Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, phân luồng hợp lý, linh hoạt để không xảy ra ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông huyết mạch, có lưu lượng lớn, đang triển khai thi công dự án trọng điểm.
Nút giao An Phú đang triển khai dự án giao thông trọng điểm với kinh phí hơn 3.400 tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Trong đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Công an TP.HCM phối hợp chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm đối với phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hoá; bố trí lực lượng chốt trực điều tiết, phân luồng giao thông tại các khu vực điểm nóng, các cửa ngõ thành phố.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm Quản lý Điều hành Giao thông có trách nhiệm đổi mới nội dung cập nhật thông tin tình hình giao thông trên các bảng thông tin giao thông điện tử trên toàn địa bàn.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị Cục Cảnh sát giao thông hỗ trợ thường xuyên thông tin về tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, việc điều tiết giao thông tại các khu vực điểm nóng như cầu Rạch Miễu, các tuyến cao tốc và quốc lộ...
6 khu vực "nóng" về ùn tắc giao thông trong dịp lễ 30/4-1/5 được Sở Giao thông vận tải TP.HCM lưu ý bao gồm:
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: Giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (đang triển khai dự án giao thông trọng điểm đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà với kinh phí 4.800 tỷ đồng), vòng xoay Lăng Cha Cả, Trường Sơn - ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, Phạm Văn Đồng (đoạn từ đường Trường Sơn đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn), đường Cộng Hòa, Trường Chinh..
Khu vực bến xe Miền Tây: Khu vực cổng ra/vào bến xe Miền Tây trên đường Kinh Dương Vương, vòng xoay An Lạc, quốc lộ 1, đường Võ Trần Chí, đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm...
Khu vực bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh): Ngã 5 Đài Liệt Sỹ, giao lộ Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh, cầu Bình Triệu, khu vực ngã tư Hàng Xanh.
Khu vực bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức): Khu vực cổng ra/vào bến xe Miền Đông mới trên tuyến quốc lộ 1, Công viên Văn hoá Suối Tiên, ngã ba Tân Vạn.
Khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam thành phố: Quốc lộ 50, quốc lộ 1, đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm, Võ Trần Chí, Trần Văn Giàu, khu vực bến phà Bình Khánh kết nối với huyện Cần Giờ.
Khu vực cửa ngõ phía Đông: Nút giao An Phú đang triển khai dự án giao thông trọng điểm, vòng xoay Mỹ Thuỷ, cầu Phú Mỹ, phà Cát Lái.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự báo nhu cầu đi lại tại bến xe khách liên tỉnh bình quân ngày đạt hơn 64.000 hành khách đi với hơn 3.000 chuyến xe phục vụ, tăng 26% lượng khách so với cùng kỳ.
Tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo mỗi ngày có khoảng 120.000- 130.000 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ. Ga Sài Gòn đạt 3.800 hành khách mỗi ngày, tương đương so với cùng kỳ.
Tại Phà Cát Lái, dự báo bình quân khai thác 282 chuyến phà/ngày, tăng 22,6% so với cùng kỳ, lượng khách đạt 65.000 người/ngày, tăng 3% so với cùng kỳ.
Tại phà Bình Khánh có 188 chuyến phà/ngày tăng 18% so với cùng kỳ, lượng khách đi lại đạt 32.600 khách, tăng 11% so với cùng kỳ.
Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu dự kiến hoạt động mỗi ngày trên 30 chuyến (đi và về), bình quân 2.300 hành/ngày, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, dịp lễ nhu cầu đi lại bằng xe cá nhân để lại cũng tăng cao nên các cửa ngõ TP dự báo sẽ dễ xảy ra ùn tắc giao thông trong các ngày đầu và cuối nghỉ lễ.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.