Sáng 7/3, trước khi bước vào phần trả lời các chất vấn của ngư dân, trước cả nghìn người, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nhìn nhận, việc xảy ra như mấy ngày qua ở Sầm Sơn là đáng tiếc. "Tôi với tư cách người đứng đầu tỉnh nhận thấy mình có khuyết điểm, trách nhiệm với ngư dân Sầm Sơn" - ông Chiến nói.
Bí thư hẹn gặp dân vạn chài
11 ngày sau khi ngư dân 4 xã, phường là Quảng Cư, Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn kéo lên vây UBND tỉnh Thanh Hóa, đòi được gặp, chất vấn người đứng đầu địa phương về những bất cập trong thu hồi khu vực neo đậu bến thuyền để giao cho Tập đoàn FLC thực hiện dự án "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương", Bí thư Thanh Hóa đã mời bà con ngư dân Sầm Sơn đến tháo gỡ vướng mắc.
Buổi đối thoại tổ chức sáng 7/3 tại Trung tâm bồi dưỡng Thanh thiếu niên thị xã, có sự tham gia của cả nghìn ngư dân cùng vợ con họ. Hàng trăm cảnh sát thuộc nhiều lực lượng được huy động để đảm bảo an ninh trong và ngoài khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Lê Hiếu. |
15 phút đầu, một vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đọc bài khai mạc và báo cáo khái quát chủ trương phát triển du lịch Thanh Hóa nên không thu hút sự chú ý của người dân. Cuộc đối thoại chỉ "nóng" khi ngư dân thị xã Sầm Sơn chất vấn lãnh đạo tỉnh nhà.
Được mở đầu, bà Ngân - một người dân trong vùng ảnh hưởng dự án cải tạo bãi biển phản bác chủ trương xóa bỏ bè, mủng công suất nhỏ khi UBND tỉnh triển khai dự án cải tạo chỉnh trang ven biển và tuyến đường Hồ Xuân Hương.
Bà đề nghị chính quyền bỏ quy định chỉ tàu thuyền công suất 30 CV trở lên mới được đánh bắt gần bờ. "Tôi nghĩ ai có tiền nhiều thì đóng tàu to, đi đánh cá lớn. Ai ít tiền, đóng tàu bé đi bắt cá bé. Nhưng dân chài đi thuyền to và thuyền bé thực tế thu lời kinh tế như nhau", bà cho hay.
Người phụ nữ này dẫn chứng, nhà bà có thuyền bé, cuộc sống cũng không mắc nghèo, vẫn xây nhà 2 tầng. Nếu không cho đi thuyền bé thì họ chẳng biết làm nghề gì khác.
“Người có tiền nhiều thì mua ôtô to, ít tiền đi xe máy. Chính quyền phải đối xử với dân chúng tôi bình đẳng chứ, đều là người Sầm Sơn mà” - vợ của ngư dân có hơn 40 năm đi biển giãi bày.
Bà dứt lời trong tràng pháo tay của nhiều ngư dân.
Cả nghìn người dân Sầm Sơn đến dự cuộc đối thoại với Bí thư Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trong rừng cánh tay giơ cao xin phát biểu, anh Cao Sĩ Hải (ở phường Trung Sơn) được chỉ định là tiếng nói đại diện cho ngư dân trẻ. Ngư dân ngoài 30 tuổi đặt câu hỏi: “Ngày xưa ông cha bám biển, giữ được biển, tại sao bây giờ chính quyền lại chỉ đạo lấy biển của người dân? Việc cho FLC đầu tư kinh doanh chiếm hết ngư trường của người dân, liệu có lợi ích nhóm trong đó?" – anh Hải hỏi.
Xuất hiện trong hầu hết các phát biểu của ngư dân, mẫu số chung là mọi người mong muốn sau cuộc đối thoại này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho họ giữ lại từ 300 - 1.500 m dài bờ biển Sầm Sơn - dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương, để có nơi neo đậu tàu thuyền, yên tâm bám biển, ổn định cuộc sống.
Khi Bí thư bị ngư dân “chỉnh”
Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng trong các câu hỏi chuyển tới Bí thư, nhưng nhiều ngư dân tới đây vẫn không tin việc "đòi biển" của mình sẽ được giải quyết, nhất là sau khi nghe ông Phó chủ tịch UBND tỉnh quán triệt nhiều lần chủ trương "di dời bến thuyền ra xa trung tâm".
Hơn 10h, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đăng đàn trả lời các câu hỏi. Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh bảo nhận được 13 câu hỏi, nhưng nhiều ý trùng nhau nên gom lại 3 nguyện vọng chính.
Thứ nhất, bà con ủng hộ việc quy hoạch bãi biển Sầm Sơn khang trang, đẹp hơn nhưng đề nghị chính quyền phải chú ý đời sống người dân, thương dân. Thứ hai, để nghị tỉnh chừa lại trên bãi biển Sầm Sơn từ 300 -1.500 m làm nơi neo đậu thuyền. Thứ ba, với một số ngư dân nhận thức chưa đúng, có vi phạm về pháp luật khi tham gia biểu tình, bà con đề nghị các cấp chính quyền giơ cao đánh khẽ.
Trước khi đối thoại, ông Bí thư đề nghị cả nghìn người có mặt trong và ngoài khán phòng tập trung và phải nghe đến cuối buổi mới được về. Nếu nghe xong chưa thỏa mãn thì kiến nghị tiếp để Bí thư trả lời.
Quan sát thấy người dân đã biểu quyết thông qua 3 nội dung mình sẽ trả lời, ông Chiến bất ngờ chùng giọng.
Người đứng đầu Đảng bộ Thanh Hóa nhìn nhận, việc xảy ra như mấy ngày qua là đáng tiếc. "Tôi với tư cách người đứng đầu tỉnh nhận thấy mình có khuyết điểm, trách nhiệm với ngư dân Sầm Sơn" - Bí thư Chiến nói.
Theo ông, những ngày qua, ông được nghe nhiều thông tin hoàn tài sai sự thật để kích động. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa được tuyên truyền đã kéo lên cơ quan của tỉnh và thị xã Sầm Sơn.
"Đây là điều vi phạm pháp luật. Tôi với tư cách người đứng đầu chính quyền khẳng định bờ biển của đất nước ta, người dân ta, trong đó có Sầm Sơn. Nhưng biển, bờ biển phải được quản lý bằng các quy định hiện hành, bằng quy hoạch, chú ý đến sự phát triển đi lên của Sầm Sơn và lợi ích của người dân", ông Chiến chia sẻ.
"Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ để giao cho bất cứ một doanh nghiệp nào – không có chuyện đó. Vì làm như vậy là trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước", Bí thư Trịnh Văn Chiến nói thêm.
Theo người đứng đầu chính quyền Thanh Hóa, Sầm Sơn là bãi biển đẹp của cả nước, nhưng tiếc là việc khai thác chưa thực sự hiệu quả tiềm năng của nó. Do vậy tỉnh có chủ trương cải tạo nâng cấp đường Hồ Xuân Hương và bờ biển phía đông đường, để đưa Sầm Sơn thành bãi biển đẹp nhất cả nước.
"Hình ảnh của Thanh Hóa có tốt đẹp hay không, thì hình ảnh của Sầm Sơn là hết sức quan trọng", ông Chiến nói.
Lý giải về chủ trương cải tạo bãi biển, ông dẫn ra bài học của Hạ Long (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An)... Theo ông, các tỉnh đều làm cả chục năm trước trong khi Thanh Hóa giờ mới triển khai. Riêng phần đền bù, hỗ trợ cho người dân, ít địa phương có song Thanh Hóa đã ban hành chính sách ưu đã cao hơn rất nhiều quy định thực tế.
"Rất ít bà con muốn nhận tiền, còn phần lớn, do một bộ phận tác động, níu kéo nên chưa nhận. Hiện, cơ bản bà con chưa đồng tình với chủ trương chính sách của tỉnh", ông Chiến nói và liên tục nhắc người dân bình tĩnh, giữ trật tự. Ông khẳng định, chủ trương của Chính phủ và tỉnh là đúng, nhưng một bộ phận bà con chưa thông.
Ngay lập tức, hàng chục người dân tham gia đối thoại phản đối và cho rằng "ông Bí thư phải nói chủ trương là đúng, nhưng toàn bộ bà con chưa thông".
Sau mỗi câu người dân “chỉnh”, ông Chiến đều phát biểu theo yêu cầu, đề nghị của bà con.
Liên tục nhắc nhở "bà con trật tự", ông Chiến cho hay, để chuẩn bị cho buổi đối thoại sáng nay, ông đã yêu cầu văn phòng Tỉnh ủy và UBND tỉnh rà lại rà lại các văn bản chỉ đạo của Sầm Sơn, xem bao nhiêu văn bản có chủ trương về di dời bến thuyền.
"Phải vận động ngư dân, thuyết phục khi nào người dân thông mới di dời"- ông Chiến quán triệt.
Chốt lại phần trình bày, ông Chiến khẳng định: "Bà con nào thống nhất chủ trương của tỉnh thì nhận tiền và thực hiện theo quyết định nêu trên (hiệu lực tháng 4/2016). Bà con nào vì nhiều lý do khác nhau, chưa thông, hãy vẫn làm bình thường như lâu nay. Bà con vẫn đi thuyền, đi mủng bình thường".
“Tôi gom các câu hỏi lại và đã giải quyết hết thắc mắc với bà con. Đề nghị bà con thực hiện tốt" - ông Chiến kết thúc phần phát biểu và định rời khỏi hội trường nhưng phía dưới vẫn kín ngư dân.
Họ đồng thanh nói vọng, bày tỏ sự không đồng ý và tiếp tục đặt các câu hỏi. Dù đã đề nghị bà con viết ra giấy để gửi lại sau tập hợp, vì đó là những ý kiến đơn lẻ, không đại diện cho tập thể, song cuối cùng Bí thư Thanh Hóa buộc phải trở lại bục phát biểu.
Vị Bí thư 56 tuổi chốt lại buổi đối thoại kéo dài hơn 3 giờ: "Bà con trật tự để tôi nói lại" - ông Chiến nhắc đi nhắc lại nhiều lần - "Thế này nhé, bà con đến đây có ý kiến xin 1,5 km bờ biển. Tỉnh không có ý kiến yêu cầu thu hồi. Vậy đương nhiên bà con cứ làm như lâu nay vẫn làm thôi. Bà con thấy vậy đã thoải mái chưa?"
Ông Chiến dừng lời, kết thúc buổi đối thoại trong tràng pháo tay lớn của người dân.
Trên đường trở ra sân Trung tâm bồi dưỡng Thanh thiếu niên thị xã, ông Chiến được nhiều người dân níu tay nói cảm ơn vì quyết định đã "hơn cả họ mong đợi".