Cả ba hãng hàng không lớn tại Việt Nam đều đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm. Với nhu cầu di chuyển hàng không tăng trưởng mạnh tại thị trường nội địa, cả ba hãng đều có kết quả kinh doanh thuận lợi.
2 hãng cùng nhà cùng báo lãi
Sau nhiều năm kín tiếng về kết quả kinh doanh, Jetstar Pacific mới đây đã công bố tình hình của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2018.
Ba ông lớn hàng không Việt đều báo lãi nửa đầu 2018. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng lợi nhuận của hãng đã vượt kế hoạch 6 lần, hiệu quả hơn 523 tỷ so với cùng kỳ, và có lãi ấn tượng sau nhiều năm được giới quan sát nhận định là kinh doanh lỗ.
Cũng theo hãng bay này, tình hình kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tỷ giá USD cùng giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng tổng chi phí của Jetstar Pacific trong 7 tháng đầu năm 2018 lãi giảm 1% so với kế hoạch. Doanh thu tăng trưởng 35% so với cùng kỳ 2017 và vượt 3% so với kế hoạch năm 2018.
Công ty mẹ của Jetstar Pacific là Vietnam Airlines cũng có nửa đầu năm thuận lợi. Riêng quý II, lợi nhuận sau thuế là 309 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ.
Trong tổng doanh thu quý II của Vietnam Airlines, doanh thu bán vé chiếm 18.927 tỷ đồng. Đồng nghĩa hãng thu về khoảng 210 tỷ đồng tiền vé máy bay mỗi ngày.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu 47.943 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đến 83%, lên mức 1.511 tỷ đồng, hoàn thành 49,38% kế hoạch doanh thu năm 2018 và hơn 62% chỉ tiêu lợi nhuận.
Lãi lớn nhất là Vietjet Air
Tuy nhiên, lãi lớn nhất trong ngành hàng không Việt vẫn là Vietjet Air. Hãng hàng không giá rẻ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có doanh thu quý II đạt 8.637 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ so với cùng kỳ năm 2017 (tăng hơn 52%).
Với doanh thu này, lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế quý này đạt hơn 711 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet Air thu về tổng cộng hơn 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động vận tải truyền thống, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chia sẻ trên Bloomberg rằng các hoạt động phụ trợ cũng mang lại khoản tiền đáng kể, tăng đến 50% so với nửa đầu năm 2017. Đây là những khoản tiền bán đồ ăn, vật dụng trên máy bay, hoặc bảo hiểm du lịch.
Về kế hoạch phát triển đội bay, đại diện hãng cho hay đang nhận 17 máy bay từ Airbus, nâng tổng đội bay lên 66 máy bay. Từ đầu năm đến nay hãng đã nhận 4 máy bay Airbus A321, 13 chiếc còn lại nhận trong 6 tháng cuối năm.
Trong năm 2019, VietJet Air sẽ nhận tiếp 12 máy bay, đưa tổng đội bay đạt con số 78.
2019 cũng là năm hãng dự kiến mở thêm 21 đường bay mới. Trong đó 15 đường bay quốc tế, 6 đường bay nội địa, bao gồm cả các đường bay đến sân bay mới Vân Đồn.
Nửa đầu năm 2018, cả ba doanh nghiệp đều chia sẻ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là biến động về giá nhiên liệu có chiều hướng tăng. Mới đây, cả 3 hãng hàng không cùng có ý kiến với cơ quan chức năng về việc cho phép tăng giá vé, trong đó Jetstar Pacific đề xuất tăng giá vé thêm 25%.