Nghi phạm diệt chủng 84 tuổi đã lẩn trốn lâu tới mức toà án quốc tế được thành lập để đem lại công lý cho các nạn nhân vụ diệt chủng thảm khốc năm 1994 đã ngừng hoạt động.
Nhưng cuối cùng, lưới trời lồng lộng, Felicien Kabuga đã bị bắt cuối tuần trước tại nơi ở của mình ở ngoại ô Paris, nhờ vào cuộc điều tra được tái khởi động bởi Serge Brammertz, công tố viên chuyên về tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc, người đang phụ trách xử lý các vụ việc liên quan đến tội ác chiến tranh ở Rwanda và Nam Tư cũ.
Felicien Kabuga bị truy nã vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loại người, với phần thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn tới vụ bắt giữ ông này. Ảnh: Reuters. |
"Như một bóng ma"
"Cách đây một năm chúng tôi đã biết rằng ông ta có thể ở Anh, Pháp hoặc Bỉ và đến 2 tháng trước thì chúng tôi kết luận ông ta ở Pháp", công tố viên trưởng của Cơ chế cư trú quốc tế của Liên Hợp Quốc về Toà án Hình sự (IRMCT), chia sẻ với BBC.
"Giới chức Pháp định vị được căn hộ nơi ông ta sinh sống, dẫn tới chiến dịch bắt giữ", vị này cho biết thêm. Một trong những lý do chính khiến ông ta có thể lẩn trốn trong thời gian dài là nhờ sự giúp đỡ của con cái.
Ông Kabuga được cho là có ít nhát 5 người con, trong đó có 2 con gái là con dâu của cựu tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana, người thiệt mạng khi máy bay của ông bị bắn hạ ngày 6/4/1994 - sự kiện dẫn tới vụ diệt chủng.
Các nhà điều tra Pháp theo dõi các con của ông Kabuga để truy tìm dấu vết, và phát hiện ra ông ta ở căn hộ tầng 3 ở khu Asnieres-sur-Seine ở ngoại ô Paris. Ông Kabuga sống dưới một danh tính giả, sử dụng hộ chiếu giả của một nước châu Phi khác chưa công bố.
Theo đại tá Eric Emeraux, người đứng đầu lực lượng đặc biệt của cảnh sát Pháp điều tra tội phạm chiến tranh, việc phong toả do virus corona đã giúp cho chiến dịch diễn ra thành công, vì cảnh sát phải tạm dừng các hoạt động khác trên khắp châu Âu nên có thời gian và nguồn lực để tập trung vào chiến dịch này.
Chỉ trong vòng 100 ngày của năm 1994, khoảng 800.000 người đã bị giết bởi những kẻ cực đoan người Hutu. Ông Kabuga - một trong những doanh nhân giàu nhất đất nước khi đó - bị cáo buộc tài trợ cho vụ diệt chủng này.
Mỹ từng treo thưởng 5 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin dẫn tới vụ bắt giữ ông Kabuga. Nhưng thật khó tin là sau khi bị buộc 7 tội danh diệt chủng và tội ác chống lại loại người vào năm 1997, cùng khoản tiền thưởng truy nã 5 triệu USD, ông Kabuga vẫn lẩn trốn thành công ở nhiều quốc gia và cả 2 lục địa.
Ông Kabuga được cho là đã sống ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Phi, trong đó có Kenya. Chính phủ Kenya từ lâu cũng bị nghi ngờ đã tạo điều kiện để ông Kabuga ẩn náu, và một số chính trị gia nước này bị cáo buộc cản trở nỗ lực bắt giữ nghi phạm diệt chủng.
Năm 2006, Toà án Hình sự Quốc tế Rwanda cho biết họ có bằng chứng cho thấy ông Kabuga đã đến, hoặc cư trú tại Kenya, nơi mà gia đình ông tham gia kinh doanh nhiều lĩnh vực.
Đến năm 2009, ông Stephen Rapp, đại sứ Mỹ phụ trách các vấn đề tội phạm chiến tranh, đã cáo buộc chính phủ Kenya từ chối trao trả ông Kabuga.
Có bằng chứng cho thấy ông Kabuga thậm chí đã tham dự các sự kiện cùng với những người có ảnh hưởng ở Kenya, cáo buộc mà chính quyền Nairobi luôn phủ nhận.
Cảnh sát đặc nhiệm Pháp đảm bảo an ninh bên ngoài phiên luận tội sơ bộ tội phạm diệt chủng Felicien Kabuga. Ảnh: Reuters. |
Gia đình Kabuga sở hữu nhiều tài sản và bất động sản ở Kenya, việc này được chứng minh vào năm 2015 khi vợ của ông Kabuga là bà Josephine Mukazitoni cố gắng tìm cách kiểm soát một bất động sản ở nước này.
Các phương tiện truyền thông chỉ ra sự hiện diện của ông Kabuga ở Kenya, nhưng chưa bao giờ cung cấp bằng chứng cụ thể về việc ông này hoặc vợ sinh sống ở đây. Ông Kabuga được cho là đã nhiều lần trốn thoát sự theo dõi của cảnh sát ở thủ đô Nairobi.
Trong một cuộc đột kích ở thủ đô Nairobi ngày 19/7/1997, cảnh sát đã bắt giữ 7 nghi phạm diệt chủng Rwanda khác, nhưng ông Kabuga được cho là đã trốn thoát nhờ lời cảnh báo sớm của một sĩ quan cấp cao trong lực lượng cảnh sát.
Có ít nhất một nhà báo đã thiệt mạng khi đang tìm cách thực hiện một phóng sự điều tra về ông Kabuga ở Kenya.
Người hàng xóm trầm tính ở Paris
Sau khi vụ diệt chủng tàn khốc diễn ra, ông Kabuga đã tim cách chạy trốn đến Thụy Sĩ, nhưng không được chính quyền nước này chấp nhận. Ông được cho là trở lại châu Phi thông qua Kinshasa, thủ đô của CHDC Congo.
Hầu hết bằng chứng cho thấy ông Kabuga hiện diện ở Kenya, nhưng công tố viên Serge Brammertz cho biết cũng có thông tin cho thấy ông Kabuga có mặt ở Burundi hoặc Madagascar.
Nhưng những thông tin như vậy luôn được biết quá chậm để thực hiện bắt giữ, vì vậy chiến dịch lần này cần có sự phối hợp tinh vi với việc tìm kiếm đồng thời trên một số địa điểm.
Bắt đầu từ địa điểm cuối cùng mà ông Kabuga được nhìn thấy - nước Đức, khi ông đến đây phẫu thuật vào năm 2007 - các nhà điều tra phải mất ít nhất 2 năm để truy vết dữ liệu điện thoại và giao dịch, và cuối cùng mọi thứ dẫn họ đến Paris.
"Thật khó để tưởng tượng ông ta có thể trốn thoát vào lãnh thổ Pháp mà không có sự giúp đỡ của các đồng phạm", ông Patrick Baudoin đến từ Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, nhận định.
Bỉ ẩn về nơi ở của ông Kabuga trong nhiều năm qua đã khiến Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) kêu gọi mở một cuộc điều tra về cách thức và làm thế nào tên tội phạm diệt chủng có thể lẩn trốn lâu như vậy.
Toà nhà tại ngoại ô Paris nơi ông Kabuga sinh sống trong suốt 4 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Hàng xóm của ông Kabuga ở Paris cho biết ông này đã sống ở đây được từ 3 đến 4 năm. Người đàn ông được cho là cực kỳ ít nói và chỉ nói lí nhí khi có ai đó chào hỏi. Trước khi có lệnh phong toả vì virus corona, ông Kabuga vẫn thường được nhìn thấy ra khỏi nhà đi dạo.
Người đàn ông 84 tuổi hiện đang bị giam giữ tại nhà tù La Sante ở trung tâm Paris, và ông sẽ ở lại đây cho đến khi được chuyển tới tay của IRMCT.
Công tố viên Brammertz cho biết quá trình này có thể mất từ vài tuần đến vài tháng, và có thể sẽ phải mất khoảng một năm trước khi phiên toà xét xử ông Kabuga diễn ra - có thể được tổ chức tại La Hague hoặc thành phố Arusha của Tanzania - nơi đặt trụ sở của Toà án Hình sự Quốc tế Rwanda.
Tuy nhiên, luật sư của ông Kabuga tuyên bố rằng thân chủ của mình muốn được xét xử ở Pháp.