Giới trung lưu châu Á coi “tích lũy tài sản để ổn định tài chính” và “lập kế hoạch nghỉ hưu” là 2 mục tiêu tài chính hàng đầu. Ảnh: Pixabay. |
Khảo sát Chất lượng cuộc sống mới nhất của HSBC cho thấy tầng lớp trung lưu châu Á đang ưu tiên ổn định tài chính và nhu cầu bảo vệ trong tâm thế lo lắng về chi phí sinh hoạt và các yếu tố liên quan đến sức khỏe.
Nghiên cứu với sự tham gia của hơn 11.000 người thuộc tầng lớp trung lưu tại 11 thị trường trên thế giới cho thấy một mối lo toàn cầu về chi phí sinh hoạt gia tăng và tác động của lạm phát đối với tiền tiết kiệm có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch trong cuộc sống.
Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát ở châu Á mà HSBC tiếp cận cũng cho thấy sự chú trọng đến các rủi ro liên quan đến sức khỏe, bao gồm chi phí y tế gia tăng và tác động của những vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Những mối lo này được phản ánh trong các ưu tiên về tài chính. Cũng giống như tầng lớp trung lưu ở những nơi khác, nhóm tham gia khảo sát ở châu Á coi “tích lũy tài sản để ổn định tài chính” và “lập kế hoạch nghỉ hưu” là hai mục tiêu tài chính hàng đầu, theo sát sau đó là “có bảo hiểm đủ để bảo vệ”.
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy những khoảng trống trong việc lập kế hoạch. Ở châu Á, cứ 4 người thuộc thế hệ Gen X (sinh ra trong khoảng thời gian 1965-1980) lại có 1 người chưa có đủ bảo hiểm sức khỏe, tỷ lệ này ở Gen Z (1997-2012) và Millennials (1980-1997) là 1/5.
Đáng chú ý, có tới 42% người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á đang cảm thấy không sẵn sàng để nghỉ hưu. Trong đó, nhóm này ở Hong Kong (47%), Trung Quốc đại lục (55%) và Đài Loan (51%) cảm thấy ít sẵn sàng hơn so với các thị trường khác.
So với các thế hệ khác, nhóm Gen X ít khả năng có một kế hoạch nghỉ hưu toàn diện, còn đối với nhóm Baby Boomers (1959-1980) thì 3/10 người vẫn chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm và hơn 1/4 chưa có kế hoạch trong tay.
Khảo sát còn cho thấy các nhà đầu tư trung lưu trên toàn cầu đang phân bổ gần 32% danh mục đầu tư vào tiền mặt. Tuy nhiên, năm sau có thể ghi nhận sự thay đổi bởi giới trung lưu đang có ý định cân bằng lại danh mục bằng cách đầu tư 54% số tiền mặt này.
Bình quân thế hệ Gen Z và Millennials bắt đầu sớm hơn Baby Boomers lên đến 1 thập kỷ. Họ có tỷ lệ thu nhập đem đi đầu tư cao hơn và theo dõi danh mục đầu tư thường xuyên hơn.
34% nhà đầu tư trung lưu ở các trung tâm quản lý tài sản quốc tế chính có kế hoạch đầu tư nhiều hơn ở ngoài thị trường chính quốc, trong đó, Mỹ và Trung Quốc đại lục là 2 điểm đến hàng đầu.
Mặt khác, phần lớn tầng lớp trung lưu tin rằng việc lên kế hoạch từ sớm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lại di sản nhưng chưa tới 4 trong 10 người lập di chúc hoặc lên kế hoạch kế thừa. Tỷ lệ này ở châu Á thậm chí thấp hơn, chỉ 33%, ngoại trừ Malaysia (47%) là thị trường dẫn đầu trong vấn đề này.
"Chúng ta cần có hướng tiếp cận tích hợp trong quản lý tài sản và sức khỏe, bởi cách chúng ta lập kế hoạch tài chính tương lai có ảnh hưởng lớn đến an sinh toàn diện của bản thân", bà Kai Zhang, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Khối Dịch vụ Quản lý tài sản và Tài chính cá nhân khu vực Nam và Đông Nam Á của HSBC đánh giá.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.