Máy bay của Malaysia Airlines. Ảnh: Blogspot |
8/3: MH370, chở theo 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn, rời Kuala Lumpur (Malaysia) vào lúc 0h41, dự kiến hạ cánh xuống Bắc Kinh (Trung Quốc) vào lúc 6h30 cùng ngày theo giờ địa phương.
Sau một giờ kể từ khi cất cánh, chiếc Boeing 777 của hãng hàng không quốc gia Malaysia (MAS) mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Lúc 2h14, một vệ tinh quân sự của Malaysia phát hiện MH370 đang di chuyển về phía tây.
Malaysia và Việt Nam thành lập các đội cứu hộ nhằm tìm kiếm phi cơ mất tích.
9/3: Interpol khẳng định, hai hành khách đã dùng hộ chiếu giả để lên máy bay.
Đội cứu hộ mở rộng khu vực tìm kiếm xung quanh vị trí cuối cùng của MH370 trên radar, bán kính từ 20 hải lý lên tới 50 hải lý, bao gồm cả eo biển Malacca. Trung Quốc, Mỹ, Singapore và Philippines bắt đầu tham gia vào hoạt động tìm kiếm.
10/3: Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia thông báo, diện tích khu vực tìm kiếm sẽ tăng gấp đôi, với bán kính 100 hải lý, xung quanh địa điểm cuối cùng của MH370 trên radar.
13/3: Các đội cứu hộ tiếp tục mở rộng diện tích khu vực tìm kiếm, trong khoảng phạm vi 93.000 km2. 12 quốc gia tham gia hoạt động truy dấu MH370 với 42 tàu và 32 máy bay.
Nỗi tuyệt vọng đan xen tức giận của thân nhân những người trên chuyến bay MH370. Ảnh: Reuters |
15/3: Chính phủ Malaysia công bố, ai đó trên máy bay đã cố tình tắt Hệ thống Báo cáo và Liên lạc (ACARS) của MH370. Phi cơ có thể đã chuyển hướng bay. Vệ tinh của Inmarsat bắt tín hiệu cuối cùng từ máy bay vào lúc 8h11 hôm 8/3 theo giờ địa phương. Địa điểm tín hiệu cuối cùng phát ra cách bờ biển Australia 1.600 km về phía tây.
14/3: Khu vực tìm kiếm mở rộng và tiến về phía tây bán đảo Malaysia tại Ấn Độ Dương. Tàu khu trục USS Kidd của Hải quân Mỹ tới khu vực tây bắc eo biển Malacca hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia cho biết, địa điểm tìm kiếm mới sẽ tập trung tại khu vực vành đai kéo dài từ Kazakhstan đến phía nam Ấn Độ Dương, nơi MH370 có thể đã chuyển hướng tới. Cuộc tìm kiếm ở Biển Đông dự kiến sẽ kết thúc.
16/3: Số lượng các nước tham gia tìm kiếm chiếc Boeing 777 của MAS tăng lên 25 nước. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia công bố cuộc truy dấu MH370 đã bước vào giai đoạn mới và trở nên khó khăn hơn.
17/3: Giai đoạn mới của cuộc tìm kiếm bắt đầu với 26 quốc gia tham gia. Các đội cứu hộ tập trung rà soát tại khu vực xác định.
24/3: Trung Quốc phát hiện hai dấu hiệu tại phía nam Ấn Độ Dương. Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia cho biết phi cơ có thể đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương.
Học sinh tại một trường quốc tế ở Trung Quốc thắp nến cầu nguyện cho 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay MH370. Ảnh: Reuters |
25/3: Hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích tạm dừng do thời tiết xấu tại khu vực rà soát.
28/3: Australia thông báo khu vực tìm kiếm sẽ dịch chuyển 1.100 km về phía đông bắc sau khi nhiều nguồn tin cho hay chiếc Boeing 777 của MAS đã bay với vận tốc nhanh hơn suy đoán trước đây trước khi lao xuống biển.
5/4: Tàu tuần tra Haixun 01 của Trung Quốc phát hiện tín hiệu xung động ở tần số 37,5 KHz phát ra từ vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Tiếng "ping" này có thể là từ hộp đen của máy bay mất tích.
6/4: Tàu Ocean Shield của Australia phát hiện một tiếng "ping" khác tại vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, cách tín hiệu mà tàu Haixun 01 phát hiện khoảng 300 hải lý.
10/4: Máy bay của Australia phát hiện tiếng "ping" có thể đã phát ra từ hộp đen của phi cơ mất tích gần khu vực tàu Ocean Shield đang tìm kiếm. Sau đó, chiến dịch tập trung vào khu vực rộng 57.000 km2 ở phía nam Ấn Độ Dương.
Tàu ngầm không người lái Bluefin-21. Ảnh: BI |
14/4: Trung tâm điều phối cơ quan chung của Australia (JACC) cho biết sẽ ngừng sử dụng thiết bị định vị tiếng "ping". Hải quân Mỹ triển khai tàu ngầm không người lái Bluefin-21 cho việc tìm kiếm MH370 dưới độ sâu 4.500 m.
24/4: JACC tuyên bố Bluefin 21 đã hoàn thành hơn 95% nhiệm vụ rà soát dưới đáy đại dương nhưng chưa tìm ra dấu hiệu của phi cơ mất tích.
29/4: Thủ tướng Australia tuyên bố rằng khó có thể tìm thấy các mảnh vỡ trôi nổi của MH370. Giai đoạn tìm kiếm mới sẽ chuyển sang khu vực đáy đại dương và sử dụng các thiết bị rà soát dưới đáy biển.
30/4: JACC cho biết Bluefin 21 tiếp tục tìm kiếm tại các vùng lân cận.
29/5: Chính phủ Malaysia tuyên bố cuộc tìm kiếm dưới nước tạm ngừng.
6/8: Chính phủ Australia tuyên bố chọn Fugro Survey, một công ty chuyên về khảo sát của Hà Lan, cho giai đoạn tiếp theo của hành trình tìm kiếm MH370 dưới vùng biển sâu. Công ty này sẽ tham gia với tư cách là một nhà thầu tư nhân, CNN đưa tin.
8/8: Tròn 5 tháng kể từ ngày chuyến bay MH370 mất tích.