Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 tỷ phú Mỹ chuyên phớt lờ dư luận

Không quan tâm tới ý kiến của cổ đông hay dư luận, CEO của Google, Facebook, Starbucks... luôn đề cao nhân viên, khách hàng hay sứ mệnh và tương lai của công ty.

1. Elon Musk, Tesla

Elon Musk không đặt cổ đông của công ty lên vị trí ưu tiên hàng đầu. CEO của thương hiệu xe hơi Tesla đã dùng đến đồng tiền cuối cùng của mình để phát triển SpaceX và Tesla. Nhưng với khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc đầu tư ấy, rõ ràng số tiền bỏ ra lúc trước chẳng bõ bèn gì.

Tuy nhiên, điều này cũng tồn tại những rủi ro cho các nhà đầu tư bởi việc dành quá nhiều tâm huyết cho Tesla có thể làm Elon Musk trở nên ngoan cố. Chẳng hạn như việc Musk ngang nhiên vùi dập ý tưởng sử dụng pin nhiên liệu Hydro vì anh cho điều đó là quá ngớ ngẩn.

Không ai biết trước được Tesla có thành công hay không, nhưng một điều chắc chắn rằng Elon Musk điều hành công ty thể hiện tầm nhìn kinh doanh chiến lược của mình chứ không phải để làm giàu cho các cổ đông.

2. Mark Zuckerberg, Facebook

Trong thời gian chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu năm 2012 của Facebook, cái tên Mark Zuckerberg được nhắc đến nhiều  nhờ cấu trúc doanh nghiệp khá độc đáo của mình.

Theo tạp chí Slate: “Khi phát hành cổ phiếu ra công chúng, Facebook sẽ tiến hành một thí nghiệm nội bộ dưới mô hình độc tài gần như chưa từng thấy với một công ty lớn và cao cấp như vậy”.

Zuckerberg không chỉ sở hữu hơn một phần tư cổ phiếu Facebook mà còn được trao quyền sở hữu một loại cổ phiếu đặc biệt, có giá trị biểu quyết gấp 10 lần so với loại phổ thông. Như vậy Zuckerberg nắm tới hơn một nửa tổng phiếu bầu.

Trong tháng 12, Facebook công bố kế hoạch niêm yết thêm 70 triệu cổ phiếu giá trị khoảng 3,5 tỷ USD. Sau đó Zuckerberg có những động thái nhằm mua lại một số công ty bao gồm hãng phát triển ứng dụng nhắn tin di động WhatsApp và Oculus VR. Hầu hết số tiền mua lại các công ty này dưới dạng cổ phiếu. Ví dụ, chỉ có 400 triệu USD trong 2 tỷ USD (số tiền mua lại Oculus) là tiền mặt, số còn lại là giá trị thị trường của 23,1 triệu cổ phiếu.

Hiếm có CEO nà lại nói với các cổ đông tiềm năng rằng công việc kinh doanh của mình ngay từ ban đầu là để “hoàn thành một sứ mạng xã hội”. Còn khi vị CEO đó nắm đa số quyền biểu quyết của công ty, bán cổ phiếu đi để mua về những cổ phiếu mình thích thì có thể nói rằng anh ta không mấy quan tâm đến những gì diễn ra trên phố Wall.

3. Larry Page, Google

Tiếp sau quyền lực gần như độc tài của Zuckerberg là đến những đầu sỏ của Google với giám đốc điều hành Larry Page và người đồng sáng lập Sergey Brin, những người nắm đa số quyền biểu quyết.

Theo một số báo cáo, kể từ tháng 4/2014, Page và Brin cùng nhau nắm giữ 55,7% quyền biểu quyết nhờ sở hữu số cổ phiếu nhiều hơn đáng kể so với các cổ đông khác. Tuy nhiên, chuyên quyền như vậy vẫn chưa đủ, những người sáng lập Google còn khéo léo chia nhỏ số cổ phiếu của công ty và lập ra một loại cổ phiếu hạng C mới. Những cổ phiếu này không đem lại quyền biểu quyết mà chỉ có thể được dùng để bồi thường và mua lại các công ty khác.

Ngoài ra, Google còn rất thích ném tiền vào các dự án gây chú ý mà không mang lại giá trị tức thì. Bạn đã từng nghe nói đến Project Loon, dự án xây dựng một mạng lưới khinh khí cầu có thể phát Internet? Bạn có biết rằng Google đã mua 8 công ty phát triển robot vào năm 2013?

Tuy nhiên, dù có làm vậy thì một công ty trị giá 370 tỷ USD với 60 tỷ USD tiền mặt và tiền đầu tư cho các dự án, thừa sức mua vài món đồ chơi vô bổ ở bất kì đâu, ngay cả khi các cổ đông phản đối.

4. Howard Schultz, Starbucks

Howard Schultz, người đứng đầu tập đoàn cà phê Starbucks hơi khác biệt so với các CEO trong danh sách. Schultz không phải là người gây dựng nền móng của Starbucks. Starbucks được thành lập vào năm 1971 và Schultz mua nó vào năm 1987. Hơn nữa, Starbucks không phải chuyên về công nghệ như các công ty khác trong danh sách này, và tuổi đời của Schultz gấp đôi Mark Zuckerberg. Nhưng Schultz xứng đáng được liệt vào danh sách này.

Việc thanh toán cổ tức của Starbucks không phải là biện pháp để xoa dịu các cổ đông, mà là cách mà thông qua đó Howard Schultz có thể đặt nhân viên của mình lên hàng đầu. Nhân viên của Starbucks được thưởng bằng giá trị cổ phiếu, một dạng thù lao bên cạnh cà phê miễn phí, hỗ trợ học phí và bảo hiểm y tế.

Khi nói đến việc hỗ trợ khách hàng và nhân viên của Starbucks, Schultz không giấu diếm bất kỳ điều gì. Bằng chứng là phản ứng dữ dội của ông trước một cổ đông vào năm ngoái. Schultz cho rằng ông ta có thể ra đi và bán cổ phần của mình nếu tiếp tục phản đối việc công ty ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Bên cạnh đó, tuy Schultz không phải là người xây dựng Starbucks từ những viên gạch đầu tiên, nhưng thành công trong việc mở rộng thương hiệu cà phê mang tính biểu tượng này đều là nhờ công sức của ông. Rõ ràng Schultz có thể từ chức giám đốc điều hành và nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế, thế nhưng ông vẫn quay trở lại khi công ty gặp khó khăn vào năm 2008 và chèo lái con tàu Starbucks kịp thời, hiệu quả.

5. Jeff Bezos, Amazon.com

Nếu Howard Schultz, chủ tịch tập đoàn cà phê Starbucks coi trọng nhân viên hơn các cổ đông, thì tại Amazon, CEO Jeff Bezos lại đặt khách hàng ở vị trí cao hơn cả.

Để hoàn thiện cuốn sách viết về Amazon và nhà lãnh đạo “hay giữ kẽ” Jeff Bezos, cây bút Brad Stone đến từ tạp chí BussinessWeek gần đây đã phỏng vấn hàng trăm nhân viên đã và đang làm việc cho Amazon. Họ cho biết Bezos có một địa chỉ email công khai Jeff@amazon.com. Ông thường đích thân đọc những lá thư phàn nàn từ khách hàng và chuyển nó đến bộ phận thích hợp với hi vọng rằng không chỉ phần nào giúp đỡ khách hàng của mình, mà ông sẽ tìm hiểu được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn đề là gì.

Là cái tên đứng sau những thành công của Amazon, nhưng Bezos luôn lảng tránh các báo đài. Ông dường như không mấy quan tâm đến dư luận, công chúng. Không chỉ cá nhân Bezos, mà cả đứa con tinh thần của ông, trang bán hàng trực tuyến Amazon, cũng được vận hành một cách hết sức kín kẽ. Amazon hiện kinh doanh máy tính bảng Kindle và dịch vụ thuê bao Prime, nhưng không hề có một con số thống kê nào về sản phẩm (dịch vụ) này trong các báo cáo của công ty, khiến các nhà đầu tư cũng không biết đâu mà lần.

Amazon nổi tiếng là không quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn. Điều này được minh chứng khá rõ ràng khi công ty này chịu tổn thất trong năm 2012, doanh thu ròng năm 2013 chỉ có vẻn vẹn 274 triệu USD trong khi tổng doanh thu là 74,5 tỷ USD, Amazon vẫn yên tâm dồn vốn để triển khai các kế hoạch mở rộng.

Cũng như các CEO kể trên, lịch sử sẽ chứng minh cách làm của Jeff Bozes là đúng, và Amazon có lẽ sẽ tiếp tục là một công ty lớn mạnh trong nhiều thập kỷ tới.

http://money.msn.com/investing/5-ceos-who-dont-care-what-anyone-thinks

Hoài Thu

MSN

Bạn có thể quan tâm