ngăn chặn tình huống tương tự trong tương lai và đảm bảo sự ổn định, dễ dự đoán trong khu vực".
Dù không muốn can dự, khó để Moscow đứng ngoài cuộc một cách tuyệt đối. Sau vụ đụng độ ở Galwan, Ấn Độ tuyên bố sẽ mua thêm 33 tiêm kích đa nhiệm Su-30 và chiến đấu cơ MiG-29 từ Nga. Đồng thời, New Delhi còn yêu cầu Moscow tăng tốc chuyển giao tên lửa S-400. Ấn Độ ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga vào năm 2018 với tổng trị giá khoảng 5,2 tỷ USD. Theo kế hoạch ban đầu, lô đầu tiên của đơn hàng này dự kiến được chuyển giao vào tháng 12/2021.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đang tìm cách tác động lên dư luận Nga để ngăn cản tăng tốc đơn hàng của Ấn Độ. Tờ People's Daily còn đăng một bài viết trên diễn dàn chuyên gia Nga, lập luận rằng chuyển giao vũ khí cho Ấn Độ sẽ khuếch đại căng thẳng ở châu Á.
"Theo giới chuyên gia, nếu Nga muốn lấy lòng người Trung Quốc lẫn Ấn Độ, tốt nhất là họ đừng chuyển vũ khí cho Ấn Độ trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Cả hai cường quốc châu Á đều là đối tác chiến lược rất thân thiết của Nga", tờ báo bình luận.