Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao ngư dân Sầm Sơn tập trung đòi bãi biển?

Với 44 năm kinh nghiệm bám biển Sầm Sơn, ông Tầm cho rằng 2 địa điểm neo đậu tàu thuyền mà UBND tỉnh Thanh Hóa dự tính di dời ngư dân tới có thể “gây nguy hiểm cho bà con”.

Ba ngày sau khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ việc người dân Sầm Sơn tụ tập đông người trước UBND tỉnh và một số điểm trên địa bàn về hành vi Gây rối trật tự công cộng, an ninh quanh trụ sở cơ quan công quyền vẫn được thắt chặt.

Ghi nhận của Zing.vn, sáng 6/3, dù không còn cảnh đám đông người dân kéo lên cổng trụ sở tỉnh để khiếu kiện, nhưng hàng chục cảnh sát mặc quân phục, cùng dân quân tự vệ… vẫn được lệnh chốt trên đại lộ Lê Lợi (TP Thanh Hóa) và các tuyến đường lân cận dẫn vào trụ sở UBND tỉnh, để giữ gìn trật tự. 

Dừng ra khơi để đi đòi bãi biển

Sầm Sơn là thị xã ven biển, cách TP Thanh Hóa gần 20 km. Nơi đây có khu bãi tắm trung tâm với thảm cát trải dài khoảng 4 km, thu hút đông khách du lịch tới vui chơi dịp hè.

Thực hiện chủ trương nâng cấp bãi biển vốn coi là thương hiệu của Thanh Hóa trở nên khang trang và hiện đại, thời gian qua chính quyền tỉnh chấp thuận để tập đoàn FLC triển khai nhiều dự án xây dựng quy mô lớn tại thị xã Sầm Sơn. Trong số đó có dự án kè toàn bộ bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương; phá bỏ, thay thế ki-ốt kinh doanh tự phát bằng hệ thống cửa hàng hiện đại; dịch chuyển khu vực bến đậu của ngư dân sang vị trí khác.

ngu dam Sam Son doi bai bien anh 1
Bến đậu thuyền của ngư dân được yêu cầu di dời. Ảnh: Nguyễn Dương.

Với cam kết hoàn thành công việc chỉnh trang xong trước dịp 30/4, nên vài tháng nay nhà thầu FLC đã huy động nhiều công nhân, máy móc, phương tiện đến thi công, biến tuyến đường Hồ Xuân Hương ven biển thành một đại công trường, luôn trong cảnh nắng bụi, mưa lầy.

Dưới bãi biển, nhiều hàng cây phi lao, dừa chục năm tuổi bị máy xúc kéo bật gốc để lấy mặt bằng phục vụ việc xây bờ kè và các ki-ốt kiên cố.

Nhiều quán hải sản, nhà hàng nằm ở đường ven biển phải dừng kinh doanh để tránh bụi. Số ít tiệm còn mở vì đã cam kết tiêu thụ hải sản cho ngư dân.

Ủng hộ chủ trương cải tạo bãi biển song ông chủ một nhà hàng hải sản bảo, việc chỉnh trang quy mô lớn, gấp gáp đã làm thay đổi cả tiếng gió ở Sầm Sơn. “Gió không còn thổi cho lá cây xào xạc nữa mà đem cát bụi bay khắp nơi” - chủ quán ăn nói.

Sầm Sơn có nhiều tháng vắng khách vì mưa lạnh, nhưng ngư dân nơi đây không vì thế ít ra khơi đánh bắt hải sản, bởi đó là nguồn kiếm sống bao đời nay của họ.

Tuy nhiên, chục ngày nay, trước thông tin cơ quan chức năng thu hồi khu vực neo đậu bến thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương (thuộc xã Quảng Cư và 3 phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn) để giao cho Tập đoàn FLC thực hiện dự án: "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương" khiến biển Sầm Sơn vắng hẳn tàu thuyền ra khơi.

Biết tin, ngư dân cùng nhau lên cổng trụ sở UBND tỉnh bày tỏ phản đối cơ quan chức năng dẹp toàn bộ nơi neo đậu, vì cho rằng việc làm đó đã chặn đường ra biển của họ, triệt đường khai thác thủy sản gần bờ trước mặt của khu nghỉ dưỡng.

ngu dam Sam Son doi bai bien anh 2
Nhiều ngư dân dừng ra khơi trước lệnh 

dẹp toàn bộ nơi neo đậu bến thuyền. Ảnh: Việt Đức.

Họ đồng tình với chủ trương chỉnh trang bãi biển, nhưng muốn chính quyền trừ ra khoảng bến dài từ 500 m, trong số 3,6 km định thu hồi để bà con gom tàu thuyền vào neo đậu tập trung nhưng chưa được đồng ý.

Ngồi ở đuôi chiếc mảng (bè) được ghép từ hàng chục cây tre, anh Văn Đình Quảng (37 tuổi, ngư dân ở phường Trung Sơn) kể vừa trở về từ vùng biển Cô Tô, Cát Bà (Hải Phòng) khi nghe tin ở nhà vợ con lên tỉnh đòi biển. "Đi làm cũng nóng ruột nên mấy anh em xóm chài bảo nhau dừng ra khơi để về cùng góp tiếng nói, mong giữ lại bến thuyền đã có từ bao đời", anh Quảng chia sẻ.

Đến nơi mới sẽ gặp nhiều rủi ro

Chiều 6/3, ngư dân trẻ Vũ Đình Sơn (ở xã Quảng Cư) đang đứng trên đoạn đường ven biển mới được mở rộng, thảm nhựa để gỡ lưới sau chuyến ra khơi buổi sáng thì thấy chiếc mủng (thuyền nan nhỏ gắn động cơ) của bố sắp về bờ. Anh gọi mẹ và vợ đang nằm nghỉ gần đó xuống biển cùng phụ bố kéo lên neo đậu.

Sơn kể, từ nhỏ đã theo cha đi biển Sầm Sơn nên được truyền kinh nghiệm nhận biết các vùng nước có nhiều hải sản, hay những nơi nguy hiểm cần tránh. Ngư dân 28 tuổi chia sẻ, anh từng vài phen bị lật mủng khi gặp sóng lớn, nhưng thoát nạn vì chủ động tránh những điểm có nước xoáy sâu.

Với kinh nghiệm 44 năm bám biển Sầm Sơn và truyền nghề cho cả 4 người con, ông Vũ Đình Tầm (56 tuổi, bố Sơn) tâm sự, nhiều ngày nay ông lo cho cuộc sống gia đình đảo lộn.

ngu dam Sam Son doi bai bien anh 3
Ông Tầm neo đậu chiếc thuyền nhỏ sau chuyển ra khơi chiều 6/3. Ảnh: Việt Đức.

Nói về lý do ngư dân không đồng ý di dời ra 2 địa điểm neo đậu tàu thuyền mà tỉnh Thanh Hóa sắp xếp, ông Tầm bảo chỗ mới có thể "gây nguy hiểm cho bà con".

Nhận xét về điểm đỗ nằm dọc cửa sông Mã, ngư dân lão luyện bảo nơi đây sóng to, gió lớn, đáy biển nhiều hố sâu, nước xoáy nên thuyền bè nhỏ ra vào sẽ gặp nguy hiểm. Thuyền nhỏ hoạt động ở cùng biển này gặp sóng lớn mà bị lật thì ngư dân dễ mất mạng - ông Tầm nói.

Tuy nhiên, người đàn ông với gương mặt từng phải chịu nhiều sương gió lộ vẻ bối rối khi bản thân cũng không chắc tiếng nói trên của mình có thuyết phục được các lãnh đạo tỉnh.

Còn với bãi neo đậu thứ 2 dự tính phải di dời đến - nằm ở xã Quảng Hồng (cách bến cũ hiện nay khoảng 8 km), ông Tầm lắc đầu bảo "xa quá". Sống một nơi còn tàu thuyền neo một nẻo thì ai trông coi được - ngư dân này nói về bất cập.

Gần cả cuộc đời đánh bắt tôm cá ở biển Sầm Sơn, ông Tầm bảo chưa bao giờ thấy ngư dân nơi đây buồn, lo mất nghề như lúc này. Hướng ánh mắt ra biển - nơi lác đác có vài bóng tàu thuyền đang thu lưới, ngư dân 56 tuổi nói lòng ông xót xa khi nhìn cảnh biển vắng, chợ cá thưa người mua, kẻ bán... vì ngư dân bận bịu đi đòi bãi biển.

"Cả tuần nay dân vạn chài chúng tôi chỉ bàn tính xem mình sẽ đi đâu, về đâu. Chính quyền có cho giữ bến thuyền không. Anh em không còn nghĩ tới việc ra khơi lúc này", anh Văn Đình Quảng (37 tuổi, ngư dân ở phường Trung Sơn) thở dài bên chiếc bè của gia đình được neo đậu kỹ ở gò đất cao.

Hỏi ông Tầm về chính sách UBND tỉnh hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng của dự án "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương – thị xã Sầm Sơn", lão ngư cho rằng chính quyền ban hành quyết định hỗ trợ mà "chưa thấu hiểu hết tâm tư" người dân ở khu neo đậu bến thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

"Ngư dân chúng tôi có nhiều người từng đi đánh bắt xa bờ, trên tàu lớn. Chẳng ai muốn mình lênh đênh trên biển cả tháng mà thu nhập lại bấp bênh. Thời gian đó ở nhà, chịu khó đi bè mủng cũng kiếm 20-30 triệu đồng", ngư dân chia sẻ lý do họ đang gắng xin lãnh đạo địa phương cho giữ lại một phần bãi biển.

11 ngày ngư dân Sầm Sơn vây trụ sở UBND tỉnh

Vụ việc kéo dài và ngày càng trở nên căng thẳng khi ngư dân Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết nơi neo đỗ tàu thuyền.


Dân tiếp tục đòi bãi biển, Thanh Hóa tăng cường an ninh

Ngày thứ 8, người dân Sầm Sơn vẫn tập trung về trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa và Tỉnh ủy đòi trả lại 500 m bãi biển. Công an phải huy động thêm nhiều cảnh sát bảo vệ.




Việt Đức - Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm