Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao phi công tắt radar định vị của máy bay?

Trong trường hợp khẩn cấp, các phi công có thể tắt thiết bị định vị Transponder của máy bay để ngăn những tình huống xấu có thể xảy ra.

Thông thường, nhà sản xuất trang bị cho máy bay chở khách hai radar hỗ trợ định vị Transponder. Một chiếc luôn hoạt động trong khi chiếc còn lại thường ở trạng thái sẵn sàng thay thế nhiệm vụ của radar chính khi sự cố xảy ra. Nằm ở mũi máy bay, chúng sẽ phản hồi lại tín hiệu radar từ mặt đất, giúp định danh máy bay cùng những thông tin khác.
Phi công có thể tắt các thiết bị định vị của máy bay từ trong khoang lái. Ảnh: EPA.

Phi công có thể tắt hoặc bật các thiết bị này trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, nếu phi công tắt radar chính, họ phải bật radar dự phòng. Chiếc radar Transponder thứ hai không thể tự mình kích hoạt khi chiếc thứ nhất bị vô hiệu hóa.

Phi công tắt radar là sự việc rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, họ có những lý do chính đáng để thực hiện thao tác này. Nếu thiết bị này gặp trục trặc, phi công sẽ tắt nó nhằm tránh khả năng chuyển tiếp những thông tin thiếu chính xác về trung tâm kiểm soát không lưu.

Ở các trường đào tạo, phi công còn được hướng dẫn tắt thiết bị này khi xảy ra hiện tượng chập, cháy. Theo logic, phi công cần cô lập khu vực cháy để tránh hỏa hoạn lan sang các thiết bị khác trong buồng lái hoặc thân máy bay.

Trong quá khứ, các phi công thường tắt bộ thu phát Transponder của máy bay khi chúng dừng ở các sân bay để không làm rối khả năng điều khiển của kiểm soát không lưu. Tuy nhiên, người ta không còn áp dụng phương pháp này.

Đối với trường hợp chuyến bay MH370, rõ ràng thiết bị định vị chính bị tắt nhưng chiếc thứ hai không được kích hoạt. Ông Andrew Thomas, Tổng biên tập Tạp chí An ninh Vận tải của Anh, cho biết: “Phi công có thể ngắt hệ thống định vị của máy bay khi họ ngồi trong buồng lái”.

Nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 đang diễn ra trong khu vực rộng 12.000 km2 ngoài khơi phía tây Perth, Australia. Mười máy bay quân sự, bao gồm hai chiếc P-3 Orion của Australia, hai chiếc C-130 của Malaysia, một chiếc Ilyushin IL-76 của Trung Quốc, một chiếc P-8 Poseidon của Mỹ, một Gulfstream của Nhật Bản và 3 chiếc P-3 Orion khác của Hàn Quốc, New Zealand và Nhật Bản, đang quần thảo trên những vùng biển tình nghi tìm mảnh vỡ máy bay mất tích.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm