Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 vũ khí nguy hiểm của Saudi Arabia có thể đe dọa Iran

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15SA với radar tiên tiến hay trực thăng sát thủ diệt tăng AH-64D là hai trong những vũ khí mạnh nhất của Saudi Arabia.

Trực thăng tấn công AH-64D Apache. Ảnh: U.S Army

Căng thẳng bùng lên giữa Iran và Saudi Arabia khiến bóng ma chiến tranh giữa hai cường quốc lại nổi lên. Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi đại sứ quán nước này ở Tehran bị tấn công vào ngày 2/1. Những người biểu tình đã nổi giận sau khi Saudi Arabia hành quyết 47 người, trong đó có giáo sĩ người Hồi giáo dòng Shia Sheikh Nimr al-Nimr.

Saudia Arabia cáo buộc giáo sĩ al-Nimr và những người khác kích động bạo lực ở quốc gia này. Cái chết của giáo sĩ đã làm trầm trọng thêm căng thẳng lâu nay giữa Riyadh và Tehran. Saudia Arabia là cường quốc Hồi giáo dòng Sunni còn Iran là cường quốc Hồi giáo dòng Shia.

Những năm gần đây, hai cường quốc đều có những hành động để tăng cường ảnh hưởng của họ ở Iraq và Syria. Nếu cuộc chiến xảy ra giữa hai nước, sự giàu có của Riyadh và mối quan hệ thân thiết với phương Tây đã giúp quốc gia này xây dựng quân đội hùng mạnh với những khoản mua sắm khổng lồ.

Tạp chí National Interest đã xếp loại 5 vũ khí nguy hiểm nhất của Saudi Arabia có thể khiến Iran phải lo lắng nếu xảy ra chiến tranh.

Tiêm kích F-15 Eagle

F-15 Strike Eagle của RSAF. Ảnh: Ncusar

Với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Saudi Arabia đã chi hàng trăm tỷ USD để mua những vũ khí hàng đầu thế giới hiện nay. Không quân Hoàng gia Saudi Arabia (RSAF) là lực lượng hiếm hoi ngoài Mỹ có phi đội tiêm kích F-15 với cả 2 phiên bản chiếm ưu thế trên không và đa chức năng.

RSAF đang khai thác 86 tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15 C/D nhiều hơn bất kỳ vũ khí tương tự trong kho của Iran. Ngoài ra, RSAF còn có 70 máy bay chiến đấu đa chức năng F-15 Strike Eagle có thể tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Iran.

Những chiếc F-15 Strike Eagle sẽ sớm được nâng cấp lên tiêu chuẩn tiên tiến F-15SA với radar quét mạng pha điện tử chủ động AN/APG-63, hệ thống tác chiến điện tử mới và các cảm biến hiện đại.

Máy bay mới sẽ được trang bị hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số cho phép lắp thêm vũ khí ở hai đầu mút cánh. Ngoài ra, RSAF đang lên kế hoạch mua thêm 84 tiêm kích F-15 SA mới.

Chiến binh châu Âu Typhoon

Chiến binh Châu Âu của RSAF cất cánh trong một nhiệm vụ huấn luyện. Ảnh: Airplane Picture.

Saudi Arabia đã mua 72 tiêm kích Eurofighter Typhoon từ tập đoàn Eurofighter châu Âu. Giới phân tích quân sự đánh giá, Typhoon là một trong những máy bay chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công mặt đất hàng đầu thế giới. Nhiều khả năng, Saudi Arabia đã nhận được khoảng một nửa số lượng Typhoon theo hợp đồng.

Những chiếc Typhoon của RSAF được lắp ráp tại Saudi Arabia theo linh kiện và công nghệ chuyển giao từ tập đoàn Eurofighter. Typhoon sẽ bổ sung sức mạnh cho F-15 trong một cuộc xung đột nếu có với Iran.

Trực thăng tấn công AH-64D Apache

Sát thủ diệt tăng AH-64D Apache. Ảnh: U.S Army

RSAF đang có trong biên chế 82 trực thăng tấn công AH-64D Apache được mệnh danh là “sát thủ diệt tăng” trên chiến trường. Apache được phát triển vào những năm 1970 cho quân đội Mỹ để đẩy lùi cuộc tấn công tiềm năng của lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô ở Trung Âu.

Apache được vũ trang một pháo tự động 30 mm cùng 2 giá treo bên hông có thể mang theo 16 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire. Trong hai lần chiến tranh vùng Vịnh, AH-64 đã đánh tơi tã lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu của quân đội Iraq.

Nếu Saudi Arabia sử dụng AH-64D với chiến thuật hợp lý, pache là một vũ khí lợi hại để chống lại lực lượng mặt đất đối phương.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2S của quân đội Saudi Arabia. Ảnh: Militaryedge

Quân đội Saudi Arabia có khoảng 442 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, trong đó 69 xe đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn M1A2S hiện đại hơn. Phiên bản M1A2S của quân đội Saudi có sức mạnh tương đương với M1A2SEP của quân đội Mỹ.

Vũ khí chủ lực của xe tăng là pháo chính nòng trơn M256A1 120 mm với cơ số đạn mang theo 40 quả. Súng máy đồng trục 7,62 mm và đại liên 12,5 mm. Abrams được lắp giáp nhồi uranium nghèo với khả năng chống chịu tốt trước các vũ khí chống tăng.

Nhìn chung, xe tăng M1A2 của Saudi Arabia mạnh hơn các loại xe tăng đang có trong quân đội Iran. Điểm hạn chế của của Abrams là động cơ tuabin khí AGT1500C đòi hỏi quy trình bảo trì khá phức tạp và tốn kém.

Khinh hạm lớp Al Riyadh

Khinh hạm lớp Al Riyadh của Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia. Ảnh: Militayedge

Al Riyadh là phiên bản của khinh hạm tàng hình lớp La Fayette do Pháp chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia. Tàu được thiết kế với nhiệm vụ tác chiến xa bờ và có lượng giãn nước lớn hơn 25% so bản gốc.

Khinh hạm Al Riyadh được trang bị pháo hạm Oto Melara 76 mm, 2 pháo bắn nhanh 20 mm. 2 cụm phóng thẳng đứng với 8 ống phóng mỗi cụm cho tên lửa hải đối không Aster-15 tầm bắn tối đa 30 km, tầm cao 15 km. Vũ khí mạnh nhất là 8 tên lửa chống hạm MM40 Exocet block II tầm bắn 70 km.

Khả năng chống ngầm của tàu dựa trên 4 ống phóng ngư lôi 533 mm ở phía sau và trực thăng chống ngầm AS 532 Cougar. Tàu có chiều dài 133 m, rộng 17 m, lượng giãn nước 4.500 tấn.

Liên đoàn Arab ủng hộ Saudi Arabia đối phó với Iran

Các quốc gia Arab lên án cuộc tấn công vào Đại sứ quán Saudi Arabia của Iran và cảnh báo Tehran sẽ đối mặt với sự phản đối nếu tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Riyadh.

Nguy cơ xung đột vì Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran

Việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran có thể khiến nguy cơ xung đột ở Trung Đông ngày càng leo thang.


Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm