Sự cố máy bay do thám U-2
Phi cơ do thám U-2 của Mỹ. Ảnh: History |
Theo History.com, ngày 27/10/1962, một máy bay do thám U-2 của Mỹ cất cánh từ bang Alaska để tuần tra gần Bắc Cực. Charles Maultsby, phi công điều khiển máy bay, vô tình lóa mắt do ánh sáng cực quang nên xác định nhầm vị trí trên bản đồ. Phi cơ U-2 lạc vào không phận Liên Xô thay vì hạ cánh xuống sân bay Eilson, Alaska.
Dư âm từ cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1961 vẫn còn rất mạnh nên Không quân Liên Xô cho rằng U-2 có thể là máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ. Moscow lập tức điều động phi đội tiêm kích MiG nhằm tiêu diệt phi cơ xâm nhập. Phía Mỹ cũng nhận thấy tình hình nguy hiểm nên cử hai máy bay F-102 mang theo tên lửa hạt nhân xuất kích.
Một cuộc chạm trán giữa phi đội hai bên có thể dẫn đến cuộc chiến tranh tổng lực. Tuy nhiên, Maultsby sớm nhận ra máy bay của ông đang lạc vào không phận Liên Xô. Ông đã nỗ lực đưa phi cơ thoát ra ngoài trước khi phi đội tiêm kích của Liên Xô tới gần.
Sau khi tránh được thảm họa hạt nhân, Tổng thống John F. Kennedy và Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba.
Khủng hoảng tàu ngầm B-59
Tàu ngầm B-59 lớp Foxtrot của Liên Xô. Ảnh: History |
Ngày 27/10/1962 (cùng ngày với sự cố U-2), tàu ngầm B-59 của Liên Xô suýt phóng ngư lôi hạt nhân về phía Mỹ. Hôm đó, tàu khu trục USS Beale phát hiện B-59 gần đường phong tỏa của Mỹ trên vùng biển ngoài khơi Cuba.
Chiến hạm Mỹ thả mìn sâu không gây chết người nhằm buộc tàu ngầm nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn Liên Xô tin rằng phía Mỹ đang bắn loạt đạn mở màn Chiến tranh Thế giới thứ ba. Thuyền trưởng Valentin Savitsky ra lệnh phóng ngư lôi hạt nhân nhằm đáp trả cuộc tấn công của Mỹ. Quy trình khai hỏa vũ khí hạt nhân trên tàu chiến Liên Xô cần sự đồng ý của bộ ba gồm thuyền trưởng, chính trị viên và sĩ quan chỉ huy.
Trong giây phút mong manh của chiến tranh hạt nhân, sĩ quan chỉ huy Vasili Arkhipov đã phản đối kế hoạch và đề nghị cho tàu nổi lên mặt nước. Tàu ngầm Liên Xô trở về nước an toàn mà không gặp sự cố. Sự bình tĩnh của sĩ quan Arkhipov đã giúp nhân loại thoát khỏi cuộc chiến tranh hạt nhân với hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Sự cố máy tính NORDA 1979
Phòng điều khiển trung tâm của NORDA. Ảnh: History |
Cuối những năm 70, Mỹ và Liên Xô đều sử dụng các hệ thống máy tính nhằm phát hiện sớm các cuộc tấn công hạt nhân. Công nghệ mới tinh vi hơn giúp con người quản lý công việc hiệu quả hơn, nhưng nó cũng dẫn tới những rủi ro không nhỏ.
Ngày 9/11/1979, kỹ thuật viên tại trung tâm điều khiển của Bộ tư lệnh Không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORDA) nhận cảnh báo khẩn cấp về cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô nhắm vào Mỹ. Không quân lập tức điều động 10 máy bay xuất kích đánh chặn, đồng thời ra lệnh cho phi cơ Không lực 1 của tổng thống cất cánh. Hệ thống tên lửa đạn đạo sẵn sàng nhận lệnh tấn công đáp trả.
Tuy nhiên, sự hoảng loạn ở NORDA nhanh chóng giảm sau khi người ta phát hiện đó là báo động giả. Cuộc điều tra sau đó cho thấy một kỹ thuật viên vô tình chạy chương trình đào tạo mô phỏng cuộc tấn công của Liên Xô.
Vệ tinh nhầm áng sáng với tên lửa
Trung tá Stanislav Petrov người hùng trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa hạt nhân. Ảnh: History |
Ngày 26/9/1983, trung tâm phòng thủ không gian vũ trụ Serpukhov-15 tại vùng Viễn Đông của Liên Xô nhận tin Mỹ bắn 5 tên lửa liên lục địa về phía họ. Nhiệm vụ của trung tâm là báo cáo mọi dấu hiệu về vụ phóng tên lửa liên lục địa tới cấp chỉ huy.
Lúc đó, trung tá Stanislav Petrov, sĩ quan chỉ huy trung tâm, linh cảm rằng báo động có thể sai. Ông nhận định rằng, một cuộc tấn công tổng lực của Mỹ về phía Liên Xô sẽ bao gồm hàng chục, thậm chí hàng trăm, tên lửa, chứ không chỉ 5. Vị chỉ huy bình tĩnh chờ thêm vài phút để xem xét tình hình và không gửi cảnh báo lên cấp trên.
Cuộc điều tra sau đó cho thấy, vệ tinh đã nhầm những tia sáng mặt trời thoát khỏi đám mây gần Montana, Mỹ giống như vệt sáng khi phóng tên lửa liên lục địa. Sự bình tĩnh của Petrov giúp nhân loại thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Petrov đã nhận nhiều giải thưởng do hành động bình tĩnh và khôn ngoan trong lúc làm nhiệm vụ.
Tập trận Archer 83
Tập trận Archer 83 đẩy nhân loại đến rất gần cuộc đại chiến thế giới thứ 3. Ảnh: History |
Đầu tháng 11/1983, khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cuộc tập trận mô phỏng cuộc tấn công thông thường của Liên Xô vào châu Âu và Mỹ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Những cuộc tập trận kiểu này thường xuyên diễn ra trong những năm Chiến tranh Lạnh, nhưng Archer 83 thể hiện nhiều dấu hiệu bất thường.
Để chuẩn bị cho cuộc diễn tập, Mỹ điều động 19.000 binh lính đến châu Âu, đổi mã báo động thành DEFCON 1, thay đổi các địa điểm chỉ huy trước đây. Những hoạt động như thế thường chỉ xảy ra trong thời chiến.
Liên Xô nhìn nhận rất tiêu cực về đợt tập trận của NATO. Moscow cho rằng họ đang che giấu mưu đồ tiến hành Chiến tranh Thế giới thứ ba. Liên Xô âm thầm chuyển quân đội sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao mà phía NATO không biết. Lực lượng hạt nhân chiến lược nhận lệnh chuẩn bị cho cuộc tấn công đáp trả. Thậm chí một số đơn vị ở Đông Đức và Ba Lan cho máy bay chiến đấu vào vị trí xuất kích.
Tuy nhiên, Moscow vẫn bình tĩnh theo dõi sát các hoạt động của NATO cho đến khi cuộc tập trận kết thúc vào ngày 11/11. Nhân loại đã gặp may khi không sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Các tài liệu giải mật sau đó cho thấy, Mỹ và NATO đã sửng sốt khi biết rằng, cuộc tập trận mô phỏng của họ suýt dẫn đến Đại chiến Thế giới thứ ba.