Radar quân sự Malaysia không để ý máy bay mất tích
Tín hiệu radar cho thấy chuyến bay MH370 đã chuyển hướng sang phía tây, sau khi nó liên lạc lần cuối cùng với trạm kiểm soát không lưu trên eo biển Malacca. Tuy nhiên, các nhân viên điều hành radar lúc đầu đã không để ý và bỏ lỡ cơ hội theo dấu phi cơ. Trong khi dữ liệu radar là lý do quan trọng để mở rộng việc tìm kiếm sang phía tây Malaysia, các quan chức mãi đến hôm 11/3 (tức 3 ngày sau khi máy bay biến mất), mới giải thích tại sao họ chuyển hướng tìm kiếm. Sự thiếu sót trong việc kiểm tra tín hiệu khiến các đội cứu hộ phi công tìm máy bay mất tích ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan.
Các cuộc họp báo ban đầu rơi vào hỗn loạn và không nói rõ ai chịu trách nhiệm
“Tôi nghĩ họ không có một kế hoạch phù hợp để giải quyết vụ tai nạn”, nhà phân tích hàng không Alastair Rosenschein nói với CNN. Ông Rosenschein nói thêm, giới chức Malaysia thường đưa ra các thông tin không thống nhất và gây nhiễu loạn cho truyền thông, thân nhân người mất tích.
Phi cơ P-3K2 Orion của Không quân New Zealand đang tìm kiếm phi cơ mất tích ở Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters |
“Các bạn có biết cầu thủ có tên Batolli", Giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia, Azharuddin Abdul Rahman, miêu tả hành khách dùng hộ chiếu giả. "Anh ta là một người Italy. Người đàn ông này có ngoại hình giống Battoli hay Balloteli gì đấy".
Ông Rahman đã nói lòng vòng như vậy khi miêu tả ngoại hình của một hành khách dùng hộ chiếu giả. Điều ông muốn nói là một người đàn ông da màu, giống cầu thủ bóng đá Mario Ballotelli của Italy. Tuy nhiên, sau đó các nhà điều tra xác nhận hai người đàn ông dùng hộ chiếu giả là những người tị nạn Iran và họ không có liên quan đến khủng bố.
Từ thông báo “Không còn ai sống sót” sang “Hy vọng”
Ngày 24/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak công bố phi cơ MH370 đã "kết thúc" ở Ấn Độ Dương. Không lâu trước đó, hãng hàng không Malaysia Airlines gửi tin nhắn đến người thân và nói rằng “không còn ai trên máy bay sống sót”.
Thân nhân hành khách khóc ngất sau khi nghe tin dữ từ giới chức Malaysia. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên hôm 29/3, sau khi các gia đình giận dữ chỉ trích kết luận vội vàng, thiếu bằng chứng, quyền Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin Hussein lại nói rằng ông chưa từ bỏ hoàn toàn hy vọng. Hôm 31/3, ông Hishammuddin lại nhấn mạnh thông báo của Thủ tướng Najib trước đó không đề cập đến một vụ tai nạn hay người sống sót.
Bất đồng về lời nói cuối cùng của phi công
Ngày 17/3, giới chức Malaysia công bố những lời cuối cùng từ buồng lái của MH370 là “Được rồi, chúc ngủ ngon”. Tuy nhiên đến ngày 31/3, họ lại đính chính lại những lời này là “Chúc ngủ ngon, Malaysia 370”. Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán trong việc công bố thông tin liên quan đến phi cơ mất tích. Ngoài ra, Malaysia trước đây từng khẳng định không công bố đoạn hội thoại trong buồng lái. Tuy nhiên, ngày 1/4 họ lại bất ngờ tiết lộ toàn bộ cuộc hội thoại giữa tổ lái và trung tâm kiểm soát không lưu trước khi máy bay mất tích.
Bí ẩn về người nói lời cuối cùng
Ban đầu, các quan chức cho rằng, dường như cơ phó Fariq Abdul Hamid là người nói lời cuối cùng trước khi MH370 mất tích. Tuy nhiên hôm 31/3, họ do dự về điều này. Trong một tuyên bố mới đây, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin cho rằng cảnh sát đang làm việc để xác định ai là người đã nói những lời cuối cùng trong buồng lái.
Chậm trễ trong việc chuyển hướng tìm kiếm
Ngày 28/3, khu vực tìm kiếm ở Ấn Độ Dương bất ngờ chuyển hướng cách địa điểm ban đầu khoảng 96 km về phía đông bắc, sau khi giới chức tuyên bố dữ liệu radar và vệ tinh cho thấy phi cơ không thể bay xa về phía nam như tính toán ban đầu. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal mới đây dẫn một nguồn tin nói rằng, việc chuyển vùng tìm kiếm là do sự phối hợp thiếu ăn ý giữa các quốc gia và đơn vị tham gia tìm kiếm.