Theo National Interest, máy bay chiến đấu thành công là chiếc phi cơ nổi trội nhờ tốc độ và sự cơ động, vũ khí và sự ổn định cùng khả năng diệt mục tiêu và tránh bị bắn hạ. Đây là những yếu tố quan trọng để quyết định một chiếc máy bay trở thành huyền thoại hay chỉ là một con “chim sắt” kém hiệu quả.
P-51 Mustang
Máy bay chiến đấu P-51 Mustang. |
Vào mùa thu năm 1943, phi đội máy bay ném bom của Mỹ bị tổn thất nghiêm trọng trước hệ thống phòng không của Phát xít Đức. Chỉ tính riêng trong tháng 10, Mỹ mất 20% số máy bay ném bom khi đột kích vào Schweinfurt. Tổn thất lớn đẩy quân đội Mỹ tới trước nguy cơ cạn kiệt máy bay chiến đấu trong cuộc chiến chống lại quân đội Hitler.
Khi phi đội máy bay hộ tống thông dụng tỏ ra kém hiệu quả, P-51 Mustang bất ngờ trở thành cứu cánh cho không quân Mỹ. Khả năng linh hoạt, tốc độ cao, hỏa lực hợp lý cùng phạm vi hoạt động lên tới 2.400 km giúp P-51 có thể hộ tống các máy bay ném bom Mỹ tung hoành khắp Đông Âu. Những khả năng vốn bị coi là yếu điểm lại giúp P-51 Mustang chứng minh hiệu quả.
Phần lớn máy bay Đức đều được vũ trang hạng nặng, giúp chúng đủ sức bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ. Tuy nhiên, những “con chim sắt” này khá nặng nề và chậm chạp nên chúng dễ dàng trở thành mồi ngon của những chiếc P-51. Đây là loại phi cơ giúp các chiến dịch ném bom của Mỹ không bị sa lầy hay thất bại.
F-4U Corsair
Máy bay chiến đấu F-4U Corsair. |
Mang biệt danh “tiếng hú của thần chết”, những chiếc F-4U Corsair từng là nỗi ám ảnh với không quân Nhật trong Thế chiến II. Ban đầu, những chiếc F-4U được thiết kế để đảm trách nhiệm vụ trên tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, chúng quá lớn và không thể hạ cánh trên những chiếc hàng không mẫu hạm cùng thời nên F-4U không được Hải quân Mỹ sử dụng.
Thay vì cống hiến cho Hải quân, những chiếc F-4U được Thủy quân lục chiến Mỹ đưa vào biên chế chiến đấu trong những căn cứ nằm ở Thái Bình Dương. Khả năng cơ động giúp chúng trở thành nỗi ám ảnh của không quân Nhật Bản. Sau Thế chiến II, những chiếc F-4U tiếp tục được sử dụng làm máy bay ném bom trong cuộc chiến ở Triều Tiên. Xét tổng thể, những chiếc F-4U còn linh hoạt hơn các phi cơ P-51 Mustang. Phạm vi hoạt động chỉ đạt 1.600 km nhưng những chiếc F-4U vẫn có thể hộ tống máy bay ném bom làm nhiệm vụ.
F-86 Sabre
Phản lực chiến đấu F-86 Sabre. |
Trong cuộc chiến tranh liên Triều, Bình Nhưỡng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Liên Xô, trong đó nổi bật nhất là phản lực chiến đấu MiG-15. Nhờ vượt trội hoàn toàn về tốc độ, khả năng cơ động và hỏa lực, MiG-15 nhanh chóng biến những chiếc F-84 Sabre và máy bay cánh quạt P-51 Mustang trở thành nạn nhân trong các đợt không chiến.
Trước tình thế nguy cấp, Mỹ đưa F-86 Sabre vào tham chiến trên bán đảo Triều Tiên. MiG-15 vượt trội hơn máy bay Mỹ về khả năng di chuyển và sự linh hoạt nhưng F-86 được trang bị hỏa lực mạnh hơn hẳn so với máy bay Liên Xô. Hai loại máy bay sở hữu những thành tựu nổi bật về công nghệ giúp tình hình chiến sự trở về thế cân bằng.
F-4 Phantom
"Con ma" F-4. |
Hình dáng xấu xí nhưng những chiếc F-4 Phantom (Con ma) hoạt động cực kỳ hiệu quả. Từ thiết kế những chiếc F-4, người Mỹ đã chứng minh cho thế giới thấy rằng một viên gạch cũng có thể bay nếu nó được lắp hai động cơ phản lực lớn.
Ban đầu, F-4 không thực sự là dự án hứa hẹn của quân đội Mỹ. Nó ra đời trong bối cảnh Lầu Năm Góc nỗ lực sửa chữa sai lầm khi cố biến một chiếc máy bay đánh chặn của hải quân trở thành phi cơ chiến đấu đa nhiệm. Tuy nhiên, những gì mà F-4 thể hiện vượt xa cả sự mong đợi của giới chức quân sự Mỹ.
F-4 Phantom là một trong những máy bay đầu tiên được trang bị tên lửa không đối không tầm xa, giúp nó bắn hạ mục tiêu khi các phi công chưa nhìn thấy nhau. Trong những năm 1960, khả năng này có thể sánh ngang với công nghệ tàng hình mà những chiếc F-22 và F-35 của Mỹ đang sở hữu hiện nay. Tuy nhiên, tên lửa Sparrow thời kỳ đầu chưa thực sự hoàn thiện, khiến F-4 vẫn phải đối đầu với những chiếc MiG của Liên Xô, loại máy bay chuyên dụng cho không chiến.
Những chiếc F-4 không phải mẫu phi cơ hoàn hảo nhưng nó tham gia tất cả các chiến dịch quân sự của Mỹ tới khi nghỉ hưu. Nó có thể đảm trách nhiệm vụ của một máy bay tiêm kích, máy bay cường kích hay máy bay do thám. Đối với phương Tây và các đồng minh, F-4 là máy bay chiến đấu chính trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
F-15 Eagle
Phản lực chiến đấu F-15 Eagle (Đại bàng). |
F-15 Eagle (Đại bàng) là thành tựu công nghệ nổi bật của Mỹ cuối những năm Chiến tranh Lạnh. Với hai động cơ phản lực đẩy cực mạnh, F-15 có khả năng di chuyển với tốc độ nhanh, hoạt động hiệu quả ở độ cao lớn. Nó có khả năng bay theo phương gần như thẳng đứng ngay sau khi cất cánh. Vũ trang hạng nặng, bao gồm các loại tên lửa không đối không tầm xa giúp tăng khả năng đánh chặn của F-15.
F-15 cất cánh lần đầu tiên năm 1972 và vẫn đang chứng minh vai trò trong quân đội Mỹ. Các giá treo dưới cánh và bụng giúp những chiếc F-15 có thể mang các loại vũ khí đối không, đối đất. Nó ra đời nhằm mục tiêu chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không. Ngoài ra, F-15 có thể được dùng làm giá phóng di động cho tên lửa diệt vệ tinh của Mỹ.